Thiền Lâm
Vietnam – Cali Today News – Một nhà báo người Việt ở Đức vừa cho biết thời hạn của “tối hậu thư trả Trịnh Xuân Thanh” mà Nhà nước Cộng hòa liên bang Đức chuyển cho chính quyền Việt Nam là hai tuần lễ. Tức đến khoảng giữa tuần này, “deadline” này sẽ kết thúc. Chính vào thời điểm đó, điều gì sẽ xảy ra?
Vào giữa tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức đã một lần nữa đăng đàn và bóng gió về “những biện pháp” nào đó mà phía Đức sẽ thi hành nếu Việt Nam không chịu đáp ứng điều kiện tiên quyết của Đức là trả Trịnh Xuân Thanh để Đức xem xét thủ tục tị nạn và dẫn độ theo quy định luật pháp nước này. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn tuyệt đối im lặng, ít ra trên phương diện công khai thông tin.
Có dư luận cho biết, mặc dù Bộ Ngoại giao Việt Nam đã “chạy đôn chạy đáo” nhằm xoa dịu thái độ phẫn nộ của phía Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay tại Berlin vào ngày 23/7/2017, cùng lúc “tranh thủ câu giờ” và nại ra hàng loạt lý do như Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện về Việt Nam “đầu thú” chứ không phải bị bắt cóc, Việt Nam cần thời gian để đưa Thanh ra xét xử về tội tham ô tài sản…, nhưng dường như chính phủ Đức đã không muốn “đàm phán” thêm, trong khi vẫn dứt khoát giữ điều kiện đòi trả người.
Rốt cuộc, điều gì phải đến cũng đang gần đến. Sức nóng từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã ập vào Quốc hội Đức.
Vào cuối tuần trước, Nghị sỹ Burkhard Lischka, phát ngôn viên về chính trị nội vụ trong khối nghị viên đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) tuyên bố với tờ tuần báo DER SPIEGEL: “Theo quan điểm của tôi cần thiết phải trục xuất thêm nhiều nhân viên mật vụ tình báo Việt Nam và đóng băng (không giải ngân) các khoản tiền viện trợ hợp tác phát triển”.
Còn Dân biểu Jürgen Hardt, phát ngôn viên về ngoại giao của khối nghị viên đảng Dân Chủ Thiên chúa giáo (CDU) đòi hỏi có các biện pháp chung của khối EU (Liên Hiệp Âu Châu), chẳng hạn như đã trục xuất một nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, người bị coi là “không được hoan nghênh” (persona non grata).
Nhân vật đầu tiên đã bị phía Đức thẳng tay trục xuất vào đầu tháng 8/2017 là Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức – ông Nguyễn Đức Thoa. Ông Thoa còn được biết là một đại tá tình báo công an và Viện Công tố Đức đang ngờ rằng trước khi bị bắt cóc, giữa Trịnh XuânThanh và Nguyễn Đức Thoa đã có một số cuộc trao đổi bằng điện thoại.
Nếu khuyến nghị về “trục xuất thêm người” của các nghị sĩ Đức không chỉ là lời cảnh báo mà còn “đưa ánh sáng nghị quyết vào đời sống thực tiễn” – theo đúng cách nói cực kỳ bóng lộn của giới lãnh đạo giáo điều ở Việt Nam, hậu quả khó tưởng tượng là trong thời gian tới, có thể một số cán bộ tình báo đối ngoại của Việt Nam “cài cắm” ở Đức sẽ được “công khai hóa” theo một cách không thể khác và do vậy sẽ phải khăn gói rời nước Đức. Không chỉ có thế, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh còn có thể trở thành một cuộc “khủng hoảng tình báo đối ngoại” của Việt Nam ở Đức và ở cả một số nước Tây Âu. Theo đó, Đức và một số nước trong khối Liên minh châu Âu sẽ áp dụng biện pháp giám sát chặt chẽ hơn hẳn đối với các bộ phận tình báo đối ngại của Việt Nam. Và tất nhiên, sẽ có những cán bộ tình báo, được cho là đã quá quen với nguồn thu nhập “ba lợi ích” từ dịch vụ cấp visa, sẽ phải ngậm ngùi chia tay với nguồn thu nhiều hơn hẳn lương cứng này.
Nhưng vẫn chưa phải hết.
Tờ báo kinh tế hàng đầu thế giới, Forbes, vào cuối tuần trước đã đăng một bài viết của ký giả David Hutt, cho hay việc mật vụ Hà Nội bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên đường phố Berlin hồi cuối tháng Bảy vừa qua có thể sẽ khiến bản dự thảo hiệp ước Tự Do Mậu Dịch giữa Việt Nam với Âu Châu (EVFTA) bị xé bỏ.
Một trong những kế hoạch trả đủa của Đức là giới hạn viện trợ phát triển gồm 257 triệu Mỹ kim trong giai đoạn 2 năm. Mặt khác, với vai trò lãnh đạo bán chính thức của Âu Châu, Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể huy động các quốc gia Âu Châu khác đình chỉ EVFTA vốn đã được hai bên ký kết hồi cuối năm 2015.
Hiệp ước thương mại này vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Liên minh Âu châu là đối tác thương mại lớn thứ nhì chỉ sau Trung Quốc, và Âu châu là thị trường xuất cảng đứng thứ nhì sau Hoa Kỳ. Phía Âu châu ước tính hiệp ước thương mại này có thể gia tăng 15% tổng sản lượng GDP của Việt Nam.
Cần nhắc lại, sau sự đổ vỡ của Hiệp định TPP mà đã khiến giới chóp bu Việt Nam thất thần vào mùa xuân năm nay, Bộ Chính trị nước này đã phải tiến hành liên tiếp hai chuyến vận động EVFTA ở châu Âu.
Vào tháng 4/2017, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam là bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã “làm” chuyến công du 3 nước châu Âu là Vương quốc Thụy Điển, Hung-ga-ri và Séc. Trong khi không nhận được khoản viện trợ nào, đoàn “quốc tế vận” của bà Kim Ngân cũng không có được văn bản cam kết nào của 3 quốc hội Thụy Điển, Hung-ga-ri và Séc về “sẽ thúc đẩy để Liên minh châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU”. Tất cả chỉ là nói miệng theo lối xã giao mà chẳng có gì chắc chắn!
Đến tháng 7/2017, thủ tướng Việt Nam là ông Nguyễn Xuân Phúc lại thực hiện công du đến bên lề Hội nghị G20 ở Đức để vận động EVFTA. Thế nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã không có bất kỳ một hứa hẹn nào cho tương lai của EVFTA.
Cũng cần nhắc lại, muốn EVFTA được thông qua, phải có sự thống nhất của quốc hội thuộc 27 nước thành viên. Sự đồng thuận giữa các nước EU lại tương đối cao về vấn đề nhân quyền. Chỉ cần vài nước không thông qua thì EVFTA sẽ bị khựng lại.
Chỉ mới đây, những hình ảnh vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mà các nghị sĩ Đức chỉ được nghe nói ở Việt Nam, đã xảy ra ngay trên lãnh thổ Đức, theo một cách mà người Đức phải mô tả như những bộ phim gián điệp thời Chiến tranh lạnh, còn khủng hoảng ngoại giao đã “trên cả nghiêm trọng’.
Với Việt Nam, có lẽ không còn quá muộn để nói: “Xin vĩnh biệt EVFTA”.