Việt Nam Thời Báo

“Trỗi dậy hòa bình” của Viện Khổng Tử ở Việt Nam?


Nam Trân
(VNTB) – “Diễn biến hòa bình” vốn là nguy hiểm cho chế độ, nhưng “trỗi dậy hòa bình” lại là mối nguy hiểm cho cả quốc gia, dân tộc. Nỗi lo về người Việt lậm về văn hóa Trung Hoa, đi từ tìm hiểu thành sự thuần phục “Hoa Hạ” trở nên có căn cứ. Đầu là giá trị Khổng Tử, sau là Lão Tử, sau đó nữa là học thuyết trị quốc… khiến cho “mong muốn” học hỏi văn hóa, dần đi đến “đánh đổi” văn hóa. Và cuối cùng là một cộng đồng “Hoa kiều gốc Việt” được hình thành.
ĐH Hà Nội – một cái nôi từng đào tạo ngoại ngữ cho không ít cán bộ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã “gắn biển” Học viện Khổng Tử.
Theo ông Nguyễn Đình Luận (Hiệu trưởng trường), việc thành lập Học viện Khổng Tử sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu, giảng dạy tiếng Trung Quốc, góp phần củng cố và phát triển quan hệ Việt – Trung.
Lễ gắn biển diễn ra trong không khí thân mật của cuộc viếng thăm Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) Du Chính Thanh.
Hoài nghi, lo ngại về sức mạnh mềm Trung Quốc chi phối tại Việt Nam nổi lên.
Cái giá khá chát
Hoàn toàn trái ngược với sức mạnh mềm Hoa Kỳ, khi quốc gia này tiếp cận các quốc gia khác bằng cách chú trọng dân chủ và những mục tiêu lộ rõ tham vọng thúc đẩy các lợi ích an ninh của mình. Từ lâu, đồng vốn và văn hóa (lịch sử) Trung Quốc, được các nhà lãnh đạo nước này coi là công cụ chủ chốt trong phổ biến sức mạnh mềm (thể chế chính trị, tư tưởng và chiến lược quốc gia, ý chí của nhân dân trong thực hiện chiến lược, hệ giá trị xã hội, quan hệ quốc tế) đối với các quốc gia láng giềng (Đông Nam Á, Châu Á), thậm chí tại những nơi xa xôi như là châu Phi, châu Mỹ Latinh…
Và đồng vốn viện trợ (cho vay ưu đãi hàng tỷ USD để thực hiện các dự án đầu tư) lẫn dự án tài trợ (triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng sân vận động, đường xá, bệnh viện và trường học)  đầy ma lực mà Trung Quốc trao gửi tại các quốc gia (Đông Á, Châu Phi và Châu Mỹ La tinh…) thường đổi lại cái giá khá chát, đó là mất mát về nguồn tài nguyên, đất đai lẫn sự xâm lấn về văn hóa, con người từ đại lục.
Viện Khổng Tử mở ra, cũng đem lại những tác dụng phụ “không mong muốn” tại các quốc gia láng giềng, đó là sự định hướng trong giảng dạy như: từ chối công nhận vụ thảm sát tại Thiên An Môn năm 1989, cấm thảo luận về đề tài Tây Tạng…
Điều này, đưa đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại châu Phi, châu Á (Myanmar, Campuchia…) hay tuyên bố ngưng hợp tác và đóng cửa Viện Khổng Tử ở trường Đại học Chicago và Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ).
Dù con số biểu tình chống Trung Quốc hay đóng cửa Viện Khổng Tử là con số nhỏ, thì nó đã cho thấy một sự lo ngại trước hiểm họa sâu trong đồng vốn lẫn giá trị văn hóa – học thuật mà Trung Quốc thường dùng để vuốt ve lãnh đạo các quốc gia, ru ngủ cộng đồng quốc tế. Dù thế, “đồng thuận văn hóa, mô hình Trung Hoa” vẫn là những khái niệm hấp dẫn… và được truyền tải đều đặn thông qua các hoạt động văn hóa, giáo dục. Sự vượt mặt Hoa Kỳ về viện trợ đối với các quốc gia ở Đông Nam Á, hay “tăng trưởng” đáng kinh ngạc các Viện Khổng Tử trên thế giới là minh chứng rõ nét cho điều đó.
Viện Khổng Tử sẽ “trỗi dậy hòa bình” ở Việt Nam?
Trở lại với sự kiện mở Viện Khổng Tử tại Hà Nội vừa qua, nếu chỉ đơn thuần hoạt động vì mục đích văn hóa và lịch sử thì điều này hoàn toàn không đáng lo ngại. Vì Khổng Tử đa phần là dạy “tu thân” từ đạo hiếu làm đầu, trung nghĩa đi đôi, đãi người lấy tín, hành sự có lễ…
Nhưng nếu thiếu sự giám sát trong quá trình hoạt động của Viện Khổng Tử, thì đó hẳn là một vấn đề lớn.
Rõ ràng là thế, khi văn hóa Việt ngày nay đang rơi vào thể trạng tạp nham, thiếu chiều sâu, và hoàn toàn đủ lành mạnh nếu không muốn nói là quá yếu khi đứng trước văn hóa “Hoa Hạ”. Câu chuyện về bộ phim Lý Công Uẩn trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long (Hà Nội) vẫn là ám ảnh về văn hóa… Văn hóa làng xã – vốn là bức tường kết cấu bền vững trong chống đồng hóa suốt 1.000 năm cũng đang rạn nứt vì hoạt động xuất khẩu cô dâu và nhập khẩu nhân công lao động Trung Quốc.
Do đó, nỗi lo về người Việt lậm về văn hóa Trung Hoa, đi từ tìm hiểu thành sự thuần phục “Hoa Hạ” trở nên có căn cứ. Đầu là giá trị Khổng Tử, sau là Lão Tử, sau đó nữa là học thuyết trị quốc… khiến cho “mong muốn” học hỏi văn hóa, dần đi đến “đánh đổi” văn hóa. Và cuối cùng là một cộng đồng “Hoa kiều gốc Việt” được hình thành.
Diễn biến hòa bình vốn là nguy hiểm cho chế độ, nhưng trỗi dậy hòa bình lại là mối nguy hiểm cho cả quốc gia, dân tộc.
Nhất là trong tình trạng, sự trỗi dậy hòa bình có pha chút mạnh mẽ về quân sự đã không đem lại hiệu quả như mong muốn cho chính quyền Trung Quốc trong thời gian qua. Văn hóa – giáo dục lại (một lần nữa) được lựa chọn và đầu tư có trọng tâm hơn, “giấu mình chờ thời” có lẽ là một món quà khuyến mãi kèm theo…

Và như thế, sự tồn tại của Viện Khổng Tử tại bất kỳ một quốc gia nào đó rõ ràng không thực sự nguy hiểm bằng sự thiếu cảnh giác vào đúng thời điểm cần cảnh giác của các “đối tác Trung Quốc”. Mà Việt Nam thì ngoài căn bệnh chủ quan, lại hay mắc căn bệnh “ngây thơ, con tim để trên đầu gươm giáo”…

Tin bài liên quan:

VNTB – “Nhận thức về KTTT định hướng XHCN”: Tư bản đỏ vẫn tích lũy và lũng đoạn!

Phan Thanh Hung

VNTB- Con ruồi 500 triệu và công bình pháp luật

Phan Thanh Hung

Đinh La Thăng: Tô vẽ hay bản chất?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.