VNTB – 3 “án chỉ đạo”: Tập đoàn FLC, Công ty AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

VNTB – 3 “án chỉ đạo”: Tập đoàn FLC, Công ty AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

Thới Bình

(VNTB) – 3 đại án có thể kết thúc giai đoạn điều tra cuối năm nay là các vụ việc liên quan đến vi phạm của Tập đoàn FLC, Công ty AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát”.

“Chỉ đạo án” là điều đến nay vẫn là quá quen thuộc, giờ có thêm một nơi được “quyền chỉ đạo”: Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Thường thì khi tòa án Việt Nam đang đưa ra xét xử mấy vụ đại án, nhiều ý kiến phê phán rằng các vụ án này đều đã được chỉ đạo rồi, cùng với đó là sự lên tiếng đòi hỏi cho sự độc lập của tư pháp.

Thực tế có rất nhiều vụ việc đương sự cần đến sự chỉ đạo, như các vụ tử tù kêu oan mong chờ trung ương can thiệp, các vụ án đương sự nhờ báo chí phản ánh gây áp lực, các vụ khiếu kiện ở địa phương nhưng đương sự luôn gửi đơn vượt cấp lên cả chính phủ và các ban ngành trung ương.

Và trong thực tế trên, nhiều người ắt hẵn sẽ gật đầu với kết luận, rằng, “đòi hỏi cho tư pháp độc lập mà vẫn dưới chế độ một đảng toàn trị thì cũng chẳng nghĩa lý gì” (!?).

Từ cách hiểu trên, với bài phát biểu của ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương tại Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, cho thấy từ giờ đến hết năm, chỉ có 3 đại án xem chừng kết thúc giai đoạn điều tra, đó là, “các vụ việc liên quan đến vi phạm của Tập đoàn FLC, Công ty AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát”.

Không rõ việc xử trí Vạn Thịnh Phát như “chỉ đạo án” của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sắp tới đây sẽ ra sao, chỉ biết vụ việc này thời gian qua đã ‘trút’ khó khăn về cho phía nhà quản lý ở thành phố Hồ Chí Minh.

Trong một tiếp xúc cử tri hồi cuối tháng 6-2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, “Cụ thể như vụ việc của SCB, Vạn Thịnh Phát tác động rất lớn đến kinh tế – xã hội của thành phố, hay một bộ phận cán bộ, cơ quan còn e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm cũng làm chậm nhịp độ công việc. Ngoài ra, thành phố còn có những vấn đề tồn đọng trước đây để lại, những tác động của đại dịch Covid-19”.

Theo xác nhận của lãnh đạo TP.HCM, qua các đợt dịch, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng các công ty trực thuộc và đối tác đã ủng hộ 2.000 tỷ đồng cho kế hoạch mua vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Việt Nam và TP.HCM.

Tâm lý ‘còn e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm’ mà Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề cập, có lẽ cũng là điều mà ông Trần Cẩm Tú, gián tiếp nêu ra tại Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm. Theo đó, trong thời gian còn lại của năm 2023, ông Tú yêu cầu toàn ngành nhận thức sâu sắc hơn nữa và quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát năm 2023, trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, trước mắt, hoàn thiện quy định về xin lỗi và phục hồi quyền lợi đối với đảng viên bị kỷ luật oan; Quy định về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Liệu vụ án Vạn Thịnh Phát khi kết thúc, có đảng viên nào sẽ bị kỷ luật oan như “lo lắng” của người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cũng như hai đại án FLC và AIC?

Một lưu ý là cho đến nay phía Thanh tra Chính phủ khi công bố kết luận thanh tra về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cũng chỉ nêu vấn đề bằng câu ở thể nghi vấn; như, tại kết luận thanh tra số 757/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ cho biết, vị trí nhà đất tại địa chỉ 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư là tài sản công, việc giải quyết phải được thực hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được duyệt nên đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, có biện pháp để xử lý theo pháp luật…

Lằn ranh còn quá nhập nhằng của hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự là nguyên do đưa đến tâm lý ‘còn e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm’ mà Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)