Nhóm phóng viên tường trình từ VN – RFA
2016-09-02
Người dân Nhơn Lý đang dọn dẹp hàng rào xương rồng gai mà FLC dùng để ngăn đường ra biển.
Hình do người dân cung cấp
Tình trạng các công trình phục vụ du lịch của các tập đoàn kinh tế, đặc biệt là FLC ngày càng lấn lướt đời sống người dân thành phố Qui Nhơn và bán đảo Nhơn Lý, Bình Định, đẩy người dân vào chỗ khó xử bởi kiểu mặc cho sức khỏe người dân, ém nhẹm quyền lợi của người dân ở Qui Nhơn hoặc rào chắn đường đi lối lại trên bán đảo Nhơn Lý. Và không ít đất đai của người dân Qui Nhơn hoặc Nhơn Lý, Nhơn Hội bị các tập đoàn lấn chiếm một cách bất minh bởi họ không liên lạc đền bù trực tiếp với người dân mà chỉ thông qua chính quyền địa phương. Những tiếng kêu, sự bất mãn của người dân Qui Nhơn và Nhơn Lý ngày càng nhiều. Thành phố Qui Nhơn và bán đảo Nhơn Lý vốn dĩ bình yên trên đất Bình Định giờ trở nên ồn ào và bất an!
Không còn bình yên
Một người dân thành phố Qui Nhơn tên Hải, chia sẻ: “Cái nhà máy xử lý nước thải ở đây được ngân hàng thế giới và nhà nước Việt Nam cam kết đền bù cho dân nhưng chính quyền Bình Định thì không đền bù. Đã hoạt động 3, 4 năm nay rồi, kinh tế làm không ra tiền, rồi sống trong môi trường ô nhiễm. Mấy năm nay dân vẫn phải ở đây, giờ dân đã nộp đơn lên bên môi trường và những cơ quan liên quan về việc lừa đảo chiếm đoạt đất đai của dân, nhưng không nghe phía trên nói gì, họ vẫn im hơi, không trả lời gì cả. Vừa rồi phó chủ tịch tỉnh đưa quyết định cưỡng chế, đó là lệnh trái pháp luật.”
Cái nhà máy xử lý nước thải ở đây được ngân hàng thế giới và nhà nước Việt Nam cam kết đền bù cho dân nhưng chính quyền Bình Định thì không đền bù.
– Anh Hải, Quy Nhơn
Ông Hải cho biết thêm, cách đây vài hôm, chính quyền và công an thành phố Quy Nhơn đã đến nhà ông Lê Văn Vui cha ruột của ông Hải gửi quyết định cưỡng chế. Trong khi đó, gia đình ông Hải có bốn gia đình nhỏ, và bốn gia đình này có đất trong diện di dời, thuộc nhóm 97 gia đình sắp bị nhà nước cưỡng chế lấy đất do nằm trong vùng đệm của dự án xây dựng nhà máy nước thải thuộc tiểu dự án CEPT của thành phố Quy Nhơn. Nói cách khác là 97 gia đình này thuộc diện di dời tái định cư.
Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải thành phố Quy Nhơn thuộc nguồn vốn ODA vay không hoàn lại giữa Ngân Hàng Thế Giới ký Với chính phủ Việt Nam và giao cho tỉnh Bình Định thực hiện. Quá trình thực hiện dự án nghe ra đã có quá nhiều vấn đều khuất tất.
Ông Hải tỏ ra bức xúc vì theo bản kế hoạch tái định cư và khung chính sách đền bù của ngân hàng thế giới và chính phủ Việt Nam đã ký kết được thực hiện vào tháng tư năm 2008, dựa trên cơ sở đất đổi đất và tiêu chí tất cả các gia đình bị ảnh hưởng đều được đền bù và hỗ trợ đời sống. Nhưng trên thực tế thì các gia đình bị cắt mất phần hỗ trợ, thậm chí không được đền bù cho diện tích đã mất. Và chính quyền đã lấy đất tái định cư để chia lô bán cho các doanh nghiệp và các tư nhân khác.
Mặc dù 97 gia đình bị mất trắng đất tái định cư và tiền đền bù đã nhiều lần viết đơn khiếu kiện nhưng không được giải quyết. Mãi đến năm 2012, nhóm 97 gia đình viết đơn khiếu kiện vượt cấp ra tận trung ương Hà Nội với hi vọng được giải quyết nhưng vẫn không được giải quyết. Bây giờ thêm chuyện thông báo cưỡng chế từ ủy ban nhân dân thành phố Qui Nhơn, do Phó Chủ tịch thành phố này ký mặc dù mọi chuyện vẫn chưa được ngã ngũ.
Cùng cảnh ngộ với 97 gia đình ở thành phố Qui Nhơn, các gia đình trên bán đảo Nhơn Lý cũng gặp rất nhiều khó khăn, chật vật bởi chính quyền đã ký quyết định giao vùng đất và vùng biển Nhơn Lý cho tập đoàn FLC xây dựng khai thác du lịch, dịch vụ…
Và tập đoàn FLC đã ngang nhiên thiết lập rào chắn bằng kẽm gai từ bờ ra tới biển và một số con đường dân sinh. Cuộc sống ngư dân vốn khó khăn nơi đây càng thêm chật vật khi đường ra âu thuyền bị chắn ngang. Đường kiếm cơm của ngư dân Nhơn Lý hoàn toàn bị cắt đứt bằng kẽm gai và các bảo vệ FLC. Trong khi đó, người dân hoàn toàn bị bất ngờ bởi không có thông tin gì về rào chắn bãi biển từ phía chính quyền và cũng không có thông tin giao đất, giao biển từ đâu đến đâu. Đường đi lối lại trên bán đảo Nhơn Lý bỗng chốc trở thành một biệt khu mà trong đó kẽm gai và những đội bảo vệ của FLC phong tỏa kín mít chẳng khác nào giới nghiêm và khoanh vùng thời chiến tranh.
Vị trí chiến lược đã không còn bí mật
Ông Lũy, cư dân Nhơn Lý, là một cựu sĩ quan quân đội, chia sẻ: “Nói chung người dân rất bất xúc con đường, trước đây người dân rất vui khi tỉnh làm con đường này. Nhưng giờ FLC nó rào đường đi, nó cho một đường khác đi nhưng đường mới quá dốc và ôm cua nghẹt. Nó rào bờ biển lại, dân đã lên phản đối vào ngày khai trương, lãnh đạo địa phương cam kết là trong mười mấy ngày sẽ trả lại đường, nhưng thời gian qua rồi cũng chẳng gì. Nếu cứ tiếp tục thế này, hôm khánh thành dân sẽ bùng lên mạnh hơn nữa.”
Ông Lũy cho biết thêm rằng ông đã từng theo dõi rất kĩ các hoạt động của tập đoàn FLC và kết quả theo dõi của ông thật đáng e ngại khi mà tập đoàn FLC đi đến đâu thì người dân nơi đó phải rên xiết, kêu than vì những quyền lợi tối thiểu bị cưỡng đoạt. Từ biển Sầm Sơn, Thanh Hóa đến biển Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, rồi giờ đến Nhơn Lý, Bình Định. Nơi nào có FLC, nơi đó có tiếng kêu ai oán của người dân.
Nói về làm biển thì hai năm nay mất mùa, công trình FLC đến làm thì người dân nơi đây rất lo sợ…
– Ông Lũy, cư dân Nhơn Lý
Và ông Lũy cũng đặt nghi vấn là tại sao FLC thường chọn những vùng biển chiến lược, vùng biển và đất có tính nhạy cảm viề mặt quân sự để xây dựng du lịch? Từ Sầm Sơn, Thanh Hóa cho đến Hải Ninh, Quảng Bình và Nhơn Lý, Bình Định đều là những vùng biển đóng vai trò chiến lược quan trọng trong vấn đề quân sự. Bởi với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu địa chính trị, làm chính trị viên cho quân đội Việt Nam, ông Lũy có điều kiện để kết luận những nơi FLC có dự án đều là vùng chiến lược quân sự.
Đầm Thị Nại đóng ngay trước bán đảo Nhơn Lý từng là nơi xảy ra trận chiến ác liệt giữa Quân Tây Sơn và quân nhà Nguyễn trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Trong thời chiến tranh trước 1975, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa xếp eo biển Qui Nhơn, bán đảo Nhơn Lý và đầm Thị Nại vào vị trí tối yếu quân sự. Nếu mất những nơi này thì có thể mất cả khu vực Nam miền Trung Việt Nam.
Ông Lũy cho biết thêm rằng:“Nói về làm biển thì hai năm nay mất mùa, công trình FLC đến làm thì người dân nơi đây rất lo sợ…”
Một người dân khác ở Nhơn Lý, tên Viện, nói rằng hiện nay, bà con ngư dân trên bán đảo Nhơn Lý vẫn tiếp tục đấu tranh để chống với bất công, chống nhà cầm quyền đã thỏa hiệp với FLC phong tỏa đường đi ngõ lại của Nhơn Lý. Và đáng sợ nhất là người dân đã sống nhiều đời trên bán đảo này bỗng chốc trở thành những người khách nghèo nàn của bán đảo, đời sống bị chèn ép đủ điều bởi rào chắn và bảo vệ của kẻ khác. Thậm chí, ngay trên mảnh đất nhiều đời khai phá và xây dựng, làm tổ ấm của nhiều gia đình, dòng tộc, bỗng chốc người dân bị FLC xây dựng và xua đuổi điu nơi khác.
Dường như tiếng kêu oan ức của người dân thành phố Qui Nhơn và người dân Nhơn Lý, Nhơn Hội vẫn lọt thỏm giữa sóng biển, bão bùng. Lòng người ngày càng trở nên khô khốc, trơ cạn bởi luôn phải đấu tranh và chịu đựng cay đắng, bất an, chịu sự vô cảm của nhà cầm quyền.