Việt Nam Thời Báo

Ước nguyện cuối năm của người nghèo

Ngọc An

 

(VNTB) – Nếu không nhuần thì thời điểm này chộn rộn đón Tết lắm rồi. Dù “thời tiết chính trị” có sao đi nữa, với người dân, xuân về luôn kèm những câu ước nguyện Quốc thái – Dân an.
Anh chị em công nhân thì mong được tiền thưởng kha khá để xoay sở cho những ngày gần Tết. Người buôn bán thì hy vọng “mấy ông quản lý nới tay” đừng dựng bảng, đào đường, chỉnh trang.. để người dân có thể yên ổn kiếm tiền đón Tết.

Dừng chân ở ngôi chợ quê có tên Bưng Cầu của tỉnh Bình Dương. Ngày thường thì 1, 2 giờ khuya người dân đã họp chợ dọn hàng ra và bày bán. Còn chộn rộn tuần lễ trước Tết là người ta thức nguyên đêm ngoài chợ để bán, ăn ngủ tại đây luôn suốt 24 tiếng.

Những ngày này, người đi chợ vừa dạo coi hàng Tết, vừa trả giá hết chỗ này tới chỗ kia mà không bị người bán càm ràm. Người đi chợ huyên thuyên với người bán, mặc dù đồ đã lựa và bỏ hết vào bịch rồi nhưng giá trả không vừa ý là “quăng lại”. Người bán cũng chả thèm giận mà còn hẹn nhớ tới lần sau.

Người bán thì cứ bày hết hàng ra ngoài, có lấn ra đường cũng được “du di ba ngày Tết”. Người mua thì cứ để xe tại chỗ mà lấy hàng. Nếu không thì có thể để vô bãi xe sẽ có người mang đồ tới treo tận xe mà không lộn một ai, không mất một món hàng nào. Bởi buôn bán lâu với nhau, người ta đã quen ý quen tánh, chẳng ai tham lam đồ của ai.

Xong đợt bán khuya với bạn hàng thì người ta bắt đầu bán lẻ cho khách mua đồ ăn, đồ dùng hằng ngày hay đồ cúng kiến gì đó. Khi trời sáng ra mới là lúc… lộn xộn nhất. Lý do: có sự xuất hiện của những nhân vật “khó ưa” – những người làm công tác an ninh trật tự chợ. Nói “khó ưa” chứ ngày nào cũng gặp, cũng quen. Mà quen riết đâm ra… thấy ghét.

Đa phần bà con bán hay bày nhiều đồ mà diện tích sạp thì không đủ nên thường để lố phần quy định. Khi “quản lý chợ” đến thì bà con hô nhau biết để tém dẹp. Người bán lật đật khiêng hàng, người mua cũng góp tay gom phụ. Ai đương mua chưa trả tiền cũng vội vã đưa tiền rồi chạy đi vì sợ đứng lớ quớ một hồi bị… gom xe luôn.

Có những món hàng bị các nhân viên quản lý chợ quăng thô bạo lên xe sau khi hung hăng giật hàng của người bán. Người nghèo dễ tủi thân phận, họ nhẫn nhịn vừa lượm lại hàng rơi vãi dưới đường, vừa rơi nước mắt. Ai cũng biết mình vi phạm là lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên nếu đối xử nhau bằng chút tình người, bằng san sẻ cảm thông tình cảnh nghèo khó…, chắc hẳn sẽ giúp bạn hàng… đỡ thiệt hại đồ bán bị hư hại khi “quăng” như vậy hơn.

Ở chợ quê mùa bán Tết, còn có những công nhân tranh thủ lúc nghỉ ra chợ bán kiếm thêm. Họ vào nhà vườn mua lại hàng bông rồi ra chợ tìm bất kỳ khoảng trống nhỏ nhoi nào đó để bày bán, chạy chỗ này, chạy chỗ kia mà bán. Được cái bà con cũng ủng hộ nên tan buổi chợ họ cũng bán hết.

Lân la trong chợ mấy ngày này sẽ nghe được nhiều ước nguyện. Có người trồng được vườn bông thọ nho nhỏ tranh thủ bán để mong hăm chín hoặc ba mươi mua ít khổ qua về hầm cúng ông bà, mua ít trái cây về chưng trong nhà. Có người thì chồng thiếu nợ cờ bạc quá nên ráng bán ít rau để Tết có đồng ra đồng vô, rồi mua ít mứt bánh để trong nhà cho có.

Cô Tư nhà ở Bến Chành cũng bán dạo tại chợ được cả năm nay. Cô kể: “Ông chồng tui ổng cuốc đất trồng mấy cái này, còn tui đi bán, mà nhờ Tết nên khá hơn ngày thường. Thấy cực mà nó vui. Hai vợ chồng tui già tự làm được cũng khỏi có con nhờ cái”. Nói xong cô cười hè hè.

Tết của người giàu thì khác, họ chỉ cần mua mà không phải lo tiền bạc, thiếu món này món kia. Còn người buôn bán kiếm tiền ít ỏi phải suy nghĩ xem cái nào cần nhất mới mua, mà mua những ngày cuối cùng. Nhưng đó lại là niềm vui lớn lao của họ. Họ không lấy buồn phiền. Chỉ cần bán được là họ đã mừng rồi. Và những ngôi chợ miệt quê như Bưng Cầu cứ như thế mà chứa đựng cho hết mảnh đời này đến mảnh đời khác một cách lặng lẽ trong cuộc mưu sinh.

Ngày Tết vì thế mà dường như vui thêm.

Tin bài liên quan:

Có một ngôi chùa là cô nhi viện…

Phan Thanh Hung

Điều 258, Bộ Luật Hình sự: “Thịt da này dành cho thù hận…”

Phan Thanh Hung

Chiếu dưới, chiếu trên và lợi ích nhóm giáo dục

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.