Phạm Lê Đoan
(VNTB) – “Tư nhân hoá báo chí” xảy ra khi lợi ích đối với cơ quan báo chí nhỏ hơn nhiều so với lợi ích mà đối tác liên kết thu được.”
Một tài liệu của Cục Báo chí cho biết qua thực tế kiểm tra sơ bộ tại một số cơ quan báo chí cho thấy khoản “phí liên kết” được quy định tại các “hợp đồng hợp tác” hoặc “thoả thuận hợp tác” mà cơ quan báo chí thu được là rất nhỏ so với quy mô và lợi ích mà đối tác liên kết có thể thu được.
Dẫn chứng, một tờ báo lớn, tổng doanh thu được tính vào khoảng 120 tỷ đồng/năm. Nhưng khi tờ báo này hợp tác với một trang tin điện tử, để trang tin này “rửa nguồn” thì tổng tiền mà họ nhận được mỗi năm chỉ khoảng 2 tỷ đồng. Đó là tờ báo lớn, còn những cơ quan báo chí khác nhỏ hơn thì con số thu về chưa chắc được đến mức đó.
Về lợi ích khác như thương hiệu của cơ quan báo chí, cơ hội nâng cao trình độ nghiệp vụ cho phóng viên…, cơ quan quản lý qua tổng hợp chưa thấy mối liên hệ rõ rệt giữa việc liên kết với các đối tác truyền thông với việc phát triển thương hiệu của cơ quan báo chí.
Uy tín của cơ quan báo chí không tăng lên khi thực hiện hoạt động liên kết – vẫn theo Cục Báo chí, nếu như không nói là kéo theo nhiều “phiền toái” về kiểm soát định hướng nội dung, truy cập hoàn toàn thuộc về bên tham gia liên kết. Chưa thấy rõ ích lợi về việc nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên ở các cơ quan báo chí thực hiện liên kết kỹ năng biên tập nội dung, sử dụng các công cụ xuất bản hiện đại….
“Tư nhân hóa báo chí” thực sự là một nguy cơ bởi tuy chưa có con số thống kê chi tiết nhưng hiện trạng này thời gian qua cho thấy chỉ tư nhân là có lợi gần như tuyệt đối trong hoạt động này – Cục Báo chí đã kết luận như vậy.
Với dân trong nghề báo thì các việc mà Cục Báo chí đưa ra ở trên, chủ yếu là hình thức để báo cáo lên cấp trên, chứ thật ra “báo chí tư nhân” đã có từ lâu rồi, mặc dù ghế Tổng biên tập ở những tờ báo tư nhân này là “người nhà nước”.
Cụ thể muốn nói đến ở đây là loạt các tuần báo, tạp chí, báo điện tử của Công ty TNHH Truyền thông Hoa Mặt Trời, mà tiêu biểu tờ Tiếp Thị Gia Đình.
“Ra đời ngày 19–4–2001, với tên Tiếp thị & Quảng cáo Việt Nam, sau đổi thành Tiếp Thị & Gia Đình và nay được gọi một cách thân thuộc là Tiếp Thị Gia Đình.
Ngay từ khi xuất hiện trên thị trường, tạp chí đã xác định tôn chỉ Vì hạnh phúc của gia đình bạn, tập trung vào mọi vấn đề mà các gia đình và phụ nữ quan tâm. Tiếp Thị Gia Đình cung cấp nhiều thông tin đa dạng, bổ ích và cần thiết cho độc giả thành thị.
Tiếp Thị Gia Đình là một cẩm nang gia đình, bao gồm mọi mặt trong đời sống như tình yêu, gia đình, mẹ và con, tài chính, tâm lý, bí quyết nội trợ, du lịch… Những tình huống mà tạp chí đặt ra đều gần gũi và luôn đưa ra hướng giải quyết cụ thể, tích cực. Trong từng bài viết có thể nêu ra các vấn đề tiêu cực, nhưng phần kết thúc luôn lên tính nhân văn, giúp cuộc sống phụ nữ và mọi gia đình trở nên tốt đẹp hơn.
Với hành trình 15 năm xây dựng và phát triển, Tiếp Thị Gia Đình đã trở thành một tạp chí không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tất cả những thông tin tạp chí đăng tải đều có thể ứng dụng trong cuộc sống từ thứ Hai đến Chủ nhật.
Tạp chí có mặt trên sạp báo vào sáng thứ Hai hàng tuần”.
Tổng biên tập của tờ tạp chí nói trên là ông Nguyễn Trường Sơn, lúc khởi thủy ông là giám đốc công ty về triển lãm và hội chợ của Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội). Hiện nay ông Nguyễn Trường Sơn là chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam.
Tháng 10-2009, Liên đoàn Tạp chí Thế giới FIPP đã đánh giá Tiếp Thị Gia đình là tờ tạp chí có vị trí thứ 36 trên toàn thế giới. Tờ này có một app đọc trên điện thoại/ máy tính bảng (https://apps.apple.com/us/app/tiep-thi-gia-dinh-magazine/id424540905)
Người tổ chức mọi hoạt động về báo chí của Công ty TNHH Truyền thông Hoa Mặt Trời là Trần Nguyễn Thiên Hương.
Người viết bài này cũng từng tham gia làm báo tại tòa soạn kể trên cùng với một vài đồng nghiệp khác đến từ báo Tuổi Trẻ, báo Thể Thao Ngày Nay. Nói thêm, Trần Nguyễn Thiên Hương có một cô em gái kế mình cũng tên Hương, và cả hai cô Hương này nhận làm rất nhiều đầu báo phiên bản Việt ngữ như Wedding, Thế Giới Văn Hóa, Her World, Cosmopolitan, Harper’s Bazaar và Esquire.
Như vậy để không “tư nhân hóa báo chí”, thì cần thiết chấp nhận cuộc cạnh tranh công bằng của quyền “báo chí tư nhân” theo Hiến định tại điều 25, “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”.
Trong thể chế quốc gia mà thiếu báo chí tư nhân sẽ làm cho văn hóa trở nên “đơn dạng” (đơn điệu), ngày càng xuống cấp về các chuẩn mực; điều đó cũng chẳng khác nào con người bị khiếm thính, khiếm thị… (khuyết về khiếu giác), còn quốc gia thì bị khiếm khuyết về giáo dục, y tế, văn học, nghệ thuật…
Do vậy, những người lãnh đạo có chức trách của quốc gia cần phải nhận thấy rõ sự đa dạng khách quan của văn hóa, trong đó có báo chí, nhận thức rõ chức năng của các loại hình báo chí, xây dựng các đạo luật và phương pháp quản lý báo chí đúng đắn, phù hợp, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa.