(VNTB) – Đóng tiền học vài tháng là có chứng chỉ phẫu thuật thẩm mỹ, bị tố cáo thì lại đóng tiền cho công an rồi tiếp tục hoạt động
Trong những năm gần đây, các dịch vụ thẩm mỹ như cắt mí mắt, nâng mũi, nâng ngực mọc lên như nấm sau mưa. TP.HCM nơi được xem là đô thị phát triển bậc nhất cả nước đang trở thành “thủ phủ” của những cơ sở thẩm mỹ không phép, hoạt động trái pháp luật, nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại như thể luật pháp chẳng hề tồn tại.
Chỉ cần gõ vài từ khóa đơn giản như “nâng mũi giá rẻ”, “cắt mí siêu tốc”, “tiêm filler giá rẻ”, “nâng ngực không đau”,… hàng loạt kết quả sẽ hiện ra, từ fanpage Facebook cho đến TikTok, Zalo… Quảng cáo thì hoa mỹ, giá cả thì rẻ bất ngờ, còn dịch vụ thì được cam kết “an toàn tuyệt đối”, “bác sỹ có kinh nghiệm lâu năm”. Nhưng đằng sau vỏ bọc hào nhoáng ấy là hàng loạt cơ sở hoạt động không giấy phép, không bác sĩ chuyên môn, không trang thiết bị y tế đạt chuẩn.
Chỉ nói về việc cấp chứng chỉ thẩm mỹ thôi là đã thấy đáng sợ. Chẳng cần phải thi đậu bác sỹ, chẳng cần phải dùi mài kinh sử trong các trường đại học về y tế. Chỉ cần lên mạng tìm từ khoá “chứng chỉ thẩm mỹ” là ra một loạt trung tâm đào tạo phẫu thuật tạo hình, cứ nộp tiền vô học là chắc chắn được cấp chứng chỉ. Sau vài tháng thì trở thành bác sỹ, phẫu thuật tất cả các bộ phận trên khuôn mặt từ mũi miệng cằm, tới ngực, vùng kín… Thế rồi các bác sỹ này có thể mở cơ sở, hoạt động như những “lò mổ thẩm mỹ”, và con người bị biến thành vật thí nghiệm sống cho những kẻ tay ngang học lỏm vài chiêu trò trên mạng xã hội.
Nhiều nạn nhân đã phải trả giá đắt. Có người phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng hoại tử mũi, nhiễm trùng máu, thậm chí mất mạng. Tất cả chỉ vì tin vào những lời quảng cáo rẻ tiền và thiếu vắng một cơ chế kiểm soát hiệu quả. Vậy câu hỏi đặt ra là: Ai đang để những cơ sở này tồn tại? Ai chịu trách nhiệm khi một người dân ngã gục trên bàn mổ của những tay “lang băm” núp bóng thẩm mỹ?
Đây không phải chuyện mới. Mà đã tồn tại dai dẳng suốt nhiều năm. Và đau lòng thay, nó tiếp tục diễn ra mỗi ngày, mỗi giờ, từ những vùng quê cho tới giữa trung tâm thành phố. Trong khi người dân hoang mang, lo sợ, thì nhiều cơ sở “chui” vẫn hoạt động nhộn nhịp, khách ra vào tấp nập. Lẽ nào cơ quan chức năng không biết? Hay quan chức biết mà làm ngơ, nhận hối lộ, hoặc tiếp tay, có cổ phần trong các cơ sở đó?
Tới khi mọi chuyện đã rồi, bị dân tố cáo thì tới lập biên bản, xử phạt hành chính vài triệu đồng, rồi đâu lại vào đấy. Phạt vài triệu rồi thả cho hoạt động tiếp thì khác nào tiếp tay cho tội ác? Bởi vậy cái đáng sợ nhất ở đây không phải là sự lộng hành của cái ác, mà là sự im lặng của người có trách nhiệm. Khi cơ quan chức năng chậm trễ, khi các quan chức địa phương đùn đẩy trách nhiệm, rồi các ban ngành liên quan chỉ “ra quân” khi có báo chí phản ánh, thì ai sẽ đứng ra bảo vệ người dân?
Về mặt pháp lý, chúng ta không thiếu quy định. Nghị định, thông tư, điều luật… tất cả đều đã được ban hành rõ ràng. Nhưng vấn đề là thi hành yếu kém, kiểm tra mang tính hình thức, xử lý chưa đủ sức răn đe. Nhà chức trách phải xây dựng một cơ chế giám sát thường xuyên, minh bạch, và kiên quyết truy tố hình sự những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, cần công khai danh sách các cơ sở bị xử phạt, đình chỉ, thậm chí đưa lên cổng thông tin điện tử của ngành y tế để người dân dễ tra cứu và phòng tránh.