Việt Nam Thời Báo

Việt Nam lại phá giá tiền đồng để kích thích tăng trưởng

Lần thứ hai trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa phá giá tiền đồng trong nỗ lực bảo vệ sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
media
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Hà Nội.

Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng từ ngày 07/05/2015, sẽ là 21.673 đồng, thay vì mức 21.458 đồng một đôla trước đó. Biên độ tỷ giá hiện vẫn duy trì ở mức 1%, tức các ngân hàng chỉ được phép mua vào – bán ra cao hơn hoặc thấp hơn không quá 1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Vào ngày 07/01/2015, tiền đồng Việt Nam đã được phá giá 1%. Như vậy là từ đầu năm đến nay, tiền đồng Việt Nam đã được phá giá tổng cộng 2%.

Theo thông cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc điều chỉnh tỷ giá lần này là nhằm « đối phó với những tác động bất lợi của thị trường thế giới và ổn định thị trường ngoại tệ », cũng như nhằm giúp Việt Nam « thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội ».
Quyết định phá giá nói trên được đưa ra vào lúc mức tăng xuất khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu 2015 là thấp nhất kể từ năm 2010. Trong năm nay, giá trị tiền đồng Việt Nam chỉ giảm 1,5%, khiến các nhà xuất khẩu Việt Nam gặp bất lợi tương đối so với các nhà xuất khẩu từ những nước khác như Indonesia hay Malaysia, những nước có đơn vị tiền tệ sụt giảm đến 5,3% và 2,6%.
Chính phủ Hà Nội đã đề ra mục tiêu tăng 10% kim ngạch xuất khẩu trong năm nay để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2%, so với mức 5,98% của năm 2014. Mức lạm phát ở Việt Nam hiện cũng còn rất thấp, cụ thể là trong 4 tháng đầu năm 2015 vẫn dưới mức 1%.
Hãng tin Bloomberg News trích lời ông Dariuz Kowalczyk, kinh tế gia cao cấp tại Hồng Kông của ngân hàng Credit Agricole CIB, nhận định rằng duy trì sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu là điều rất quan trọng đối với Việt Nam. Kinh tế gia này cho rằng tác động của việc phá giá tiền đồng lần này sẽ không lớn, vì chỉ có 1%. Nhưng biện pháp này sẽ giúp các nhà xuất khẩu và sẽ hỗ trợ cho vị thế của Việt Nam trên thế giới, cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Về phần ông Paul Mackel, nhà phân tích thuộc ngân hàng HSBC của Hồng Kông, thì nhận xét là quyết định phá giá lần này được đưa ra sớm hơn dự kiến. Paul Mackel không chờ đợi là Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá thêm trong năm 2015. Đối với ông Alan Pham, kinh tế gia của quỹ đầu tư VinaCapital Group, đây là thời điểm rất tốt để phá giá tiền đồng, vì đơn vị tiền tệ Việt Nam đã chịu áp lực từ nhiều tuần qua, thậm chí từ nhiều tháng qua.
Biện pháp phá giá không chỉ hỗ trợ xuất khẩu, mà còn nhằm giúp giảm bớt nhập khẩu, và qua đó giảm bớt mức thâm thủng mậu dịch của Việt Nam, mà trong bốn tháng đầu năm nay đã lên tới 3 tỷ đôla, cao hơn so với mức 2 tỷ đôla cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình vào tháng 12/2014 đã báo trước là trong năm 2015 ngân hàng này sẽ không phá giá tiền đồng quá 2%, trong khi các đơn vị tiền tệ khác trong khu vực giảm đến 4-5%. Cho nên câu hỏi được đặt ra là, sau việc phá giá lần này, liệu tiền đồng Việt Nam có sẽ tiếp tục chịu áp lực nữa hay không, trong bối cảnh mà hàng xuất khẩu Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt như vậy ?
Theo RFI

Tin bài liên quan:

VNTB – Quyền tự do công đoàn ở Việt Nam sẽ ra sao?

Phan Thanh Hung

VNTB – Ông Nguyễn Văn Bình và công tác nhân sự Đại hội Đảng XIII

Phan Thanh Hung

VNTB – Đầu năm 2024 Việt Nam sẽ có thay đổi nhân sự cấp cao

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo