Việt Nam Thời Báo

Sốt đất sân bay Long Thành: Bỏ làm tóc, làm rẫy… đi bán đất

Sau hơn nửa tháng Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), trong vai người đầu tư đất, phóng viên ĐTTC đã xuống khu vực dự kiến sẽ xây dựng sân bay để ghi nhận thực tế.

 

 

Bỏ làm tóc, làm rẫy… đi bán đất

 

8 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu xuất phát đi Long Thành từ quận 2 (TPHCM). Chỉ sau 20 phút đi cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, chúng tôi đã có mặt tại xã Long An, 1 trong 6 xã được quy hoạch làm sân bay, gồm: Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Bàu Cạn, Long An và Long Phước. So với những xã còn lại, Long An có vị trí đắc địa nhờ gần cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, Quốc lộ 51 và sân bay Long Thành tương lai.
Men theo con đường khai thác đá rộng chừng 6m (thuộc ấp 3, xã Long An), hình ảnh đập vào mắt là những biển quảng cáo bán đất “lô-sào-mẫu” cắm chi chít kéo dài hàng km. Vừa dừng xe trước ngôi nhà có cắm biển rao bán “đất cạnh sân bay Long Thành”, một nhóm 5-7 người đã túa ra hỏi thăm. Một người phụ nữ tên Hiệp niềm nở kéo chúng tôi vào ngồi chiếc bàn đá đặt sâu bên trong sân, lúi húi lấy xấp sổ đỏ nhàu cũ ra tư vấn.
Theo một giám đốc sàn giao dịch BĐS, nhu cầu mua đất đầu tư khu vực Long Thành sẽ tăng đột biến trong thời gian tới vì cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, cao tốc Bến Lức-Long Thành, cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải… chính là những đòn bẩy, thỏi nam châm thu hút dòng vốn trong và ngoài nước chảy vào thị trường BĐS Long Thành nói riêng và Đồng Nai nói chung thời gian tới.
“Em trước làm nghề uốn tóc. Thấy đất đai bỗng nhiên có giá, bén duyên chuyển sang làm môi giới. Mới đây em bán được miếng đất nông nghiệp diện tích 1ha giá 12 tỷ đồng, khu đất này trước đây giá chỉ 8 tỷ đồng. Anh “đánh” phải ra quyết định nhanh, chắc chắn trúng đậm” – chị Hiệp khoe thành tích.
Nhìn xấp hồ sơ, giấy đỏ trưng ra, ước chừng khoảng 50 lô đất đang được ký gửi cho chị Hiệp, vài nền đất đã được gạch bỏ có lẽ đã bán được, vị trí cách sân bay chỉ 2,5km, giá 4-10 tỷ đồng/ha. Việc thông qua dự án đầu tư sân bay quốc tế Long Thành khiến BĐS trong khu vực sốt lên, khách TP hỏi thăm mua đất rần rần, đặc biệt là đất nông nghiệp.
Khi băn khoăn về tính pháp lý các khu đất, ranh giới sân bay Long Thành chưa xác định cụ thể, liệu những lô đất này có bị giải tỏa, chị Hiệp sốt sắng trấn an: “Giấy tờ đất tất cả đều chính chủ, ra sổ hẳn hoi. Bản vẽ lấy từ địa chính, từ ngoài bộ, chắc chắn không dính quy hoạch. Người thật việc thật, chị Th. người nhà bác Kh. mới xuống đây đầu tư khu đất rất lớn nên các anh hoàn toàn yên tâm đi”.
Theo những người dân địa phương, thời gian gần đây nhiều cánh đồng trồng mì, vườn cao su tại xã Long An bị thu hẹp do hiệu quả kinh tế thấp. Cây cao su vốn là cây trồng có giá trị kinh tế cao, thời hoàng kim 1kg mủ tươi có giá đến 80.000 đồng, nay rớt giá thê thảm còn 8.000 đồng mà vẫn không ai mua. Chính vì vậy, một số nông dân bán vườn, không còn mặn mà với nông nghiệp. Còn nhớ thời điểm năm 2008-2009, đất Long Thành đã từng diễn ra một cơn sốt, mỗi ha đất nông nghiệp lúc đó có giá 2-4 tỷ đồng. Đến nay, cũng chính những lô đất này các nhà đầu tư hét giá lên 5-10 tỷ đồng.
Anh Bi vốn là một nông dân làm vườn nay cũng mon men chuyển sang làm cò đất. Anh Bi dẫn chúng tôi đi xem 2 khu đất, trong đó 1 khu diện tích 1,9ha (giá 6 tỷ đồng/ha), một khu đất 2ha (giá 8 tỷ đồng/ha). Những khu đất này là của các “đại gia” trên TPHCM. “Mấy năm trước họ săn đất nông nghiệp để đầu tư. Ai ngờ BĐS đóng băng nên họ cho tôi sử dụng trồng mì và giữ đất. Mỗi năm họ xuống thăm đất một lần” – anh Bi kể.

 

Sôi sục săn dự án

 

Chia tay giới cò đất tay ngang, băng qua cánh rừng cao su bạt ngàn, chúng tôi ngược ra khu đô thị mới Nhơn Trạch, nơi có các sàn giao dịch BĐS chuyên nghiệp đang phân phối những dự án nhà phố, đất nền quy mô lớn. Ghé vào sàn giao dịch Đất Xanh Đông Nam bộ, nhân viên bán hàng tên Thiên Bảo tiết lộ những ngày qua khách hàng tìm về Long Thành “mua đất như mua rau”.
Chủ nhật vừa rồi sàn bán thành công trên 30 nền. Sản phẩm được nhân viên môi giới này chào bán là dự án Victoria City nằm ngay ngã ba Nhơn Trạch, quảng cáo cách sân bay Long Thành chỉ 3km. Đây là dự án do Công ty Đình Thuận đầu tư, quy mô khoảng 2.000 nền. Để chứng minh sự hoàn hảo, Thiên Bảo và một nhân viên khác hăm hở lấy xe máy dẫn chúng tôi tham quan dự án của Victoria City. Một nền đất Vitoria City năm ngoái được rao bán với giá 320 triệu đồng/nền đến nay đơn vị môi giới đã nâng giá lên khoảng 500 triệu đồng/nền.
Từng đầu tư đất nền thành công tại Long Thành ở thời điểm giá đất cao đỉnh điểm năm 2007-2008, anh Nguyễn Minh Hà (quận 9, TPHCM) theo chân một nhà môi giới quay trở lại nơi đây tìm kiếm cơ hội. Để chắc ăn, thay vì mua đất nông nghiệp sợ vướng quy hoạch, anh Hà chọn mua 4 nền đất dự án đã hoàn thiện hạ tầng với giá khoảng 2 tỷ đồng.
Anh Hà lạc quan: “Không riêng gì tôi, một số bạn bè cũng lạc quan khuyên tôi tham gia đầu tư BĐS Long Thành. Bởi giá thị trường nhìn chung vẫn còn “mềm” và xu hướng sẽ tăng trong 3-5 tới nhờ tốc độ phát triển hạ tầng nhanh, nhu cầu nhà ở cao”.
Trước tín hiệu hồi phục của thị trường BĐS Đồng Nai, một số chủ đầu tư các dự án nhà ở và đất nền tại các huyện gần TPHCM và Bình Dương như Nhơn Trạch, Biên Hòa, Long Thành đã bắt đầu bước vào cuộc đua quảng bá, mở bán, giới thiệu căn hộ mẫu nhằm giành thị phần.
Trong cuộc đua này, ngoài số dự án có thanh khoản tốt như Eco Sun Nhơn Trạch, Sunflower Nhơn Trạch, Victoria City, các chuyên gia BĐS nhận định lợi thế có vẻ đang nghiêng về những dự án lớn có quy mô hàng trăm ha trở lên và được đầu tư bởi những đơn vị có nguồn lực tài chính mạnh. Điển hình tại huyện Nhơn Trạch, cách sân bay Long Thành khoảng 8km, CTCP Đầu tư Nhơn Trạch đang triển khai dự án khu đô thị Đông Sài Gòn với quy mô 942ha, trong đó đã hoàn thành cơ sở hạ tầng 350ha. Đây là dự án quy mô lớn, có tổng mức đầu tư lên tới 6 tỷ USD. Sau đợt mở bán thành công giai đoạn 1, công ty đang khẩn trương triển khai bán hàng giai đoạn 2 với gần 200 nhà phố thuộc phân khu Phú Thịnh 1, với giá 400 triệu đồng/nền (diện tích 5x19m).
Một dự án có sức đối trọng lớn cả về quy mô lẫn vốn đầu tư khác là của Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (DonaCoop) với dự án Dreamland City, cách sân bay Long Thành 30km. Dự án có quy mô 1.500ha gồm 5 dự án thành phần (khu đô thị Long Hưng, TP Waterfront, TP Aqua, đảo Phụng Hoàng, bán đảo Cường Hưng) với tổng vốn đầu tư lên đến 10 tỷ USD. Trong đó, dự án thành phần Khu đô thị Long Hưng quy mô 1.800 nền đã được chủ đầu tư bán ra được hơn 30%.
Theo Minh Tuấn – Trà Giang (Sài Gòn Đầu Tư)

 

Tin bài liên quan:

Long Thành: tham vọng biển lớn, liệu có chết chìm (*)

Phan Thanh Hung

Biệt thự bỏ hoang: Hậu quả sau cơn sốt đất ở Ba Vì

Phan Thanh Hung

Tại sao Dự án sân bay Long Thành đột nhiên trở thành vấn đề quan trọng?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo