Vừa qua, trên báo Thông Luận và mạng Anh Ba Sàm có đăng một loạt 9 bài bình luận ‘’Việt Nam có thể tiến hành cải cách chính trị hay không ?’’, người viết là Nguyễn Thị Từ Huy hiện đang sống làm công việc nghiên cứu thêm ở Pháp.
Cô Từ Huy là một nhà nghiên cứu trẻ, 44 tuổi, từng giảng dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội, sang Pháp theo học bổng Nhà nước, tốt nghiệp TS Văn chương tại Đại học Pháp năm 2008 , với thứ hạng ‘’tối ưu’’.
Năm 2014, cuốn tiểu thuyết chính trị ‘’ Gửi người yêu và tin ‘’ của Từ Huy do báo ‘’ Người Việt’’ ở California / Hoa Kỳ xuất bản gây tiếng vang trong giới thông tin trong và ngoài nước.
Bản luận văn tốt nghiệp ‘’ Alain Robbe – Sự thật và diễn giải ‘’
và cuốn sách ‘’ Nietzsche và Triết học ‘’ do Từ Huy chuyển từ tiếng Pháp sang tiếng Việt được giới nghiên cứu đánh giá cao.
Thật là cô gái tuổi trẻ tài cao, rất hiếm, rất quý vậy. Tôi rất mừng khi Từ Huy tham gia công cuộc dân chủ hóa qua những bài nghiên cứu sâu sắc già dặn trên các mạng tự do.
Hơn một tháng nay Từ Huy có một loạt bài nhan đề ’’ VN có thể tiến hành cải cách chính trị hay không ?’’. Đây là một loạt luận văn đề cập đến một vấn đề then chốt hiện nay.
Từ Huy cho rằng muốn cải cách về chính trị cần thật tâm chống tham nhũng mạnh mẽ, cần Thoát Trung để xây dựng nội lực dân tộc về chính trị và kinh tế, đảng CS cần từ bỏ thói tự kiêu tự mãn, mất cảnh giác với nguy cơ bành trướng, xa rời nhân dân, thiếu công khai minh bạch, sáp lại gần các nước dân chủ văn minh giàu mạnh hiện đại để xây dựng xã hội dân chủ, bình đẳng, phát triển, phồn vinh.
Những đoạn văn lý thú gợi suy nghĩ là khi Từ Huy đặt ra một loạt vấn đề như : – có hay không có hai phe thân Trung quốc và Thân Hoa Kỳ ? – có hay không phe đảng và phe chính phủ ?
– Có phe tham nhũng và phe chống tham nhũng ? hay chỉ có các nhóm lợi ích ? – nội dung cải cách chính trị là gì ? là tam quyền phân lập, nền tư pháp độc lập hay có gì nữa ?
– phải chăng cuộc cải cách trước đây từ năm 1986 ( cân bằng quan hệ với phương Tây và Trung Quốc, quan hệ thân với Singapor, Đại Hàn, Nhật Bản) đã bị chững lại sau sự kiện Thành Đô tháng 9 / 1990 ?
– do đổi mới chững lại mà đã có những vụ đàn áp thô bạo ( đối với Nhã Thuyên, Đỗ Hùng, Nguyễn Đăng Trừng, và xuất hiện nhân vật quái dị Trần Nhật Quang với kiểu đấu tố thô bỉ trong Cải cách ruộng đất xưa ).
Cuối cùng Từ Huy thận trọng không đưa ra kết luận rõ ràng. Cô cho rằng tình hình chưa sáng tỏ, cần theo dõi thêm các sự kiện sắp tới, sau khi dàn lãnh đạo mới của đảng và chính phủ nhận việc, việc chống tham nhũng ra sao, thái độ với Trung Quốc ra sao, thái độ với Hoa Kỳ ra sao ? tình hình kinh tế, xã hội ?
Dù còn hoài nghi và chờ đợi, Từ Huy vẫn có ít nhiều hy vọng khi hồi hộp đưa ra vài hiện tượng đáng khích lệ, đó là:
Ý muốn tham khảo kinh nghiệm của Hoa Kỳ cho cải cách giáo dục và loạt học bổng Fulbright- Harvard,
Tham khảo cựu Thủ tướng Anh Tony Blair về kinh tế, – Tập trận hải quân VN với Nhật Bản,
Mua sắm nhiều vũ khí hiện đại,
Yêu cầu Hoa Ký bán vũ khí sát thương không hạn chế, – Chuyến thăm của TT B. Obama tháng 5,
Sự kiện VN vào Tổ chức lớn TPP.
Đây là thời cơ quan trọng rất hiếm đang ở trong tầm tay.
Tuy nhiên Từ Huy còn lo ngại là mô hình chính trị hiện nay bị cột chặt vào ý thức hệ cũ đồng loại với Trung quốc, do một đảng CS duy nhất cầm quyền, nên cuộc đổi mới chính trị đòi hỏi một tư duy mới mẻ, hiện đại, gắn với dân tộc và Tổ quốc, từ bỏ hẳn quá khứ giáo điều sai lầm, cần dũng khí và trí tuệ minh mẫn. Ý thức hệ cũ lỗi thời là sợi dây trói chặt đảng CS vào dĩ vãng tệ hại mà chưa có dấu hiệu cởi trói nào đáng mừng.
Tôi rất tâm đắc, tán đồng với các nhận định phân tích của cô Từ Huy, xúc tích, lý thú vì có vận dụng tâm lý học và triết học.
Tuy nhiên Từ Huy chưa cho biết khái niệm ‘’cải cách chính trị ‘’ theo cô quan niệm cụ thể, đầy đủ ra sao. Có cải cách mang tính chất cơ bản, thay hẳn mô hình chính trị cũ, thay tận gốc hệ thống cai trị, cầm quyền, và khi chưa đạt thì nên đấu tranh giành từng bướ ccải cách nhỏ ra sao, với những biện pháp nào? Đây là vấn đề thời sự nóng hổi.
Tôi chỉ góp một ý kiến nhỏ. Đó là tuy chưa có đủ điều kiện để thoát Mác Lê, thoát Trung, thoát nền chuyên chính độc đảng, nhân dân ta hãy phấn đấu bền bỉ dẻo dai giành từng bước tiến nhỏ, cộng lại thành bước tiến lớn, mà yếu tố quyết định là sự bừng tỉnh của một bộ phận nhân dân ngày càng lớn dám đấu tranh ôn hòa nhưng quyết liệt, như nhân dân Ấn độ thời Gangdhi, như dân Nam Phi thời Nelson Mendela, như dân Tunisia mới đây, và như dân Miến điện, dân Hông koong và dân Nam Hàn hiện nay, súc mạnh của quần chúng xuống đường với khí thế cao có hiệu quả là bằng chứng hiển nhiên.
Các bước nhỏ hiện nay là đòi sớm thông qua Luật Biểu tình, Luật lập Hội, bỏ xung Luật Báo chí, bớt bắt bớ giam cầm người yêu nước yêu dân chủ, đòi anh Nguyễn Hữu Vinh – Ba Sàm và chị Minh Thúy phải được tư do, cô Bùi Minh Hằng ốm nặng trong trại giam phải được chăm sóc y tế, giáo ngành Công an không được đánh đập xỉ vả dùng bạo lực tra tấn và làm chết người trong nhà giam. Đòi xử công khai các vụ tham nhũng lớn nhỏ. Mở rộng dần không gian cho các tổ chức xã hội dân sự.
Trước mắt cuộc bàu cử Quốc hội phải có tính chất dân chủ, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Các đại biểu được phát biểu tự do chất vấn chính phủ, ngân sách tài chính phải minh bạch, việc nghe dân bị oan, trả lời các đơn từ, tiếp dân phải lịch sự lễ pháp. Xây dựng dần nếp sống văn minh giữa đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Cám ơn cô Từ Huy cho tôi cho tôi dịp phát biểu đôi chút về thời sự đất nước, và mong bạn đọc tìm đọc 9 bài báo của Từ Huy ‘’ Việt Nam có thể tiến hành cải cách chính trị được không? ‘’.
Theo Bùi Tín (blog VOA)