Việt Nam Thời Báo

TPHCM cần bảo vệ cán bộ ‘dám nghĩ, dám làm’ để vượt qua khó khăn

Ngay từ năm 2022, nhiều chuyên gia đã dự báo kinh tế cả nước năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng khi nghe tin quý 1 năm 2023, TPHCM chỉ tăng 0,7% đúng là rất sốc vì ngoài dự báo rất xa.

 

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân

Thành phố Hồ Chí Minh giảm tăng trưởng sâu như thế tác động rất lớn đến kinh tế – xã hội của cả nước thì không ổn chút nào. Từ chỗ đóng góp gần 1/3 ngân sách nhà nước hàng năm trong thập kỷ trước, mức đóng góp ngân sách của Thành phố đã giảm chỉ còn khoảng ¼ ngân sách trong mấy năm nay. Thành phố đang đối mặt với nguy cơ mất vị thế là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Người đời thường nói “Người khôn đi tìm lỗi của chính bản thân mình”. TP.HCM cũng nên làm “người khôn” là đi tìm lỗi của chính mình. Đã có một số phân tích về nguyên nhân và đề xuất giải pháp của các chuyên gia để Thành phố tăng tốc trở lại như cải thiện chính sách tài chính, tiền tệ, mở rộng thị trường xuất khẩu, ổn định thị trường bất động sản và trái phiếu, tăng tốc giải ngân đầu tư công,…

Tuy nhiên, theo tôi, nguyên nhân chính vẫn là do yếu tố con người!

Sau những sóng gió của đại dịch Covid-19 và chiến dịch giải cứu công dân làm hàng trăm cán bộ ngành y tế và ngoại giao vướng vòng lao lý, cơn bão bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục quét qua Thành phố làm cho phần đông cán bộ ngồi yên thủ thế, chùn tay vì sợ. 

Giải ngân vốn đầu tư công quá thấp (chỉ hơn 2% dự toán) cũng có một phần do các đầu mối sợ trách nhiệm, cho dù các đoàn công tác của Chính phủ đã đốc thúc và có những hứa hẹn về chủ trương bảo vệ người dám nghĩ, dám làm.

Các dự án công ở Thành phố đã có trong các quy hoạch cấp Chính phủ, được cấp vốn, nhưng các công tác liên quan, ví dụ như điều chỉnh cục bộ quy hoạch, thoả thuận địa điểm, hướng tuyến công trình hiện nay còn quá chậm. 

Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin hạ tầng hiện hữu phục vụ công tác thiết kế như giao thông, kênh rạch, cấp thoát nước, điện, thông tin liên lạc, cây xanh… còn quá nhiêu khê, kéo dài hoặc thiếu. Đầu tư vào công nghệ hầu hết chưa thành công vì công nghệ không chỉ cần tiền mà quan trọng là ý tưởng và sáng tạo công nghệ.  

Người dân TPHCM luôn năng động, phóng khoáng, hào hiệp, nhanh nhạy trong thương trường. Tuy nhiên, bản sắc quyết đoán, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm của bộ máy chính quyền, doanh nghiêp và người dân TPHCM đã bị mai một và thay thế bằng tư duy phòng thủ, “không làm, không sai”.

Cú sốc phong tỏa Covid-19 và suy thoái kinh tế làm thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân TP.HCM, hệ số nhân tiêu dùng sụt giảm, du lịch đóng băng, đơn hàng sản xuất giảm, đầu tư công đình trệ, các rào cản về chính sách và thủ tục hành chính mới làm nản lòng các nhà đầu tư trong và nước ngoài là bức tranh toàn cảnh mà chính quyền TP.HCM đang đối mặt. Thành phố cần cải thiện nhiều việc để tạo hành lang đầu tư kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp và tạo niềm tin cho người dân.

Giải pháp là gì?

Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch Phan Văn Mãi nhận ra vấn đề “tắc nghẽn” của nền kinh tế nên cũng đốc thúc rất tích cực, đặc biệt đẩy nhanh thủ tục giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các vướng mắc, kể cả của các dự án ngoài ngân sách, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.   

Có lẽ thời điểm này, rất cần đến “tinh thần Võ Văn Kiệt” ở chỗ cần có những quyết định đột phá, sáng tạo dù chưa có văn bản hướng dẫn “cán bộ dám nghĩ, dám làm”. Lãnh đạo Thành phố cần có hành động thay vì ngồi chờ Trung ương bởi vì mỗi ngày chờ đợi qua đi là cơ hội phát triển mất đi. Cần có góp ý của các chuyên gia kinh tế, giới luật sư giỏi để tư vấn những ý kiến đột phá như thế nào mà không “phạm quy” hay bị “tuýt còi”.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay với những thách thức phát triển rất lớn, có lẽ cần học hỏi tinh thần, cách thức của những người lãnh đạo tiền nhiệm cũng từng đối mặt với những thử thách tương tự, thậm chí ngặt nghèo hơn và đã vượt qua chúng. Nhưng việc học hỏi không chỉ đơn thuần là nhớ lại những kỷ niệm của người đi trước, mà còn là thấu hiểu tinh thần, tư tưởng và hành động của họ. Ông Võ Văn Kiệt, người được biết đến với tài năng lãnh đạo và những cống hiến cho sự phát triển của Việt Nam, là một trong số đó.

Vì vậy, cần tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt để chuyển đổi và phát triển bền vững cho TP.HCM nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung không phải bằng khẩu hiệu hay lời nói suông mà bằng hành động cụ thể thông qua các chính sách và luật pháp.

Tuy nhiên, để dám đột phá về tư duy và hành động, đáp ứng nhanh nhu cầu hồi phục kinh tế của Thành phố, cần vượt qua một rào cản tâm lý cố hữu của hệ thống quản lý xưa nay: người dân được làm những gì pháp luật không cấm, còn cán bộ chỉ được làm những gì pháp luật cho phép (!). Làm gì có luật pháp nào quy định cụ thể như thế!

Khi “vượt rào” làm những việc chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng lạc hậu và bất cập mà bị quy chụp tội “cố ý làm trái”, hoặc tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, hoặc tội “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ” thì ai dám!

Cần hành động cụ thể

Một ví dụ trước mắt là cần xử lý ngay Dự án Tuyến Đường sắt Số 1. Tuyến đường đã hoàn thành 94% hạng mục nhưng công ty vận hành tuyến đường này thiếu kinh phí, đang mắc nợ, nhân viên lần lượt ra đi vì thiếu tiền lương, chỉ còn hơn 20 người làm việc lay lắt.

Một dự án ODA quan trọng tới phát triển kinh tế – xã hội như thế, được tài trợ bằng vốn ODA theo hiệp ước quốc tế, thế mà chỉ một công ty nhỏ để vận hành tuyến đường. Hơn nữa, nhiều khó khăn, vướng mắc vẫn phải mãi trông chờ quyết định ở Trung ương, bên này đá quả bóng trách nhiệm qua bên kia. Trong khi đó, Thành phố đã kêu tới Trung ương, nhà tài trợ đã nhiều lần có văn bản đôn đốc các cấp sớm xem xét giải quyết, mà vẫn chưa giải quyết được. Vô lý quá!

Chậm quyết định về công ty vận hành tuyến đường sắt có nghĩa là chậm tuyển dụng cho đủ số gần 700 nhân viên, chậm huấn luyện, đào tạo họ, tức là chậm khởi động vận hành tuyến đường. Mà 1 ngày chậm khởi động tức là thêm 1 ngày chịu thiệt hại không nhỏ.

Có thể nào cứ quyết định cho Công ty vận hành vay kinh phí cần thiết nhằm đáp ứng điều kiện hợp đồng đã ký kết với Nhật Bản? Đó là giải pháp trước mắt nhằm tránh các nhà thầu khiếu kiện chủ đầu tư do không cung cấp được nhân sự để tiếp nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ theo hợp đồng và tiếp theo nhanh chóng đưa tuyến đường sắt vào vận hành sau nhiều lần lỗi hẹn.

Cách làm đó có thể hiểu là mắc sai phạm nhỏ là cho Công ty vận hành vay kinh phí hoạt động để tránh sai phạm lớn là vi phạm điều ước quốc tế ODA; vừa để phát huy nhanh chóng lợi ích lớn, vừa để tránh thiệt hại lớn do các nhà thầu khiếu kiện.

Đặt lên bàn cân thấy Thành phố nên có quyết định đột phá về việc này thay vì ngồi chờ Trung ương không biết đến bao giờ mới có kết quả.

Ví dụ thứ hai: Tuổi trẻ Việt Nam năng động và có nhiều sáng kiến khởi nghiệp, chỉ có trở ngại lớn là thiếu vốn. Có thể nào Thành phố lập nguồn vốn để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp được không? Có thể bắt đầu bằng một cuộc thi để tiếp nhận những đề án khởi nghiệp với yêu cầu hỗ trợ cụ thể. Cần có một ban chuyên môn để thẩm định, chọn những đề án có triển vọng để Thành phố hỗ trợ.

Có lẽ không đặt nặng những chỉ tiêu theo truyền thống như về tính khả thi, tỷ suất lợi ích bởi vì khởi nghiệp không phải lúc nào cũng có thể tính ra những con số của đồng tiền. Cần có những con người có chí với cái tâm trong sáng để tránh nhũng lạm, lãng phí trong những công việc khó cân đo đong đếm bằng những con số cụ thể.

Từ hai ví dụ trên, Thành phố có thể thấy nhiều việc, nhiều lĩnh vực cần quyết định đột phá trên tinh thần việc nào không bị cấm thì có thể làm. Điều đó thể hiện tinh thần của một Thành phố năng động, xứng đáng là đầu tàu của cả nước.

Một yếu tố nữa cần phải quan tâm, đó là hệ thống quản lý của ta hành động rất nhanh khi xử lý tình huống sai phạm, kể cả biện pháp cực đoan như cấm, đình chỉ, khởi tố, nhưng lại rất chậm chạp trong việc điều chỉnh chính sách và khôi phục trạng thái bình thường. Thế nên chờ được vạ thì má đã sưng, thậm chí chờ đợi vô vọng.

Một mảng mà Thành phố cũng cần có dũng khí xử lý là làm trong sạch ngành ngân hàng và chứng khoán; có thế mới thu hút vốn đầu tư và ổn định tâm lý những người muốn bỏ tiền vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố. Làm mạnh việc này thì không sợ phạm luật, nhưng có thể “đụng chạm” đến “sân sau” và “nhóm lợi ích”. Dũng khí cần thiết là ở chỗ đó.

Thêm một mảng rất cần sự khai thông quyết liệt là hạ tầng đô thị và cảnh quan môi trường. Những dự án giao thông trọng điểm đáng lẽ đã phải được hoàn tất từ chục năm trước, giờ vẫn còn ì ạch. Trong khi một tuyến đường được hoàn tất là mở ra vô số cơ hội làm ăn và tăng trưởng; còn một tuyến đường ì ạch là bao nhiêu cơ hội bị lãng phí.

Điều này ai cũng rõ, nhưng Trung ương vẫn còn sức ỳ và Thành phố vẫn chờ đợi. Lãnh đạo Thành phố cần làm rõ quyền hạn, trách nhiệm và quyền lợi của các ban, ngành, không được nhũng nhiễu các doanh nghiệp và người dân. Ai làm không tốt phải kỷ luật hoặc điều chuyển để người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm lên thay, để có thể đảm nhiệm tốt trong việc phát triển kinh tế – xã hội.

Từ trước đến nay, TP.HCM đã đóng góp rất nhiều cho ngân sách quốc gia, trong khi chỉ được giữ lại một phần nhỏ kinh phí từ nguồn thu của Thành phố nên rất thiếu nguồn đầu tư cho hạ tầng và các công trình trọng điểm. Đã đến lúc Trung ương cân nhắc điều chỉnh chính sách này để tăng nguồn kinh phí và quyền chủ động cho Thành phố.

Trước hết, cần có ngay quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm, kể cả khi họ thất bại trong thực thi nhiệm vụ, ít nhất là nhiệm vụ do lãnh đạo Chính phủ hoặc người đứng đầu địa phương giao trực tiếp. Sau đó, đẩy nhanh tiến độ ban hành chính sách và pháp luật để khắc phục ngay các nút thắt đang cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội, ví dụ những bất cập trong đấu thầu, phát hành trái phiếu, công tác cán bộ, kê khai tài sản, phòng chống tham nhũng…

Bằng cách giải phóng và phát huy tối đa mọi nguồn lực trong xã hội, Thành phố sẽ tạo điều kiện cho mọi người dân, doanh nghiệp phát huy năng lực của mình. Chỉ khi Thành phố làm được điều này thì mới có thể phát triển bền vững và đem lại lợi ích cho toàn thể xã hội.

 

Nguồn: TS Tô Văn Trường – TPHCM cần bảo vệ cán bộ ‘dám nghĩ, dám làm’ để vượt qua khó khăn – Vietnamnet – 12/04/2023


 

Tin bài liên quan:

VNTB – “Cấm” hay “hạn chế”?

Trương Thế Tử

VNTB – Kỷ luật cách chức ông Nguyễn Văn Yên

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Đảng đã xướng tên Bộ trưởng “quay cóp” Đào Ngọc Dung

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo