Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt gây leo thang căng thẳng, sau khi nước này thông báo khôi phục du lịch ở Hoàng Sa và tiếp nhận tàu bệnh viện tại Trường Sa.
“Như đã nhiều lần khẳng định, mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nếu không có sự cho phép của Việt Nam, là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và không có giá trị pháp lý”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho hay trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay.
Trước đó, hôm 1/12, Sở Giao thông tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, thông báo nối lại các chuyến tàu du lịch ra quần đảo Hoàng Sa mà nước này chiếm đóng trái phép, sau 11 tháng ngừng hoạt động do đại dịch Covid-19. Hai tàu du lịch là Nam Hải Dream và Trường Lạc Công chúa dự kiến hoạt động lại từ ngày 9 và 10/12. Tour du lịch kéo dài 4 ngày 3 đêm, khởi hành từ thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, đến đảo Ba Ba thuộc Hoàng Sa.
Quân đội Trung Quốc hôm 30/11 triển khai tàu bệnh viện Nanyi 13 mới chế tạo đến đá Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Con tàu có 100 giường bệnh dự kiến đóng vai trò là đơn vị y tế cơ động tại Trường Sa “trong nhiệm vụ hỗ trợ quân sự và dân sự, hỗ trợ nhân đạo và cứu hộ khẩn cấp”, theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hủy bỏ và chấm dứt tổ chức các chuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cũng như các hành động có thể gia tăng căng thẳng và làm phức tạp tình hình, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, cũng như nỗ lực của các nước trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và quan hệ của hai nước”, bà nói.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa.
Chữ Thập là một trong 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1988 và bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo và xây dựng các công trình quân sự hóa.
Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Trung Quốc dừng các hành động trái phép, làm phức tạp thêm tình hình, đe dọa hòa bình và ổn định tại Biển Đông.
Theo VnExpress