Việt Nam Thời Báo

Việt Nam Thời Báo tham dự khóa huấn luyện về bình đẳng giới của tờ Prachat Thái

Tôn Phi
Tường trình từ thủ đô Băng-cốc
Images intégrées 1

(VNTB) –Đất nước Thái, nổi tiếng về công nghiệp phẫu thuật chuyển giới, đang gặp những vấn đề về giới tính. Tỉ lệ người chuyển giới và đồng tính, lẫn lộn giới tính ngày càng nhiều. Nước Thái cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp bạo hành đối với phụ nữ trong gia đình ở một số nơi. Vì vậy, những học giả xã hội học Thái đã  rung lên hồi chuông báo động và đề xuất những phương án cải thiện tình hình, họ huy động sức mạnh truyền thông để phòng ngừa những hiểm họa đối với xã hội. Tờ Prachatai Thái phối hợp với Qũy phát triển truyền thông cho giáo dục cộng đồng (FCEM) tổ chức buổi huấn luyện và tọa đàm về đề tài này.
Đợt huấn luyện diễn ra tại khách sạn Grand Sukhumvit Hotel, Băng-côc, bắt đầu từ ngày 01/12/2014 và bế mạc vào lúc 03/12/2014.
Diễn giả chính trong đợt huấn luyện, tiến sĩ Varaporn Chamsanit là  thành viên cao cấp   của mạng lưới hoạt động vì sức khỏe phụ nữ Women’s Health  Advocacy Network (WHAN), đại diện Văn phòng Ủy ban Quốc gia Thái Lan  về các vấn đề của nữ giới; bà giữ quyền giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu nhân quyền học và phát triển xã hội tại Đại học Mahidol .  
Đồng diễn giả, tiến sĩ Chanettee Tinnam, phó trưởng ban Kế hoạch và Phát triển, Khoa Nghệ thuật Truyền thông của Đại học Kasem Bundit cũng là học giả nổi tiếng trong giới hoạt động vì nữ quyền ở Băng-côc.
Khách mời dự thính trong đợt huấn luyện là những phóng viên đến từ những tổ chức hoạt động xã hội đến từ ba nước Thái Lan, Lào và Mi-an-ma và Cam-pu-chia. Việt Nam có hai khách mời là phóng viên của Việt Nam Thời Báo và phóng viên của Voice.

Những vấn đề về giới tính trong xã hội Thái Lan
Tọa đàm tập trung vào các vấn đề về giới tính trong xã hội Thái và những bất bình quyền mà người phụ nữ Thái gặp phải, cho dù nước Thái được đánh giá là có nền dân chủ đang được hình thành và phát triển.
Bà Varaporn Chamsanit nêu lên tình trạng đáng lo ngại ở đất nước Thái. Đó là tỷ lệ trẻ vị thành niên quan hệ tình dục quá sớm tăng cao trong những năm gần đây, nhất là quan hệ đồng tính, đồng thời với việc thiếu niên Thái chuyển giới quá nhiều dẫn đến những xáo trộn xã hội. Điều đáng lo ngại nhất mà bà đề cập là việc trẻ vị thành niên ở Thái mang thai rất nhiều trong khi họ chưa được trang bị những kiến thức tối thiểu về sức khỏe sinh sản. Nữ tiến sĩ này nhấn mạnh nguy cơ dân số Thái Lan trong tương lai sẽ gặp khủng hoảng nếu những vấn nạn này bùng phát ở quy mô lớn.
Chanettee Tinnam đã dũng cảm kể chuyện của mình. Không ấp úng, không rụt rè, bà đã nói về việc chính mình do thiếu hiểu biết về tình dục và sinh sản nên đã gặp nguy hiểm như thế nào. Bà nói  rằng nhiều thiếu nữ Thái Lan cũng gặp điều tương tự vì không được phụ huynh cũng như trường học giáo dục kỹ về giới tính.
Nhà báo Dara kể về chuyện chuyển tính do môi trường xã hội ở Cam-pu-chia, những trường hợp chưa có trong lịch sử chính thức của đất nước này, rằng đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn số trường hợp đồng tính luyến ái một cách bất thường. Ông đặt câu hỏi rằng có phải tâm lý ảnh hưởng đến giới tính khi nhắc tới chuyện một nam ngôi sao điện ảnh ở Cam-pu-chia do hay bị “khen” là con gái xinh đẹp nên đã tiết ra nhiều hooc-môn giới tính nữ và có xu hướng biến thành phụ nữ ở độ tuổi trưởng thành.
Trong buổi tập huấn, tiến sĩ  Varaporn Chamsanit đã nêu và giải thích các khái niệm khá mới mẻ trong xã hội Á Đông mà đáng lẽ ra phải được phổ cập trong giáo dục đại trà ở trường học: Hetero Sexual, Homosexual, Bisexual, Queer, Asexual…
Các khách mời của đợt huấn luyện còn thảo luận về việc giáo dục giới tính không đúng phương pháp ở Thái Lan cũng như ở Việt Nam. Phóng viên của Việt Nam Thời Báo nêu lên thực trạng “vẽ đường cho hươu chạy” ở Việt Nam. Trong khi các nước tiến bộ nói cho trẻ vị thành niên những tác hại của việc quan hệ tình dục quá sớm và quan hệ tình dục lạc lối, thì  người Việt Nam lại chỉ biết dạy cho trẻ cách sử dụng bao cao su và vòng tránh thai. Điều này cũng cho thấy sự thua kém về tầm nhìn giáo dục của Việt Nam so với khu vực và thế giới.

Đấu tranh cho quyền phụ nữ
Ngay cả trong những xã hội mà nam nữ bình đẳng, thậm chí phụ nữ được cưng chiều nhiều như Thái Lan thì người phụ nữ vẫn phải chịu những thiệt thòi. Phụ nữ Thái vẫn lệ thuộc vào đàn ông rất nhiều giống như các nước Đông Nam Á. Nguyên nhân chủ yếu là do thể trạng yếu, mức lương phụ nữ thấp hơn rất nhiều so với nam giới và ít nhiều những quan niệm trọng nam khinh nữ trong các tôn giáo gồm Phật giáo, Thiên Chúa giáo và nhất là Hồi giáo…
Trong mỗi buổi họp, diễn giả và khách mời trao đổi về những khác biệt trong quan điểm ở văn hóa các nước về các vấn đề xung quanh tọa đàm.
Phóng viên Ratana từ Cam-pu-chia nói về việc  trước đây nữ sinh nước này không được học đọc và học viết. Bây giờ tình trạng đó đã được cải thiện, nhưng trong cùng độ tuổi, chương trình học của nữ giới vẫn chậm hơn rất nhiều so với nam giới. Cô mong muốn một đất nước Cam-pu-chia mà ở đó phụ nữ có điều kiện học tập tốt hơn hiện tại để có cuộc sống tốt hơn.
Nhà báo Vjujur kể rằng ở Pattani, miền Nam Thái Lan có những trường học mà nam và nữ ở những khu nhà khác nhau và không được phép đi gần nhau. Đến năm lớp 7, ngôi trường nơi anh theo học có 3 lớp chỉ có  một lớp xáo trộn, 2 lớp còn lại một lớp dành riêng cho nam, một lớp dành riêng cho nữ. Chương trình học của nữ sinh nơi đây chú trọng toán học, tin học và ngoại ngữ.
Phóng viên Surinee đến từ miền Trung Thái Lan đề cập về một hình thức trừng phạt rất nặng nề của đạo Hồi ở nơi này. Nếu một phụ nữ đạo Hồi  có thai khi chưa kết hôn thì sẽ gặp nguy hiểm về tính mạng đến từ chính gia đình của cô ta, đồng thời cô ta sẽ bị đối xử kỳ thị trong cộng đồng. Surinee muốn các tổ chức hoạt động vì bình đẳng giới góp tiếng nói làm thay đổi những điều luật và những quan niệm khắt khe và thiếu nhân bản này.
Nhà báo Nattaya, đại diện của Spokedark TV Thailand, kênh truyền hình internet  có hàng triệu lượt người truy cập mỗi ngày, trao đổi bên lề với phóng viên của Việt Nam Thời Báo: Hiện nay tỷ lệ số phụ nữ Thái được đi học đại học đã đạt xấp xỉ 90%. Cô thừa nhận khó khăn trong việc  thống kê số vụ bạo hành gia đình trong xã hội Thái vì các cặp vợ chồng thường giấu diếm điều này.
Trong hai ngày tiếp theo, đợt huấn luyện sẽ tiếp tục làm việc về các vấn đề liên quan đến các cơ sở pháp luật cần thiết cho giới tính, bình đẳng giới và định hướng cho hoạt động các cơ quan truyền thông.
Ở Thái Lan, báo chí thực sự là lực lượng chính trị thứ tư trong xã hội (cho đến nay Quân đội Thái không có tờ báo nào). Trong tương lai gần, đề tài dân số và giới tính sẽ chiếm một dung lượng lớn trong cộng đồng báo chí và học thuật của nước này. Thái Lan hiện có trên dưới hai mươi tổ chức nhà nước và hàng trăm tổ chức khác phi chính phủ hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ Thái. Việc những tổ chức bảo vệ phụ nữ kêu gọi quyền bình đẳng và những quyền khác cho phụ nữ ngày càng cần sự chung tay của cơ quan truyền thông có quan điểm tiến bộ. Tờ Prachatai và Việt Nam Thời báo  hân hạnh được tiếp tục chuyển tải những thông tin về những hoạt động này trong những ngày sắp tới.

Tin bài liên quan:

VNTB- ‘Để các thành phố của ta thêm phần đáng sống’: Suy tư cùng TS. Nguyễn Thanh Giang

Phan Thanh Hung

VNTB – Công an đàn áp Meeting xã hội dân sự độc lập ở Vũng Tàu.

Phan Thanh Hung

VNTB- Mọi chuyện thay đổi quá nhanh…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo