Nguyễn Nam
(VNTB) – Đến nay báo chí Việt Nam hoàn toàn không dẫn bất kỳ nội dung nào của 320 khuyến nghị từ 133 nước đối với Việt Nam tại phiên đối thoại Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát này.
Tin tức cho biết đoàn Việt Nam đã làm việc với 3 nước điều phối của Nhóm công tác về UPR để rà soát kỹ thuật các khuyến nghị Việt Nam nhận được tại phiên đối thoại. Tại phiên họp ngày 10-5, Nhóm công tác đã thông qua báo cáo về kết quả rà soát UPR đối với Việt Nam, trong đó thông tin về việc Việt Nam nhận được 320 khuyến nghị từ 133 nước.
Trước đó trong thông báo phát hành ngày 3-5-2024 của Nhóm công tác UPR cho biết, dự kiến sẽ thông qua các khuyến nghị đưa ra cho Việt Nam vào thứ Sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024, trong khoảng thời gian từ 16:00 đến 18:00 (GMT+2).
Đến nay báo chí Việt Nam hoàn toàn không dẫn bất kỳ nội dung nào của 320 khuyến nghị từ 133 nước đối với Việt Nam tại phiên đối thoại Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát này.
Sau đây là một số điều khuyến nghị đó tại báo cáo được thông qua về kết quả rà soát UPR đối với Việt Nam:
Phía “Tổ chức Nhân dân và Quốc gia chưa được đại diện”, viết tắt theo tiếng Anh là UNPO (Unrepresented Nations and Peoples Organization) đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần phê chuẩn Công ước 169 của ILO (Tổ chức lao động quốc tế) về “Các dân tộc và bộ lạc bản địa ở các quốc gia độc lập”. Công ước số 169, được Đại hội đồng của ILO thông qua trong kỳ họp lần thứ 76, ngày 27-6-1989. Có hiệu lực từ ngày 05-9-1991.
Công ước 87 về “Quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức” của ILO cũng được khuyến cáo Việt Nam cần thực hiện để bảo đảm tính cốt lõi của vấn đề nhân quyền theo ILO.
Một khuyến nghị khác có tính gai góc hơn đó là khuyến nghị Hiến pháp của Việt Nam cần tu chỉnh Điều 4 về độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để bảo đảm thật sự quyền tự do, dân chủ của người dân và xã hội.
Cải cách luật pháp theo hướng nội luật hóa các công ước quốc tế vào hệ thống văn bản pháp luật tại Việt Nam.
Điều luật hình sự số 117 và 331 cũng được đề xuất nên thay đổi, theo đó cần tôn trọng quyền phản biện trái chiều, ôn hòa trên tinh thần tôn trọng, bảo vệ nhân quyền của người dân.
Nghị định 80/2020/NĐ-CP về “Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 8-7-2020, đã nhận được khuyến cáo được cho là “công cụ chống lại các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền”.
“Nguyên tắc Paris” cần được Nhà nước Việt Nam áp dụng cho thành lập Cơ quan nhân quyền quốc gia. Theo đó, các quy định hành chính và lập pháp, cũng như các quy định liên quan đến các cơ quan tư pháp, liên quan đến việc tăng cường bảo vệ quyền con người, đều thuộc trách nhiệm của Cơ quan này. Trên cơ sở đó, Cơ quan nhân quyền quốc gia sẽ đánh giá các quy định hành chính và luật hiện hành, cũng như các dự luật, kiến nghị, đề xuất; đồng thời đưa ra những kiến nghị phù hợp để bảo đảm rằng các quy định này hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc nhân quyền cơ bản.
Cơ quan nhân quyền quốc gia, khi phù hợp, cũng được quyền đề xuất việc thông qua một luật mới, sửa đổi luật hiện hành, và thông qua hoặc sửa đổi các biện pháp hành chính.
Vấn đề gọi là “tù nhân lương tâm” cũng được Nhóm công tác về UPR nêu ra. Theo đó tính đến tháng 9-2023, có ít nhất 260 tù nhân lương tâm bị giam giữ tại Việt Nam. Báo cáo còn nói rằng những người bảo vệ nhân quyền bị giam giữ trước khi xét xử thường phải đối mặt với án phạt kéo dài, giam giữ biệt lập, và ít nhất bốn cái chết liên quan đến chuyện bị cầm tù về vấn đề nhân quyền được ghi nhận từ năm 2019.
“Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử tù nhân, 1955” (Quy tắc Nelson Mandela) cũng được khuyến cáo Việt Nam nên tôn trọng thực thi; bao gồm cả với tù nhân bị kết án liên quan đến Chương XIII của Bộ luật Hình sự về “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia”…
… Phía đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu tại phiên đối thoại, cho rằng, “một số khuyến nghị Việt Nam cần cân nhắc thêm về tính phù hợp với luật pháp, chính sách, nguồn lực và khả năng thực thi”.