VNTB – Xin dừng làm ác!

VNTB – Xin dừng làm ác!

Nguyễn Thị Kim Chi

 

(VNTB) – Với tôi, bất kỳ người con nào của dân tộc Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của TỔ QUỐC đều cần được tri ân và lịch sử ghi nhớ.

 

Từ khi biết dùng Internet, tôi mới biết 19/1 năm1974 có những người chiến sĩ hải quân của Việt Nam Cộng hòa đã ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa. Nhờ có sự hy sinh anh dũng ấy mà chúng ta khẳng định rõ Hoàng Sa là của Việt Nam, bị Trung cộng cướp vào ngày 19/1/1974! Sự hy sinh lớn lao ấy đáng được đưa vào lịch sử giữ nước và xứng đáng hằng năm mọi người thắp lên nén hương để tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã sẵn sàng hi sinh để giữ gìn lãnh thổ của TÔ QUỐC.

Đúng ra gia đình của những người chiến sĩ dũng cảm ấy phải được nhà nước quan tâm chăm sóc để bày tỏ lòng biết ơn những người đã vì nước quên thân.

Ấy vậy mà những người có chức, có quyền lại ngăn cấm việc làm đầy nghĩa tình đó. Tôi vẫn chưa quên 19/1 năm 2017, khi chúng tôi tới bến Bạch Đằng dâng hoa lên tượng đài Trần Hưng Đạo để làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hoà thì liền bị công an tới xốc nách tôi cùng hai nhà thơ Hoàng Hưng, Phan Đắc Lữ tống lên xe buýt đưa về đồn CA Bình Tân.

Vì lẽ gì mà người ta cấm đoán chúng tôi tưởng nhớ những người có công với đất nước? Chẳng phải tất cả chúng ta đều ước mong một sự hòa hợp dân tộc để cùng xây dựng, kiến tạo đất nước đẹp giàu,văn minh? Tại sao cho đến giờ phút này những người lãnh đạo không chịu hiểu rằng bằng mọi cách chúng ta phải xóa đi tất cả hận thù của cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn để kiến tạo một đất nước VIỆT NAM phồn vinh, Hạnh phúc.

Tôi nhớ năm 2017 Khi tôi với kỹ sư Trần Bang và kỹ sư Bùi Nghệ tới thăm vợ của sĩ quan Nguỵ Văn Thà, người chỉ huy đã anh dũng hi sinh bảo vệ Hoàng Sa, khi tiếp chúng tôi tới thăm, chị tỏ ra rất lo sợ sự rình rập của công an. Chúng tôi phải nói với chị ấy rằng: chị không việc gì phải sợ cả. Chị phải tự hào về chồng của mình chứ.

Chị ấy trả lời rằng: người ta không muốn cho tôi tiếp xúc với anh chị em tới thăm. Tôi không muốn khi các anh chị về, họ làm khó dễ cho gia đình tôi. Nhìn nét mặt đau buồn của chị mà lòng tôi thắt lại. Tại sao người ta, những kẻ có chức quyền cấm đoán việc an ủi, động viên và sẽ chia với người goá phụ đã mất chồng để bảo vệ lãnh thổ Việt Nam? Hành động đó là vì lẽ gì? Tôi thật sự không hiểu và cảm thấy vô cùng bức xúc.

Với tôi, bất kỳ người con nào của dân tộc Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của TỔ QUỐC đều cần được tri ân và lịch sử ghi nhớ.

Sài Gòn,18/1/2022

*****

[ads_color_box color_background=”#eeeeee” color_text=”#444″]

Hải chiến Hoàng Sa 1974

Ngày 16 Tháng Giêng, 1974, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt sau khi đưa một phái đoàn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thăm dò một số đảo Hoàng Sa phát hiện hai chiến hạm số 402 và số 407 của hải quân Trung Quốc gần Cam Tuyền, và phát hiện quân Trung Quốc chiếm đóng hoặc cắm cờ Trung Quốc tại các đảo Quang Hòa, Duy Mộng, Vĩnh Lạc.

Sau khi cấp báo về bộ tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải tại Ðà Nẵng, HQ-16 dùng quang hiệu yêu cầu các chiến hạm Trung Quốc rời lãnh hải Việt Nam. Các chiến hạm Trung Quốc không rời vùng, và cũng dùng quang hiệu yêu cầu phía Việt Nam Cộng Hòa rời lãnh hải Trung Quốc.

Ngày 17 Tháng Giêng, 1974, khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) đến Hoàng Sa đổ bộ một toán biệt hải và một đội hải kích xuống Cam Tuyền để nhổ cờ Trung Quốc. Sau đó các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa rút trở lên tàu. Cùng trong ngày Liệp Tiềm Ðĩnh Số 274 và Liệp Tiềm Ðĩnh Số 271 của Trung Quốc xuất hiện. 

