Hoàng XuânGửi đến BBC từ Sài Gòn
Như vô vàn đợt sóng dư luận ‘lớp sau đè lớp trước’ ở Việt Nam hiện giờ, câu chuyện cụ Rùa viên tịch mới chỉ một tuần đã chìm nghỉm từ đỉnh xuống đáy sự quan tâm.
Nhưng kết thúc đó khiến tôi phải nghĩ đến cách mà người dân Việt Nam, không kể quan hay dân, đang hành xử với những biểu tượng của sự thiêng liêng.
Chỉ trong cách gọi thành kính mà người dân Hà Nội dành cho cá thể rùa đặc hữu duy nhất còn tồn tại ở hồ Gươm, đã cho thấy trong tâm trí của rất nhiều người, ‘cụ Rùa’ là linh vật, tượng trưng cho sự trường tồn và oai linh của dân tộc.
Đến nỗi qua thời gian, sự thành kính ấy được thể hiện công khai trên báo chí và lan tỏa vào những nơi xa phố phường nhất.
Tuần trước, lúc đang cùng trèo lên sườn đồi trong một huyện heo hút miền núi tỉnh Quảng Bình, đoạn chỉ còn hai ba chục cây số nữa là đến cửa khẩu Cha Lo sang Lào, vị chủ tịch trẻ của xã ấy đột nhiên hỏi tôi nghĩ thế nào về việc cụ Rùa vừa qua đời.
Tôi nói, tôi quan tâm đến việc cụ có để lại con cháu kế thừa không.
Dĩ nhiên, tôi đùa.
Vì tôi không kịp nghĩ ra câu trả lời nào có vẻ sâu sắc và thông minh hơn cả.
Quả là danh tiếng
Thế nhưng, sự thật là từ hàng chục năm nay, việc cụ Rùa nổi lên trên mặt nước hồ Gươm luôn luôn được người dân Hà Nội hân hoan chào đón. Báo chí coi đó như một hành vi “chứng giám” của tiền nhân cho sự nghiệp đang được cháu con gây dựng.
Vâng, các lãnh đạo, các ngôi sao giải trí, các nhà khoa học lừng danh… phải ghen với cụ. Chưa một ai được truyền thông quan tâm đặc biệt và liên tục suốt nhiều năm như cụ.
Cụ là celeb, là nhân vật chính của vô vàn phóng sự ảnh đăng trên báo chính thống cũng như blog cá nhân, của vô vàn tin tức và bài báo ghi nhận, tường thuật, chiêm nghiệm, phân tích… Mỗi lần cụ nổi lên là một dịp người dân liên kết công khai với một sự kiện (tuyệt đại đa số là sự kiện chính trị) trên phạm vi cả nước.
Trên báo Dân Trí, sau một chùm ảnh nhiều góc độ về cụ Rùa nổi lên trong năm mới, nhà báo viết: “Việc cụ Rùa nổi lên vào đầu năm mới mang lại rất nhiều hứng khởi cho người dân”.
Tờ báo khác viết: “Hàng nghìn du khách chen nhau để tận mắt nhìn thấy rùa thiêng”.
Tháng 10 năm ngoái, báo Đất Việt giật tít: “Cụ Rùa hồ Gươm nổi lên tiễn biệt Võ Đại tướng”.
Bài báo dẫn lời PGS.TS Hà Đình Đức-người được gọi là ‘nhà Rùa học’ như sau:
“Cụ Rùa nổi lên đúng lúc linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đưa lên chuyên cơ về Quảng Bình là để tiễn biệt Đại tướng. Cụ Rùa nổi lên mặt nước như muốn thông báo với Đức Thánh Trần là Đại tướng đã về bên kia thế giới, về với tổ tiên non sông Đại Việt”.
Còn chỉ mới cách đây ít ngày, báo Vietnamnet làm một bài liệt kê những lần nổi lên của cụ Rùa (thật, cụ là celeb).
Bài báo viết : “Các dịp cụ Rùa nổi đáng nhớ là dịp Quốc khánh 2/9/2010. Sáng ngày 1/10/2010, Khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long, cụ Rùa cũng nổi. Suốt thời gian diễn ra Đại lễ cụ Rùa lên liên tục tất cả các ngày.
Tiếp đó, vào 6h30 sáng 10/10/2009, cụ Rùa cũng nổi lên khá lâu (…) trùng với ngày kỷ niệm 55 năm Giải phóng thủ đô và 999 năm Thăng Long – Hà Nội.
Trong dịp kỷ niệm 52 năm ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 – 10/10/2006, cụ Rùa nổi từ 6h00 đến 6h30 (…).
Cũng trong năm này, ngày 8/11/2006, vào dịp Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động đón mừng Hội nghị APEC và mừng Việt Nam gia nhập WTO, cụ Rùa Hồ Gươm cũng đã bò lên nằm trên chân Tháp Rùa.
Năm 2005, kỷ niệm 60 năm Quốc Khánh 2/9, cụ Rùa cũng nổi.”
Báo Vnexpress-tờ báo điện tử có nhiều người đọc nhất, ngày 10.10.2010, viết :”Chỉ ít phút sau lễ khai mạc diễu binh, 8h10 sáng nay cụ rùa Hồ Gươm đã nổi lên tại khu vực đền Ngọc Sơn trong niềm vui sướng của hàng nghìn du khách”.
Quả thế. Tôi nhớ những năm 2001-2003, tôi đã chứng kiến bờ hồ Gươm đông nghịt người chen chúc nhau ngắm cụ Rùa. Có những người mang thức ăn nước uống, cố thủ suốt ngày để không bỏ qua bất cứ giây phút nào được tận mắt ngắm cụ.
Để đảm bảo an ninh cho khu vực, chính quyền địa phương đã phải cử lực lượng giám sát và giăng dây tại khu vực cụ hay nổi lên nhất.
Lúc ấy tôi nghĩ có lẽ để đề phòng lúc quá phấn khởi ngắm cụ thì có con cháu nào rơi luôn xuống nước không.
Nhưng sau đó, tôi nghĩ lại. Có lẽ lý do cốt yếu nhất chính là ngăn chặn “con cháu” nào tiện tay làm thịt luôn cụ đấy thôi.
Vì, có ai yêu, kính, thờ phụng một ai mà nỡ để họ chịu cảnh trầm luân suốt hàng chục, hàng chục năm như chúng ta đã đối xử với cụ Rùa không, hỡi các công dân thủ đô (cách đây một tuần, chứ giờ tạnh rồi) đã khóc lóc thắp hương đập đầu than vãn về sự ra đi của cụ?
Hết sức mâu thuẫn với chính mình, “Giáo sư Rùa” từng phỏng đoán việc cụ Rùa nổi lên dày đặc chứng tỏ cụ bị ngạt thở trong môi trường nước quá bẩn.
Trong clip cụ Rùa nổi ngày 12.2.2011, trên thân cụ đã thấy rõ phần lở loét dọc giữa mai lưng, những vết thương mới chồng lên vết sẹo cũ ở chân, thân và cổ.
Những clip đó cũng cho thấy mặt Hồ Gươm nào có còn “lung linh mây trời, càng tỏa ngát hương thơm hoa thủ đô” như lời một bài hát đầy tự hào vẫn được phát say sưa trên các loa phóng thanh khắp phố phường Hà Nội.
Mây trời không thể in bóng xuống một mặt nước sền sệt đen đặc, có những khi dày đặc cá chết như một lớp thảm họa tiết kỳ lạ trên nhiều góc hồ Gươm.
Hương ngào ngạt tỏa ra là xú uế từ thức ăn thừa, bao nilông, trái cây thối, những con cá phóng sinh bị chết, và vô vàn những thứ kỳ lạ khác mà chính những người từng bái vọng cụ, quẳng xuống hồ.
Trả lời phỏng vấn báo Tiền phong vào giữa tháng 1.2010 (vâng, cách đây 6 năm), PGS.TS Hà Đình Đức lo lắng:
“Hồ Gươm đang đứng trước nguy cơ suy thoái, trở thành sình lầy trong một thời gian không xa”.
Hãy xem trong suốt thời gian chốn dung thân của cụ Rùa dần biến thành chốn sình lầy đó, cụ đã được đối xử ra sao.
Theo thống kê trên báo chí, cụ bị thương rất nhiều lần, vì va vào những chướng ngại vật sắc cạnh dưới lòng hồ, bị lở loét, bị nấm do ô nhiễm, bị dính lưỡi câu chùm, bị dính lưới quét, bị rùa tai đỏ gặm vào thịt… Trước cụ này còn các cụ khác. Mà các cụ đều đã ra đi vì bị đập bằng các vật cứng và bị xiên bằng đinh ba hay ba tiêu.
Và chưa hết đau lòng, thì tháng 3.2011 (vâng, vẫn cách đây 5 năm rồi ạ), thì cụ Rùa linh thiêng bị bắt gặp đã phải ăn xác một con mèo chết.
Thật ê chề! Cụ Rùa, vốn dinh dưỡng bằng những sinh vật sống bơi tung tăng, phải hạ mình giải cơn đói lòng bằng một con mèo chết. Và ơ hay, tại sao mèo chết lại được tống táng ở hồ thiêng?
Nhưng cụ cũng còn may mắn chán.
Trên VTC cách đây một tuần, tác giả Phạm Ngọc Dương thuật lại theo lời kể của PGS.TS Hà Đình Đức những câu chuyện nổi da gà. Tôi xin trích để người đọc hình dung hết sự ‘trân trọng’ đối với các cụ Rùa Hồ Gươm.
“Năm 1967, một cụ rùa bị khổng lồ nổi lên mặt nước, trên mai có đám bọt sùi màu hồng to như cái mũ (…).
Cả chục công nhân đánh cá nhảy xuống hồ vần “cụ” lên bờ, rồi vật ngửa “cụ” ra.
Nhằm đúng lúc “cụ rùa” thò đầu ra thở, họ tròng dây thừng thít cổ, rồi hò dô kéo “cụ” xềnh xệch trên mặt đất cứ như kéo pháo. Ông Đức lôi cho tôi xem cái biên bản đánh máy vẫn còn ghi rõ sự kiện này. (…)
“Cụ rùa” được đem về căn nhà số 90 phố Thợ Nhuộm cứu chữa, nhưng do vết thương rất nặng, lại bị mấy thợ đánh cá thít cổ kéo đi, nên cụ đã qua đời ngay trong chiều hôm đó. (…) Ông Thu đã lấy xà beng, thủ thế trên thuyền rồi ráng sức đâm thật lực vào lưng “cụ”.
Khoảng năm 1963, trời mưa to, nước ngập, một “cụ rùa” hứng chí muốn ngắm phố phường Hà Nội, đã bò lên vườn hoa Chí Linh. Đúng lúc ấy, mấy thanh niên đi qua nhìn thấy đã thay nhau trèo lên lưng cụ bắt cụ… phi nước đại.
Chở mấy thanh niên nghịch ngợm một lúc thì “cụ” mệt, nằm thở phì phò. Không còn sức chống cự, mấy anh chàng bám một bên mai vật ngửa “cụ”, rồi hè nhau khiêng về mổ thịt, đem xương đi… nấu cao!
Vào năm 1945, đúng dạo nước sông Hồng lên cao, mưa lớn ngập khắp phố phường Hà Nội, một “cụ rùa” đã bò lên phố Lê Thái Tổ. Mấy ông chạy xe ba gác nhìn thấy con “ba ba” khổng lồ liền đuổi theo tóm lại rồi khiêng lên xe ba gác chở về… nấu chuối xanh. Cũng may mà chính quyền đuổi theo đòi lại được. Nhưng số phận “cụ rùa” này đến nay vẫn là một ẩn số.
Sau đó hơn chục năm, vào năm 1956, bão gió, lụt lội khắp phố phường Hà Nội, một “cụ rùa” lại mò lên đền Hàng Trống. Một ông đạp xích lô đâm phải ngã chỏng vó. Tức mình, ông ta hô người khiêng “cụ” lên xe, kéo về phố Hàng Hành.
Người ta dùng thừng thít cổ cụ, treo lên xà nhà để chuẩn bị chọc tiết, xẻ thịt như mổ heo trong nhà máy bên Tây.” Thôi thôi, quá khứ đã nằm yên. Các cụ Rùa (may, hay không may?) cũng đã về với thế giới người hiền hết rồi.
Ứng xử và đối xử ra sao?
Nhưng mà, nói trại ngạn ngữ “Hết xôi, rồi việc”- “Rùa chết, hết việc”. Không, việc chưa hết. Việc còn rất nhiều.