Minh Tâm
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB
Tại phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về một loạt vấn đề liên quan ngành ngân hàng. Trong đó nội dung đáng chú ý là vấn đề nợ xấu và giải quyết nợ xấu của toàn hệ thống.
Thống đốc cho biết, tổng nợ xấu đã được xử lý đến nay là 249.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 464.000 tỷ đồng vào tháng 9-2012, khi bắt đầu triển khai đề án xử lý nợ xấu.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã lạc quan cho rằng: “Với tốc độ xử lý nợ xấu như hiện nay, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng sẽ ở trong khoảng hơn 3% còn giám sát của NHNN sẽ đưa về trong khoảng 6% cuối năm nay”.
Thế nào là nợ xấu?
“Nợ xấu theo cách tính của Moody’s là tính trên tổng tài sản, còn theo cách của NHNN là tính trên tổng dư nợ cho vay. Sự khác biệt này dẫn tới điều gì?” – Chuyên gia tài chính người Mỹ William D. Dudley đặt vấn đề.
Con số 464.000 tỷ đồng mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình thông báo, thực ra trước đó là ước tính tỷ lệ nợ xấu ít nhất là 15% do hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đưa ra hôm 18-2. Lưu ý đây là tỷ lệ nợ xấu tính trên tổng tài sản, theo thông báo của Moody’s. Và Moody’s thêm rằng: “(tỷ lệ này) cao hơn nhiều tỷ lệ nợ xấu 4,7% được NHNN báo cáo vào tháng 10-2013”.
Từ trước đến nay, NHNN hình như chỉ báo cáo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay, chứ hình như chưa bao giờ báo cáo tỷ lệ nợ xấu trên tổng tài sản như Moody’s nói ở bên trên cả.
NHNN còn phản bác Moody’s, trong một thông cáo báo chí hôm 21-2 với ý rằng con số tỷ lệ nợ xấu do NHNN công bố mới là con số “đáng tin cậy và có cơ sở pháp lý hơn”.
Tin ai?
Quy mô nợ xấu của hệ thống nhà băng Việt Nam, theo ước tính của Moody’s, nếu căn cứ trên tổng tài sản thì với tỷ lệ nợ xấu trên 15%, và như vậy thì con số nợ xấu tuyệt đối của hệ thống ngân hàng Việt Nam phải lên tới 860 ngàn tỉ đồng vào cuối năm 2013 (tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Việt Nam theo báo cáo là hơn 5,7 triệu tỉ đồng vào thời điểm này).
Phép tính số học cho thấy, nếu lấy 860 ngàn tỉ đồng nói trên chia cho tổng dư nợ cho vay của Việt Nam vào cuối năm 2013 là 3,876 triệu tỉ đồng (theo số liệu của ADB), thì tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam sẽ hơn 22% (theo cách tính của NHNN), cao hơn rất nhiều những con số về tỷ lệ nợ xấu mà NHNN công bố, hoặc thừa nhận từ trước đến nay (trong thông cáo báo chí ngày 21-2, NHNN cho biết tính thận trọng bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại cao nhất thì cũng chỉ lên đến 9%).
Hệ lụy
“Sự khác biệt bao nhiêu không còn quan trọng khi thị trường đảo chiều mà vì lý do nào đó một vài ngân hàng mất khả năng thanh toán thì hết cứu” – Chuyên gia tài chính người Mỹ William D. Dudley nói.
Phân tích của William D. Dudley: Thông thường, gặp trường hợp nợ xấu kéo dài, nhà đầu tư hay doanh nghiệp (DN) gọi vốn trên thị trường chứng khoán, có thể trong trung hạn, đẩy giá cổ phiếu tăng vọt kèm theo cái bẫy thanh khoản (liquidity trap) tăng cao như đang thấy ở thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng rất dễ bị bể bóng cổ phiếu.
Một khi nhà đầu tư không còn tự tin vào thị trường và khả năng tồn tại của nó, họ sẽ rút tiền của họ ra, dẫn đến khủng hoảng tài chính như trường hợp giảm giá tài sản tại Mỹ năm 2008 – 2009 do ảnh hưởng của nợ xấu. Nói nôm na cho dễ hiểu là có quá ít DN sản xuất mà lại có quá nhiều người đổ tiền vào thị trường chứng khoán, mọi thứ trở nên kém thanh khoản khi nhà đầu tư đã đổ nhiều tiền cho chứng khoán nhưng sản xuất kinh doanh bế tắc đầu ra.
Trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn, tăng trưởng thấp do nợ xấu gia tăng, cho dù gây áp lực buộc các ngân hàng hạ lãi suất cho vay để kích cầu sản xuất thì người vay cũng chả dám đi vay. Người ta đi vay là cũng để tập trung vào trả nợ, vẫn giảm tiêu dùng, giảm đầu tư dẫn đến tình trạng trì trệ, như trường hợp của Mỹ và Nhật Bản trước kia bị nợ xấu do tài sản mất giá khi lãnh hậu quả nổ bong bóng cổ phiếu và bất động sản.
Việc giải quyết nợ xấu không dễ một sớm một chiều nếu hệ thống thu thập, thống kê số liệu nợ xấu vẫn tiếp tục trong tình trạng “mơ hồ” (ambiguity).
Đừng nói để… giữ ghế
Đang trong giai đoạn “sắp ghế cho dàn nhạc chính trị” của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, nên những tuyên bố về “con số đẹp” của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, không lấy gì ngạc nhiên.
Tháng 10-2011, ông Nguyễn Văn Bình trên cương vị tân Thống đốc công bố tỷ lệ nợ xấu khoảng 10% trước Quốc hội. Về sau, các mức cập nhật xoay quanh đó, có lúc xuống còn khoảng 8%.
Đến thời điểm tháng 9-2012, khi xây dựng đề án xử lý nợ xấu, con số tuyệt đối về nợ xấu lên tới 464.000 tỷ đồng. Nếu đặt trong quy mô tổng dư nợ cho nền kinh tế ở khoảng 2,92 triệu tỷ đồng lúc đó, thì tỷ trọng nợ xấu đã có thể vượt trên 15%.
Do đó sự lạc quan của Thống đốc về nợ xấu giảm xuống 6% trong cuối năm, có thể coi… chỉ là ý chí của NHNN theo hướng sẽ phải giảm. Vấn đề bao nhiêu phần trăm dường như chỉ là con số mục tiêu đưa ra không ngoài mục đích “làm đẹp báo cáo”.
Bởi, không chỉ người dân mà ngay các chuyên gia, nhà chính sách cũng không biết tỷ lệ nợ xấu chính xác của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Chính vì vậy câu trả lời về tỷ lệ xấu hiện nay là bao nhiêu, cơ sở nào để giảm xuống 3% là điều mà có lẽ phải sau khi… “ổn định ghế” mới có câu trả lời dứt khoát.
Tuy nhiên con số nợ xấu dù bao nhiêu phần trăm đi chăng nữa cũng chỉ mang tính biểu tượng. Vấn đề xử lý nợ sẽ được khai triển như thế nào từ nay đến cuối năm, xa hơn trong các năm tiếp theo mới là điều cần Thống đốc đưa ra – kể cả là việc đưa ra để làm đẹp báo cáo, song vẫn chưa được người đứng đầu NHNN đưa ra cụ thể.
Tạm kết
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Phúc đặt câu hỏi tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu vào cuối tháng 9 vừa qua: Theo phản ánh của đại diện cộng đồng DN, phải chăng NHNN đã chuyển nguy cơ đổ vỡ của mình sang hệ thống DN khi lạm phát dự báo chỉ khoảng 4% mà lãi suất cho vay lên đến 7-8%?
Trích dẫn báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cựu bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nói tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu hôm 27-9 cho biết, chỉ có 12% DN được hỏi có thể tiếp cận vốn với lãi dưới 13%, còn lại là tiếp cận vốn dưới 16%.
Xin được đặt câu hỏi: nếu tính đúng, tính đủ và không cho phép các ngân hàng giữ nguyên phân loại nợ như hiện tại thì liệu đến một ngày nào đó, một con số thực về nợ xấu mới lại được thừa nhận một lần nữa?
Khi ấy, sau bầu bán của Đại hội Đảng và nhiệm kỳ mới của Chính phủ thì ông Nguyễn Văn Bình (hoặc người kế nhiệm) sẽ chịu trách nhiệm gì về sự méo mó của thị trường tài chính Việt Nam mà các “công bộc” này là tác giả?