Ngày 18 Tháng Giêng, 1974, Ðề Ðốc Lâm Ngươn Tánh, tư lệnh phó hải quân Việt Nam Cộng Hòa bay ra bộ tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải tại Ðà Nẵng để trực tiếp chỉ huy trận đánh. Ông ban hành lệnh hành quân Hoàng Sa 1 nhằm chiếm lại các đảo Cam Tuyền, Quang Hòa, Duy Mộng, Vĩnh Lạc. 

Lực lượng hành quân Hoàng Sa 1 được tăng cường thêm tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) làm soái hạm cho cuộc hành quân, và hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10). Do hải hành lâu ngày chưa kịp tu bổ, HQ-10 tham chiến với một máy bất khiển dụng, chỉ còn một máy hoạt động.

Ngày 19 Tháng Giêng, 1974, biệt hải và hải kích Việt Nam Cộng Hòa từ HQ-5 đổ quân lên mặt Nam đảo Quang Hòa và hải quân Trung Quốc đổ quân xuống mặt Bắc đảo. Hai bên giao tranh và phía Việt Nam Cộng Hòa có 3 chết và 2 bị thương. Do quân Trung Quốc quá đông, quân Việt Nam Cộng Hòa rút trở lên HQ-5. 

Ngay sau đó chiến hạm hai bên triển khai đội hình gần đảo Quang Hòa và chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa khai hỏa trước. Hai bên chạm súng từ 30 đến 45 phút, cùng thời điểm đó bộ tư lệnh hải quân Việt Nam Cộng Hòa nhận được thông báo của văn phòng tùy viên quân sự Hoa Kỳ (DAO) tại Sài Gòn, cho biết radar đệ thất hạm đội ghi nhận một số phóng lôi hạm (guided missile frigate) và chiến đấu cơ MIG từ Hải Nam đang tiến về phía Hoàng Sa. 

Bộ tư lệnh hải quân Việt Nam Cộng Hòa sau đó yêu cầu đệ thất hạm đội trợ giúp, nhưng không thành công.

Theo tài liệu của Việt Nam Cộng Hòa thì phía Trung Cộng Liệp Tiềm Ðĩnh 274 trúng đạn, tay lái bất khiển dụng phải ủi vào bãi san hô để thủy thủ đoàn đào thoát, Liệp Tiềm Ðĩnh 271 và 389 bị chìm tại trận. Liệp Tiềm Ðĩnh 389 và 391 bị hư hại nặng. 

Phía Việt Nam Cộng Hòa chiến hạm HQ-10 trúng đạn vào pháo tháp bị chìm tại trận, chiến hạm HQ-16 bị hư hại nặng nghiêng 15 độ, chiến hạm HQ-5 và HQ-4 bị hư nhẹ. Gần 50 thủy thủ và hạm trưởng Ngụy Văn Thà của HQ-10 tử vong. Ngoài ra HQ-5 có 3 quân nhân tử vong và 16 bị thương. 

Hai ngày sau trận hải chiến, ngày 20 Tháng Giêng, tàu chở dầu Hòa Lan “Kopionella” vớt được 23 người thuộc thủy thủ đoàn của chiến hạm HQ-10 đang trôi dạt trên biển. 

Ðến mười ngày sau, ngày 29 Tháng Giêng, ngư dân Việt Nam vớt được một toán quân nhân Việt Nam Cộng Hòa gần Mũi Yến (Qui Nhơn), gồm 1 sĩ quan, 2 hạ sĩ quan và 12 quân nhân thuộc lực lượng đổ bộ lên Quang Hòa, đã dùng bè vượt thoát đảo sau trận hải chiến.

Trung Quốc bắt giữ 48 tù binh, trong đó có một người Mỹ. Số tù binh đó sau này được trao trả tại Hồng Kông qua Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế.

Sau trận chiến, Việt Nam Cộng Hòa đã ra nhiều tuyên bố cũng như trưng ra các chứng cớ lịch sử về chủ quyền của mình và đã được chính phủ Cộng Hòa Pháp ủng hộ vì trước đây theo hòa ước Pháp-Thanh thì người Pháp đã thực hiện chủ quyền ở quần đảo này. 

Tuy nhiên, Trung Quốc đã cho đập phá các bia chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, đào các mộ của người Việt đã chôn ở đây, xóa các di tích lịch sử của người Việt để áp đặt chủ quyền của họ trên quần đảo này.

[/ads_color_box]


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (2)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 2 years

    Hoàng Sa là của Việt Nam, bị Trung cộng cướp vào ngày 19/1/1974

    Miền Nam là của Việt Nam, bị Việt cộng cướp vào ngày 30/4/1975

  • comment-avatar
    Giang 2 years

    Dễ hiểu thôi, thưa cô Kim Chi vì bọn họ là Trung cộng!