Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-07-27
Đồn đoán về tình trạng sống chết cũng như sinh mệnh chính trị của bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tiếp tục râm ran trong nước; đặc biệt hôm nay ông không xuất hiện trong đoàn lãnh đạo đảng và chính phủ tham gia các hoạt động nhân ngày Thương Binh Liệt sĩ Việt Nam như được cho biết trước đó.
Thông báo ‘nước đôi’ từ Bộ Quốc Phòng
Mọi tin đồn về tình hình sức khỏe của đương kim bộ trưởng quốc phòng Việt Nam- đại tướng Phùng Quang Thanh tưởng như bị dẹp tan vào sáng ngày 25 tháng 7 khi truyền thông trong nước khẳng định lời của trung tướng Võ Văn Tuấn, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, là ông Phùng Quang Thanh về nước, sức khỏe ổn định sau đợt đi trị bệnh u phổi ở Pháp.
Tuy nhiên, chỉ có một bức ảnh chụp xa không rõ hình hài của ông đại tướng bộ trưởng quốc phòng Việt Nam lại làm dấy lên những đồn đoán khác.
Các quan chức của Bộ Quốc Phòng Việt Nam gồm trung tướng Võ Văn Tuấn và trung tướng Vũ Văn Hiển, chánh văn Phòng Bộ Quốc Phòng tiếp tục cho biết ông đại tướng bộ trưởng vừa dưỡng bệnh vừa làm việc và lịch làm việc khá dày đặc. Theo lịch thì vào ngày Thương binh Liệt sĩ 27 tháng 7 ông Phùng Quang Thanh sẽ dẫn đầu đoàn Quân Ủy Trung ương, Bộ Quốc Phòng vào viếng lăng Hồ Chủ tịch cũng như tối ngày 27 sẽ có cuộc giao lưu được trực tiếp truyền hình. Thế nhưng sau khi thông báo về lịch làm việc như vừa nêu, chánh văn phòng Vũ Văn Hiển nói lại là lịch trình có thể thay đổi vào phút chót.
Sáng ngày 27 tháng 7, trong đoàn lãnh đạo đảng, chính phủ đến dâng hương, đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn và vào lăng viếng chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đại tướng Phùng Quang Thanh không có mặt.
Chúng tôi nêu câu hỏi với vị tướng về hưu, từng là chỉ huy của đương kim bộ trưởng quốc phòng, ông Nguyễn Quốc Thước về việc liên lạc sau khi có tin đại tướng Phùng Quang Thanh về nước, cũng như sự vắng mặt trong các đoàn sáng ngày 27 tháng 7 thì được trả lời như sau:
Sáng ngày 27 tháng 7, trong đoàn lãnh đạo đảng, chính phủ đến dâng hương, đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn và vào lăng viếng chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đại tướng Phùng Quang Thanh không có mặt
“ Chắc đại tướng về khách khứa nhiều lắm; nên tôi chỉ có một điện trực tiếp đến đồng chí thư ký, bí thư của đại tướng để chúc mừng thôi. Nhưng đến bây giờ, thời khắc này do công việc rồi những vị lãnh đạo khác đến thăm nên tôi không muốn làm phiền. Chứ còn không có vấn đề gì, chắc bây giờ về thì vừa làm việc, vừa điều dưỡng vì mới có một tháng sau khi phải phẫu thuật lớn mà.”
Khi được hỏi vì sao lại không có hình ảnh hay video clip của người đang được dư luận chú ý, thì trung tướng về hưu Nguyễn Quốc Thước từ chối bình luận:
“ Điều đó tôi không trả lời vì tôi không phải người của cơ quan đại tướng. Tôi chỉ là một tướng lĩnh đã qua cuộc chiến tranh nên tôi quan tâm đến đại tướng. Lý do vì người đứng đầu bộ quốc phòng trong tình hình đất nước của chúng tôi như thế này má vắng mặt, ốm đau thì chúng tôi lo là chuyện bình thường thôi; những tướng lĩnh mà phải qua chinh chiến mấy chục năm để bảo vệ thành quả này nên chúng tôi quan tâm thế thôi!”
Trong đoàn lãnh đạo đảng, chính phủ đến dâng hương, đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn và vào lăng viếng chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 27-7-2015 không thấy có đại tướng Phùng Quang Thanh
Đồn đoán
Cư dân mạng tiếp tục xôn xao khi ông đại tướng bộ trưởng quốc phòng không xuất hiện vào sáng ngày Thương binh Liệt sỹ 27 tháng 7.
Sau khi xuất hiện tấm ảnh đón ông Phùng Quang Thanh tại sân bay Nội Bài trên báo Tuổi Trẻ, nhiều cư dân mạng nghi ngờ người được nói là ông Thanh mặc chiếc áo vét xám không phải chính ông ta. Thế rồi, nhiều người còn nêu thắc mắc tại sao có báo lại đăng hình một chiếc máy bay của Vietnam Airlines khác trước đây chứ không phải hình chiếc máy bay từ Pháp về Nội Bài hôm ngày 25 tháng 7.
Nhận định
Đại tá Bùi Văn Bồng, nguyên trưởng đại diện báo Quân đội Nhân dân tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đưa ra nhận định về vấn đề đưa tin ông bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh hiện nay như sau:
“ Bởi vì người ta giấu sự thật nên nói những điều mà thực tế không có để trấn an dư luận tạm thời. Thế rồi sau đó sự việc lại không xảy ra và người ta (lại) tìm lý do, nói vì lý do này, lý do kia nên phải thay đổi kế hoạch… Bây giờ xác định chính xác thông tin là khó vì các báo được điều hành, chỉ đạo. Theo chỉ đạo báo nào đưa thì báo đó đưa, báo nào không được đưa thì không được đưa.
Các tờ báo đưa tin ông Thanh còn sống, đi làm việc chỗ này, chỗ kia mà không đưa ra bằng chứng xác thực đánh tan nghi ngờ của dư luận, chính là những tờ báo đang mang uy tín, danh giá của một lãnh đạo cao cấp ra làm trò dền dứ, câu nhử dư luận. Như thế là đang xúc phạm, sỉ nhục, lăng mạ một đại tướng
Người Buôn Gió
Cũng như trước nói sẽ xuất hiện chỗ này, chỗ kia nhưng nay không xuất hiện thì họ lại bảo lý do này, khác.
Khi người ta đã giấu sự thật thì khó tìm ra một cách nhanh chóng. Còn về lâu dài cũng có thể tìm được, hiểu được cho đúng; nhưng cũng có những cái có khi trở thành bí mật mãi luôn.
Cứ lùng nhùng thành gây ra tranh luận, tranh cãi. Chỉ cần đưa ra một video clip chừng 1-2 phút với đặc tả khuôn mặt của ông Thanh, đừng gán ghép, đừng ghép ảnh, đừng đưa ảnh cũ chú thích khác đi, ghép phim… Chỉ cần đưa một đoạn vài phút lên VTV1 hay một phương tiện thông tin chính thức nào khác thì dư luận ‘đỡ’. Đằng này cứ giấu giấu, giiếm giiếm thì dư luận càng phức tạp; càng phức tạp thì đồn đoán càng nhiều. Càng đồn đoán nhiều thì mất uy tín của chính đảng, của nhà nước và của những người phát tin ra mà không có thực tế chứ chẳng của ai khác.
Tôi quan niệm minh bạch, công khai, rõ ràng là quan trọng nhất. Còn vì lý do gì đó mà người ta giấu, mà đã giấu thì giấu luôn, chứ nói ra mà không thực thì tự vả vào mồm mình. Đồng thời dư luận cũng biết đó là trò đóng kịch.
Cung cách đưa tin và giải quyết vấn đề cân đối giữa việc của nội bộ, việc công khai hóa, minh bạch hóa lâu nay báo Việt Nam vẫn vậy thôi!”
Nhà báo Phạm Thành cũng có nhận định:
“Thông qua vụ này có người nói rằng ông Thanh có thể chết thật, hoặc có thể chưa chết; thế nhưng về mặt chính trị coi như ông ta đã chết rồi, vì trước tin ông ta chết toàn bộ cư dân người ta hân hoan, vui mừng.
Nhờ có Internet mà người dân biết những tin nào người ta tin cậy, tin nào không tin cậy. Người ta có đủ khả năng đánh giá tin này độ chính xác tới đâu và sự tráo trở như thế nào. Đó là một trong những trưởng thành trong nhận thức của người dân; đặc biệt là giới trẻ.
Phải nhấn mạnh thêm là lối đưa tin bịp bợm, xảo trá của cộng sản xưa nay thất bại rồi, còn nhìn vào vụ ông Phùng Quang Thanh càng thất bại: tin họ đưa không ai tin, không ai nghe mà còn vạch ra những điều không đúng.”
Blogger Người Buôn Gió trong bài viết ‘Sự nhục mạ uy danh đại tướng’ kết luận rằng “ Các tờ báo đưa tin ông Thanh còn sống, đi làm việc chỗ này, chỗ kia mà không đưa ra bằng chứng xác thực đánh tan nghi ngờ của dư luận, chính là những tờ báo đang mang uy tín, danh giá của một lãnh đạo cao cấp ra làm trò dền dứ, câu nhử dư luận.
Như thế là đang xúc phạm, sỉ nhục, lăng mạ một đại tướng.”
RFA