Tôi cũng cho rằng, vào thời điểm hiện nay ở nước ta, đề xuất trên là chưa phù hợp. Thậm chí, người ta có thể cho rằng nó sẽ là “chiếc phao” cho những kẻ tham nhũng sẵn sàng “hy sinh đời bố, củng cố đời con!”.
Theo bạn, nên duy trì hay nên bỏ án tử hình?
Trở lại vụ án cố ý làm trái của ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Mới đây, một quan chức của Cục Thi hành án (Bộ Tư pháp) đã bật mí cho hay, theo bản án đã tuyên thì cả hai “sếp sòng” của Vinashin mỗi người phải đền số tiền gây thiệt hại khoảng trên dưới 500 tỷ đồng. Nhưng đến nay, cơ quan thi hành án chưa hề thu nổi một đồng bạc lẻ nào. Trước đó, tòa án đã không đủ chứng cứ để quy tội tham nhũng đối với cựu Chủ tịch Tập đoàn Phạm Thanh Bình và đồng phạm cho nên hai cựu lãnh đạo cao nhất của tập đoàn chỉ bị án tù không quá 20 năm và cũng không bị kê biên tài sản. Như vậy, nếu cải tạo tốt, chỉ cần sau 2/3 thời gian thụ án, họ đều có thể được ra tù sớm.
Trong những trường hợp như vậy, những người bị kết án có thể sẽ thi gan với pháp luật, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án để chờ đến lúc được tự do thì mới đem ra sử dụng số tài sản tích lũy phi pháp. Điều cần sửa đổi ở đây là siết chặt các quy định về kê biên tài sản trong các vụ án kinh tế để đảm bảo thu hồi tài sản cho nhà nước, tránh để tẩu tán.
Tôi nghĩ, dù có nộp đến 95% số tiền tham những thì cũng vẫn còn phải cân nhắc huống hồ chỉ phải nộp lại là 50% như dự kiến. Nên nhớ, nếu kẻ phạm tội tham ô 1.000 tỷ đồng, nay dù có nộp lại 950 tỷ đi nữa thì số tiền chiếm đoạt còn lại vẫn quá nhiều, còn luật hoàn toàn không có hiệu lực răn đe.
Tôi rất đồng tình với quan điểm của tiến sĩ Mai Đắc Biên, Trưởng khoa Pháp luật hình sự và Kiểm sát hình sự (ĐH Kiểm sát Hà Nội, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) khi ông cho rằng, cách quy định cho phép nộp lại tiền để thoát tội tử hình chỉ có lợi cho nhóm người có tiền.
Theo ông Đắc Biên giải thích thì “mục đích của hình phạt trong Luật Hình sự là răn đe, phòng ngừa tội phạm. Nếu quy định cứ nộp tiền sẽ không phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật như thế tức là triệt tiêu chính mục đích của hình phạt này, tiếp tục tạo ra nếp nghĩ ngay trong xã hội ta: có tiền là có tất cả. Mặt khác, nó đồng thời vi phạm nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong áp dụng pháp luật, tức là mọi công dân không phân biệt thành phần dân tộc, tôn giáo, địa vị, sang hèn đều bình đẳng trước pháp luật. Cũng nên nhớ, chủ thể của tội phạm tham nhũng là chủ thể đặc biệt – những người có chức vụ, quyền hạn. Mà thường thì những người có chức vụ, quyền hạn trong thực tế hiện nay đều có tiền, tài sản…” (theo báoTiền Phong, ngày 4.5.2015).
Cũng trên tờ báo này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, một chuyên gia cao cấp về luật pháp, cũng cho rằng: “Nếu quy định cứ nộp lại 1/2 số tiền, tài sản đã tham nhũng là có thể thoát khỏi sự trừng phạt cao nhất của pháp luật là tử hình thì hoàn toàn không nên, ít nhất là thời điểm này. Vì tình trạng tham nhũng trên thực tế vẫn còn rất lớn, diễn biến rất phức tạp và có thể nói mặc dù Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác này nhưng nhiều năm qua tham nhũng vẫn chưa được kiểm soát. Hơn nữa, nhiều vụ tham nhũng có giá trị rất lớn, số 1/2 còn lại cũng là rất lớn mà việc thu hồi tiếp cũng không phải dễ dàng. Các đối tượng tham nhũng thường chuyển tiền, tài sản tham nhũng được cho người thân đứng tên hay tẩu tán nên việc thu hồi được là khó khăn. Mặt khác, lâu nay dư luận vẫn phàn nàn rằng hình phạt hành vi tham nhũng còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe khiến tham nhũng không giảm như mong muốn. Nếu lần này sửa luật lại theo hướng giảm hình phạt thì dường như chúng ta đi ngược lại với yêu cầu nghiêm trị tội phạm tham nhũng.”
Nếu các nhà làm luật vẫn quyết tâm sửa luật hình sự như vậy, tôi nghĩ dù có nộp đến 95% số tiền tham những thì cũng vẫn còn phải cân nhắc huống hồ chỉ phải nộp lại là 50% như dự kiến. Nên nhớ, nếu kẻ phạm tội tham ô 1.000 tỷ đồng, nay dù có nộp lại 950 tỷ đi nữa thì số tiền chiếm đoạt còn lại vẫn quá nhiều, còn luật hoàn toàn không có hiệu lực răn đe.
Thế khác nào xui “hy sinh đời bố củng cố đời con” ?
Dự thảo mới nhất (lần thứ 5) Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tiếp tục bảo lưu quan điểm rằng các đối tượng tham nhũng chỉ cần nộp lại 1/2 số tiền phạm pháp là có thể thoát khỏi án tử hình. Đây là điều mà dư luận chưa đồng thuận, thậm chí phản đối.
Theo Hành Thiện/ Thanh Niên