Việt Nam Thời Báo

Vắt kiệt sức dân

Loạt phóng sự “Gánh nặng quê nghèo” của nhóm PV báo NNVN Thiện Nhân – Hoàng Anh vừa được đăng trên báo NNVN, đã khiến dư luận bàng hoàng trước những chiêu trò “vắt kiệt sức dân” của lãnh đạo một vùng quê nghèo. 


Vắt kiệt sức dân
Theo anh Nguyễn Sỹ Lộc, thôn Tây Bắc, người dân lo ngại nhiều mặt nên đành nuốt ức, ôm nghẹn mà nộp cho xong.

Dân mà bị vắt kiệt, không còn sức nữa, thì đương nhiên sức nước cũng bị hao tổn./ Sức tàn lực kiệt.

Loạt phóng sự “Gánh nặng quê nghèo” của nhóm PV báo NNVN Thiện Nhân – Hoàng Anh vừa được đăng trên báo NNVN, đã khiến dư luận bàng hoàng trước những chiêu trò “vắt kiệt sức dân” của lãnh đạo một vùng quê nghèo. 

Đối tượng điều tra của nhóm PV trên là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Bằng cách điều tra rất tỷ mỷ, thâm nhập sâu, họ đã phát hiện ra, rằng từ cả chục năm nay, những người nông dân nghèo ở một huyện nghèo này đã phải gò lưng “cõng” rất nhiều khoản phí, khoản thu cực kỳ vô lý.

 Đầu tiên là khoản tiền đóng theo hạng đất. Mặc dù nông dân trên cả nước đã được miễn thuế nông nghiệp từ lâu. Nhưng tại nhiều xã của huyện Can Lộc, người sử dụng đất nông nghiệp vẫn bị thu theo từng hạng đất: Hạng 3 thu 15 kg thóc/sào, hạng 4 thu 13,5 kg thóc/sào, đất hạng 5 và khó giao thu 11 kg thóc/sào. 

Đó đích thực là thuế nông nghiệp chứ còn gì nữa. Đó là khoản thu lớn nhất, là nỗi khiếp đảm của người dân sau mỗi vụ gặt, không hiểu sao hàng chục năm nay nó vẫn tồn tại.

 Ngoài khoản thu trên, mỗi khẩu làm ruộng từ mới đẻ đến 60 tuổi còn phải gánh hàng chục loại quỹ, loại phí sau mỗi vụ gặt, do 3 cơ quan thu là xã, thôn và HTXNN. 

Kỳ quặc nhất là khoản thu mới đây do UBND một số xã của huyện Can Lộc đặt ra, đó là “Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất”, một loại quỹ mà đến trưởng thôn là người trực tiếp đi thu, cũng không giải thích nổi với dân đó là loại quỹ gì.

 Càng kỳ lạ hơn nữa là khi đặt ra loại quỹ này, UBND xã không có tờ trình với HĐND xã. Đặc biệt, rất nhiều hộ dân không có đất nông nghiệp nhưng vẫn phải nộp đủ các loại quỹ và phí, không thiếu khoản nào. Cứ sau mỗi vụ gặt, xã lại mở chiến dịch “tận thu”, những chiến dịch ấy thường chỉ kéo dài trong 3 ngày. 

Nhóm phóng viên đã cùng với các cán bộ một xã làm một con tính về thu nhập của một gia đình thuần nông có 7,5 sào ruộng (có lập biên bản). Kết quả cho thấy tổng chi phí cho 7,5 sào ruộng đó từ khi cày ruộng cho đến khi thóc về nhà hết 8,4 triệu đồng. Bán thóc đi, số tiền cũng chỉ được chừng đó.

 Thế mà tổng các loại quỹ và phí đóng cho xã vẫn hết trên 2 triệu đồng, chưa kể các loại quỹ và phí đóng cho thôn và cho HTXNN. Tức là sau mỗi vụ, hộ nông dân đó không những không có thóc ăn, mà còn “âm” số tiền đóng góp.

 Kết quả là ở những xã đó, sức dân bị vắt kiệt, có người thậm chí chỉ nợ 14 ngàn đồng trong một khoản đóng cho thôn cũng không sao trả nổi. Người dân bỏ ruộng, dắt díu cả nhà vào Nam, đi Tây Nguyên làm thuê khá nhiều.

 Sử ghi, khi rà soát lại danh sách các quan chức đương nhiệm của triều đình, vua Trần Nhân Tông đã cau mặt, thốt lên “Một đất nước nhỏ tý, mà nhiều quan đến thế, thì dân sống làm sao”.

 Trước khi mất, Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã căn dặn vua Trần “Hãy khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Khoan thư sức dân, nghĩa là bớt sưu cao thuế nặng, bớt những khoản đóng góp của dân, để dân được nhàn hạ và có tích lũy. Sức nước nằm ở sức dân.

 Dân mà bị vắt kiệt, không còn sức nữa, thì đương nhiên sức nước cũng bị hao tổn.

Theo Vũ Hữu Sự (Nông Nghiệp)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo