“Tuyệt đại đa số người dân đều mong muốn các vị lãnh đạo nhiệm kỳ mới là những người có tư duy đổi mới, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết”.
Trước thềm Đại hội Đảng, ông Hà Sỹ Đồng – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Quảng Trị chia sẻ với VietNamNet kỳ vọng của ông về sự kiện trọng đại này:
Mặc dù hiện nay FDI vẫn là khu vực mạnh nhất song động lực của nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ phải là kinh tế tư nhân.
Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng 12 cũng đã nêu: Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Phó trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu trước QH. Ảnh: Minh Thăng |
Trên nền tảng pháp lý mới, tiến trình cải cách thể chế và tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh đang từng bước được triển khai.
Khu vực kinh tế nhà nước đang dần được cơ cấu lại để rút về đúng vị trí của mình, phát huy vai trò chủ đạo đã được hiến định. Khu vực doanh nghiệp FDI đang có những phát triển đột phá, đóng góp quan trọng vào thành quả tăng trưởng kinh tế chung những năm qua.
Và khu vực kinh tế tư nhân đã có động lực phát triển mới, tiếp tục được cổ súy, được tháo gỡ khó khăn, được tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi để dần trở thành trụ cột thực sự của nền kinh tế.
Dù còn rất nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá hơn, khả thi hơn với quyết tâm chính trị lớn hơn, tiến trình cải cách vẫn đang chuyển động và quan trọng nhất là đang chuyển động đúng hướng. Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội 12 đã ghi nhận điều này.
Là đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều đến vấn đề cải cách thể chế, theo ông đâu là những “điểm nghẽn” quan trọng cần tháo gỡ?
Tôi đã từng phát biểu tại Quốc hội là các nỗ lực tái cơ cấu kinh tế trong nước đang bị dồn nén cùng với sức ép cải cách đến từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực gia tăng, đòi hỏi Việt Nam nhất thiết phải quyết liệt hơn trong cải cách thể chế, đặc biệt là cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
Tiêu chí cần đạt tới là: Nhà nước dần trở về đúng vị thế kiến tạo phát triển của mình và bộ máy nhà nước hoạt động thực sự hiệu lực, hiệu quả.
Nỗ lực và thành quả trong khâu lập pháp là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, các khâu thực thi và giám sát thực thi pháp luật, nói cách khác là năng lực triển khai, thì đang khá là “vấn đề”. Nút thắt thể chế chính nằm ở đây.
Khu vực kinh tế tư nhân còn yếu kém về quy mô, về năng lực cạnh tranh, chưa thực sự được bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, rõ ràng cũng là một điểm nghẽn.
Thể chế kinh tế thị trường còn non trẻ, chưa thực sự phát triển đầy đủ, đồng bộ, đang trong quá trình vừa “dò” vừa ngập ngừng “tiến”, là một hạn chế lớn.
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng hội nhập quốc tế sâu rộng với các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn trên thế giới đang và sắp mở ra.
Song cũng cần phải lường đến nguy cơ áp lực hội nhập tiếp tục không chuyển hóa thành động lực thúc đẩy cải cách trong nước, cơ hội không xuất hiện mà thay vào đó là những thách thức hiện hữu gây chèn ép, o bế kinh tế nội địa, làm trầm trọng thêm các vấn đề nội tại trong nước nếu như tâm thế và nội lực chúng ta chưa thực sự sẵn sàng cho một “cuộc chơi mới”.
Đại hội Đảng 12 sẽ đưa ra nhiều quyết sách quan trọng về đường hướng phát triển của đất nước cũng như chọn lựa đội ngũ lãnh đạo chủ chốt trong nhiệm kỳ tới. Là lãnh đạo một địa phương miền Trung, ông đặt kỳ vọng như thế nào vào Đại hội lần này? Mong muốn của ông về ban lãnh đạo mới của đất nước?
Không riêng tôi mà tôi nghĩ tuyệt đại đa số người dân Việt Nam đều mong muốn các vị lãnh đạo nhiệm kỳ mới là những người có tư duy đổi mới, và trước nhất là những người luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Mấy năm trước tôi đã đọc một bài báo, có đoạn: “Đất Việt đã nhiều phen nguy biến, nhưng khi nào những người lãnh đạo cao nhất khiến nhân dân tin rằng, với họ “Tổ quốc là trên hết” thì nhất định sẽ vượt qua bất cứ thử thách nào”.
Tôi rất tâm đắc với những dòng này, và tôi nghĩ đó cũng là câu trả lời khái quát nhất cho câu hỏi của bạn.
Theo VNN