Việt Nam Thời Báo

Tiếp vụ “tuần tra biển khống, “rút ruột” Nhà Nước”: Ai chiếm đoạt tiền giữ rừng của bộ đội?

Hàng trăm triệu đồng tiền giữ rừng của bộ đội biên phòng tại các Đồn biên phòng ở miền núi tỉnh Quảng Trị từ năm 2013 cho đến nay đã không đến được tay bộ đội. Điều tra cho thấy, Chỉ huy trưởng và Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị Nguyễn Trọng Tiềng và Nguyễn Đức Khánh đã chỉ đạo “giữ lại” nguồn kinh phí này, lập quỹ riêng tại đơn vị để chi tiêu.

“Tố cáo” từ những cánh rừng…


Ngày 22.1.2015, Đồn BP Ba Lin (thuộc BĐBP Quảng Trị) tổ chức hội nghị cấp ủy chỉ huy đồn mở rộng về việc sử dụng kinh phí và quản lý kinh phí bảo vệ rừng theo dự án 661. Hội nghị đã công bố những số liệu sau: Năm 2013, BQL dự án giao cho đồn quản lý 1.851,3ha với số tiền đơn vị được hưởng là 344.977.500 đồng. Nhưng đơn vị chỉ mới được nhận 40 triệu, còn thiếu 304.977.500 đồng. Năm 2014 giao cho đồn bảo vệ quản lý 3.088ha rừng, số tiền được hưởng là 417.666.000 đồng; nhưng đồn chưa được nhận đồng nào. Như vậy, trong 2 năm nói trên, Đồn BP Ba Lin bị mất trên 722 triệu đồng tiền giữ rừng theo hợp đồng. Tương tự, tình trạng chiếm giữ tiền giữ rừng cũng xảy tại các Đồn BP Sa Trầm và La Lay.

Trong khi đó, báo cáo về công tác giải ngân nguồn vốn này cho biết năm 2013 đã giải ngân 2.118.549.000 đồng và đã được thẩm tra quyết toán ngày 30.10.2013. Báo cáo cũng khẳng định năm 2014 kinh phí bảo vệ rừng là 1 tỉ đồng và cũng đã giải ngân cho các đồn, trong đó Đồn BP Ba Lin là 359.060.000 đồng. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Chỉ nói riêng tại Đồn BP Ba Lin, số tiền mà đơn vị này thực nhận chỉ là 40 triệu đồng. Vậy còn trên 319 triệu đồng đã được quyết toán nằm ở đâu?

Tố cáo từ sự đối phó


Sau khi có thông tin từ đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Lương – thượng tá thuộc BĐBP tỉnh Quảng Trị – về tình trạng kinh phí giữ rừng của các Đồn BP bị trục lợi, có dấu hiệu tham ô, tham nhũng thì đã diễn ra các “kịch bản” đối phó nhằm “khắc phục” tình trạng kinh phí giữ rừng bị “ai đó” chiếm đoạt. Cụ thể: Tháng 1.2015 người của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị mang tiền lên trả cho các đồn về khoản kinh phí giữ rừng của năm… 2013(!) – số tiền đã được quyết toán từ năm 2013. Ngày 20.1.2015, thực hiện chỉ đạo của Trưởng phòng Hậu cần (BĐBP Quảng Trị) Hoàng Văn Kế, nhân viên doanh trại Ngô Quang Toàn đã mang 50 triệu đồng lên Đồn BP Ba Lin để trả kinh phí giữ rừng năm 2013. Tại đây, các bên chỉ lập biên bản gửi tiền, chứ không chịu nhận.

Cũng như vậy, tại Đồn BP Sa Trầm, ngày 21.1.2015, nhân viên doanh trại Ngô Quang Toàn cũng thực hiện chỉ đạo của Trưởng phòng Hậu cần mang 50 triệu đồng lên trả tiền giữ rừng năm 2014. Trưởng Đồn BP Sa Trầm – thượng tá Trịnh Trọng Yên – cũng đã lập biên bản gửi tiền. Một luật sư nói rằng: “Về nguyên tắc, kinh phí giữ rừng các năm 2013, 2014 đã quyết toán mà không đến tài khoản đơn vị thụ hưởng, có nghĩa là số tiền đó đã bị cá nhân, tổ chức nào đó chiếm đoạt. Do vậy, các khoản tiền do ông Toàn mới mang đến trả cho 2 đồn BP nói trên phải được coi là tang vật, của một vụ việc chiếm đoạt tiền có đủ dấu hiệu hình sự của loại tội phạm tham ô, tham nhũng”. Cùng với việc đem 100 triệu đồng tiền giữ rừng các năm 2013, 2014 đi trả nhưng bị lập “biên bản gửi tiền”, người của BCH BĐBP Quảng Trị đã cho lập hàng loạt “giấy nhận tiền” cùng đề ngày 25.1.2015 do những người dân sở tại ký với nội dung có đi trồng rừng cho dự án thuộc BĐBP.

Thượng tá Nguyễn Văn Lương – nói: “Quá trình thanh tra tại dự án chăm sóc và bảo vệ rừng tại 3 đồn BP La Lay, Sa Trầm, Ba Lin, đã cử cán bộ dự án lên trước để cấp tiền mặt cho các đơn vị và từng hộ dân tham gia trồng rừng nhằm làm sai lệch hồ sơ và hợp thức hóa về thời gian. Đó là những dấu hiệu cố tình lấp liếm sai phạm, bao che sai phạm, chạy tội cần được điều tra, xử lý nghiêm minh theo pháp luật”.
Theo Lao Động

Tin bài liên quan:

Mười phát ngôn ấn tượng nhất Việt Nam trong năm 2014 do Bauxite Việt Nam chọn

Phan Thanh Hung

Sứ quán Úc phản hồi vụ tiền polymer

Phan Thanh Hung

‘Tình trạng (sức khỏe) của ông Nguyễn Bá Thanh là xấu’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo