Bluevn
Đầu năm nay, Trung Quốc quyết định đóng cửa hàng loạt nhà máy nhiệt điện chạy than trong cả nước. Nguyên nhân là do lượng khí thải từ những nhà máy này gây ô nhiễm môi trường đến mức báo động. Thế nhưng ở Việt Nam, rất nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than với quy mô hàng chục tỷ USD lại được phê duyệt rầm rộ, đặt biệt là những dự án này đa phần do Trung Quốc đầu tư. Dư luận không khỏi ngạc nhiên vì điều này, và nghi ngại rằng liệu Trung Quốc có di dời toàn bộ hệ thống nhà máy nhiệt điện và chuyển giao công nghệ mà cả thế giới không sử dụng sang cho Việt Nam dưới vỏ bọc đầu tư hay không?
Vừa qua, Trung Quốc quyết định ngưng 85 dự án điện than khắp 13 tỉnh trong cả nước, tổng cộng có 103 nhà máy. Đó là chưa kể 18 nhà máy đã được quyết định ngừng xây dựng vào cuối năm ngoái. Riêng TP. Bắc Kinh đã đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện than trong thành phố này. Không biết, sau khi đóng cửa các nhà máy này, thì thiết bị máy móc, công nghệ cũ của TQ sẽ ra sao, được xử lý như thế nào?
Khói bụi dày đặc từ các nhà máy bao trùm cả thành phố Bắc Kinh
Trong khi dư luận còn đang bàn luận, thì ở Việt Nam hàng loạt các dự án xây dựng trung tâm, nhà máy nhiệt điện lại nở rộ: Trung tâm nhiệt điện Long An (xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc tỉnh Long An, sát với TP.HCM), nhà máy nhiệt điện Quảng trạch 1 (chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với vốn gần 2 tỷ USD), nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 (sẽ được xây dựng năm 2019), BOT nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 (vốn đầu tư khoảng 2.2 tỷ USD), dự án BOT nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 (có vốn đầu tư 2.3 tỷ USD).
Chưa kể hiện nay nước ta có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện (riêng đồng bằng sông Cửu Long có 14 nhà máy – khoảng 10 nhà máy do TQ đầu tư), dự kiến đến năm 2030 cả nước sẽ có 80 nhà máy nhiệt điện than. Chúng ta đã biết nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường tạo ra sương mù, thậm chí là mưa a xít…Theo nghiên cứu của nhóm độc lập cho biết: số người chết do điện than bằng gần nửa số chết do tai nạn giao thông. Con số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở Việt Nam là 4.300 người mỗi năm.
Cả nước sắp bị nhà máy nhiệt điện than bủa vây
Thấy việc phát triển nhà máy nhiệt than phải trả cái giá quá đắt, nhiều nước trên thế giới gần như xóa sổ toàn bộ những nhà máy này. Điển hình như: ở Châu Âu 109 nhà máy nhiệt điện than đã bị đóng cửa, Mỹ 165 nhà máy nhiệt điện than đã ngưng hoạt động, 179 dự án xây mới bị hủy bỏ, thế nhưng ở Việt Nam những dự án đầu tư nhiệt điện than lại nở rộ, nghịch lý thay? Trong khi, chúng ta là nước xuất khẩu than ở mức 50 USD/tấn, nhưng vẫn phải nhập khẩu than từ TQ với giá 63 – 71 USD/tấn, để phát triển nhiệt điện. Phải chăng Việt Nam đang đi ngược lại với xu hướng của thời đại?
Hiện trong nước có rất nhiều nhà máy nhiệt điện than, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Điển hình là nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, 2, 3 tự ý thay đổi công nghệ ướt sang công nghệ khô, không xử lý xỉ than… và đặc biệt nhà máy này giống Formosa lại đặt hệ thống xả thải ngầm ra biển Trà Vinh, gây ô nhiễm toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long. Còn nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2 hủy hoại môi trường không kém, hiện các Sở ban ngành đang giám sát nhà máy này như Formosa. Lạ một điều là tất cả các nhà máy trên do TQ xây dựng, thế nhưng dường như Việt Nam không lấy đó làm bài học thực tiễn?
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 từ khi vận hành đã gây phát tán bụi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ảnh: TL.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 từ khi vận hành đã gây phát tán bụi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ảnh: TL.
Với bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, trong 63 tỉnh, thành phố thì 28 tỉnh tiếp giáp với biển. Tại sao chúng ta không tận dụng lợi thế này để xây nhà máy điện gió, sử dụng tiềm năng có sẵn và thân thiện với môi trường. Trước đó chúng ta đã thành công với mô hình này, bằng chứng là 2 nhà máy điện gió ở Bình Thuận và Bạc Liêu đã đi vào hoạt động, vì sao chúng ta không tiếp tục phát huy?
Ở tỉnh Bình Thuận dự án nhà máy điện gió Tuy Phong, tại xã Bình Thạnh – huyện Tuy Phong – tỉnh Bình Thuận do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) đầu tư. Công suất của toàn bộ nhà máy này lên đến 120 MW. Sau dự án Tuy Phong, là dự án điện gió ở đảo Phú Quý vơi tổng công suất 6 MW, góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện sinh hoạt và sản xuất cho 33.000 dân trên đảo…Nhà máy điện gió ở Bạc Liêu có tổng công suất là 99,2 MW, dự kiến mỗi năm phát lên lưới điện quốc gia khoảng 320 triệu kWh.
Với hàng loạt dự án nhà máy nhiệt điện than nở rộ, đa phần do TQ đầu tư và hỗ trợ máy móc như hiện nay, khiến dư luận nghi ngại rằng Việt Nam trở thành “bãi rác” công nghệ lạc hậu của Trung Quốc dưới vỏ bọc đầu tư? Việc xử lý tác hại môi trường của những nhà máy này khiến các nước trên thế giới đau đầu, đến nỗi người ta phải dần xóa sổ gần như tất cả. Thế mà Việt Nam lại bất chấp đầu tư, liệu chúng ta có đang đánh đổi môi trường để lấy kinh tế, đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc? Một Fomosa chưa đủ để hại chết đồng bào Việt, nay hàng loạt các nhà máy nhiệt điện than của TQ kéo sang thì dân Việt Nam sẽ như thế nào? Liệu tình trạng ô nhiễm môi trường của TQ ngày hôm nay sẽ là tương lai của Việt Nam?
Tường Vân