Việt Nam Thời Báo

Tham nhũng chế độ: Tâm tư “chống lại chính mình” của Chủ tịch nước?

Nam Giang

(VNTB)-“Tham nhũng làm kinh tế thì thiệt hại còn về chính trị thì dân mất lòng tin. Tham nhũng đến nỗi buộc người dân phải thốt ra những lời đau lòng”, ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đã đánh giá như thế trong buổi tiếp xúc cử tri quận 4 (Tp.HCM) trong ngày 2/12. [1]

“Giám sát trong dân” để…bầm dập
Ông Chủ tịch nước kêu gọi “tăng cường giám sát” trong dân, coi đó là một giải pháp tốt trong tình trạng tham nhũng lan tràn mọi ngóc ngách như hiện nay.

Chủ tịch nước liệu có tâm tư trước sự bầm dập của 2 trường hợp chống tham nhũng?


Nhưng rõ ràng, “không đơn giản thế”, vì bản thân tham nhũng giờ đây, như ông Chủ tịch nước khẳng định là nó đã “dây mơ rễ mớ […], hình thành nhóm xâu chuỗi bao che nhau”. Điều ông chủ tịch nước chia sẻ phản ánh khá sát thực trạng xã hội hiện tại, khi quan chức đi lên bằng con đường cơ cấu và liên kết nhiều thành phần xã hội, và có sự bảo vệ của hệ thống chính trị. Chính yếu tố đó mà ông Phan Đăng Long – Phó ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội mới dám phát biểu rằng, “Những người đứng ra tố cáo đã dám làm những việc tày trời rồi thì không có lý do gì để họ phải sợ trù dập cả. Trường hợp các nhân viên tố cáo bị trù dập thì phải biết bảo vệ mình”.

Tăng cường giám sát trong dân có phải là cái kiểu như dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh, người từng “tin tưởng quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và nhà nước”, đứng tố cáo bác sĩ Đoàn Đức Loát, Trưởng phòng giám định y khoa cùng một số đồng nghiệp đã có hành vi nhũng nhiễu, nhận tiền từ người bệnh và thu chi tài chính sai nguyên tắc từ năm 2012, để rồi bị “bầm dập” đến nay mà vẫn chưa được giải quyết.

Hay là như trường hợp của ông Quách Hữu Năng, nguyên cán bộ VKSND tỉnh Nghệ An, người từng bị bị khai trừ đảng, hạ bậc lương, rồi về hưu sớm, sau đó tiếp tục bị đốt gara, đánh gãy chân vì chống tham nhũng, nhưng kỳ lạ là mỗi lần ông gửi đơn tố cáo là ngay lập tức có côn đồ đe dọa [2]. Phải chăng bởi ông đang một mình chống lại băng…mafia?

Dù thế nào đi nữa, thì sự hô hào giám sát, chống tham nhũng trong dân là một hành vi vô trách nhiệm, khi đã không đảm bảo được sự an toàn cho những người tố cáo tham nhũng, và hệ thống Đảng bộ, cấp ủy đã không làm đủ chức năng, nhiệm vụ trong “khuyến khích người tố cáo tham nhũng” mà chỉ chăm đẩy công dân vào con đường tử, và  bỏ rơi họ vào trong hoàn cảnh màn trời chiếu đất.

Và vì địa phương còn chưa đảm bảo, thì lấy cớ gì dám chắc việc xử lý tham nhũng cấp T.Ư thành công mà ông Chủ tịch nước kêu gọi “niềm tin cử tri, nhân dân” vào công cuộc chống tham nhũng? Nhất là khi hệ thống chống tham nhũng vẫn giữ một nhịp điệu “hứa – răn đe – hoàn hứa”, không cung cấp cho người dân một niềm tin xác thực, làm cho tham nhũng trở hành một loại văn hóa trong dân. Đó là lý do vì sao, trong cuộc khảo sát (do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tiến hành) về hiệu quả nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam, có tới 60% cho rằng không hiệu quả, so với  35% (2010). Trong khi niềm tin về việc người dân bình thường có thể thay đổi tình trạng tham nhũng ở Việt Nam giảm từ 68% (2010) xuống còn 42% (2013), đưa đến thái độ dám tố cáo tham nhũng, giảm từ 65% (2010) xuống còn 34% năm 2013.

Đặc biệt, mới đây (3/12/2014), tổ chức TI đã công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014 (CPI 2014), Việt Nam đứng thứ 119/175 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát [3], và chỉ số này gần như không thay đổi trong ba năm liên tiếp (2012-2014), tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia (bao hàm lĩnh vực tư pháp, công tác cán bộ, đầu tư cơ bản, quản trị tài sản nhà nước cho đến lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản, tài chính ngân hàng). Năm 2013, cũng tổ chức này cho biết, ba ngành được cho là tham nhũng nhất là cảnh sát, y tế và đất đai.


Tâm tư “chống lại chính mình”

Khi ông Chủ tịch nước chia sẻ về tâm tư, quyết tâm của Đảng và nhà nước, thì ông Trương Tấn Sang chỉ là quân cờ hoa để xoa dịu lòng dân, chứ bản thân ông cũng biết tham nhũng từ lâu đã không còn là lỗi của chế độ nữa, mà đó là một tính năng của chế độ, nó cho thấy tham nhũng từ trong Đảng mà ra, hình thành nên quan hệ cộng sinh. Cái dây mơ rễ má mà ông chủ tịch nước đề cập đến là sự luân chuyển giữa tiền và quyền nhằm trục lợi trong hệ thống dọc ngang của bộ máy chính trị Đảng. Do đó, vô hình chung, Đảng nắm vai trò chủ chốt trong chống tham nhũng – đó chính là tạo cơ hội cho tham nhũng tồn tại và phát triển. Chính vì vậy, có thể nhận diện được tham nhũng, nêu ra các biện pháp chống tham nhũng nhưng không thể thực hiện nghiêm túc điều đó.

Ngay từ đầu năm 2014, trong trả lời phỏng vấn VOV, ông Bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ ra 6 giải pháp để đẩy lùi tham nhũng, trong đó có “làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thấm nhuần sâu sắc nguy cơ về tham nhũng với một đảng cầm quyền. Nếu không làm cái này thì dẫn tới, tôi nhiều lần nói nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.”

Nhưng như nói ở trên, nhận diện là một chuyện, thực hiện là một chuyện khác, vấn đề là giờ lấy ai đủ mạnh để tôn lên làm “tư lệnh”, và lấy cơ sở nào trong thể chế để khiến “tư lệnh” đó có được “thượng phương bảo kiếm” trên cơ sở luật bất dung thân. Để tránh rơi vào trường hợp “há miệng mắc quai” như ông Nguyễn Bá Thanh (Trưởng ban Nội chính Trung ương)?

Chính sự lắt léo giữa tham nhũng với chế độ đã khiến cho việc “xóa bỏ sự đe dọa tồn vong của Đảng, chế độ” trở thành ý nghĩ khôi hài, phi thực tiễn, nó cũng giống như việc cố gắng hợp nhất nền kinh tế thị trường với định hướng XHCN vậy. Vì khi tấn công tham nhũng, nghĩa là tấn công vào chế độ cộng sinh  ấy, cũng có thể hiểu là kết thúc luôn cái chế độ. Bởi yếu tố bền vững xuyên suốt trong chống tham nhũng là sự minh bạch, dân chủ trong hệ thống chính trị không thể thực hiện được, khi yếu tố đó liên quan đến “vùng cấm chế độ” như quản lý tài sản, công tác/cơ cấu cán bộ, tài chính doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công… Sự minh bạch về các vụ án tham nhũng trên báo chí cũng gặp nhiều thách thức khi sự kiểm duyệt tăng lên, các nhà báo đưa đề tài về tham nhũng thường rơi vào trường hợp tra xét và truy tố vì những hành vi “đưa tin tham nhũng” của họ, đặc biệt là nguồn tin tham nhũng ở cấp T.Ư. Do vậy, Nghị định 78/2013/NĐ-CP về việc kê khai tài sản, công khai bản kê tại cơ quan, đơn vị, nơi thường xuyên làm việc dù ra đời nhưng sớm bị vô hiệu hóa ngay trong “Cơ quan Chính phủ” thông qua trường hợp ông Trần Văn Truyền – nguyên Tổng thanh tra Chính phủ và con trai của mình.

Chưa kể, ngay cả hai văn bản quan trọng nhất là Luật Hình sự và Luật phòng chống tham nhũng, cũng theo chuẩn Việt Nam, chứ chưa đảm bảo “tính nhất quán và phù hợp” với các yêu cầu trong Công ước của Liên Hiệp Quốc về phòng chống tham nhũng.

Sự kiện làm mạnh vụ ông Trần Văn Truyền chưa chứng tỏ được gì, nếu không muốn nói đó cũng chỉ là nước đi tạm thời, thí tốt nhằm xoa dịu dư luận là chính. Do đó, không thể quy kết nó vào diện “đả…diệt” nghiêm túc được. Ít nhất, nền pháp trị của Trung Quốc và cơ cấu quyền hành của người đứng đầu Trung Quốc mạnh hơn Việt Nam rất nhiều. Chính vì thế, lời “gan ruột” của ông trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Tổng cục VI), Bộ Công an, “Xin hãy làm trong sạch nội bộ của lực lượng phòng chống buôn lậu trước khi chống buôn lậu”, dù chân tình nhưng lại chứa đầy chất ảo tưởng. Vì không ai lại đi chống lại chính mình cả.

Ngay trong văn bản 80-BC/BCĐTW của Ban Nội Chính T.Ư [4] về Báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 đến nay (15/5/2014) cũng đã cho thấy, sự khó khăn trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng khi kết quả chỉ đạt mức dưới ngưỡng 10% và như “vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin); vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALCII); vụ án xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên); vụ án Huỳnh Thị Huyền Như; các vụ việc, vụ án xảy ra tại các Ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng thương mại Nhà nước v.v…”. Đó phải chăng là kết quả của câu nói “Cán bộ sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó”, nhưng xử lý “đến đó” là đến chỗ nào thì tùy thuộc vào “tâm tư” của Đảng, cán bộ cơ quan chức năng, nhà nước?

Chống tham nhũng tại Việt Nam, suy cho cùng thì bản chất giống như “đóng đinh câu rút”, khi máu chảy hết (tham nhũng chết) thì vật thể (chế độ) cũng chết luôn.


Nguồn tham khảo:


Tin bài liên quan:

Văn nghệ thời nay: Từ hiện thực bắt bớ đến tì thiếp cung đình

Phan Thanh Hung

Di sản thời Nguyễn Thiện Nhân: Giáo dục hay làm tiền?

Phan Thanh Hung

Di sản thời Nguyễn Thiện Nhân: Giáo dục hay làm tiền?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo