Tử Long
(VNTB) – Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2024 sẽ cao nhất trong 3 năm gần đây, lên đến 329.500 tỷ đồng.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn hiệu lực của Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP đến hết ngày 31-12-2024.
HoREA đánh giá, Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã có bước “chạy đà” rất tốt trong 8 tháng qua và bước đầu đã phát huy tác dụng, tháo gỡ phần nào khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chắc chắn sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong quý 4-2023 là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu của cả năm 2023 với tổng giá trị lên đến 65.500 tỷ đồng (không tính các lô trái phiếu đã giãn, hoãn), trong đó có gần 80% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.
Sang năm 2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ lên đến 329.500 tỷ đồng cao nhất trong 3 năm gần đây (năm 2022 là 144.500 tỷ đồng, năm 2023 là 271.400 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn), nên rất cần thiết tiếp tục thực hiện đầy đủ các quy định của Nghị định 08/2023/NĐ-CP trong năm 2024.
Theo báo cáo tổng quan về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ do Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố, tính đến ngày 8-9-2023, có hơn 122 ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành riêng lẻ. Nhiều nhất diễn ra vào tháng 8, với gần 53,2 ngàn tỷ đồng. Trong đó, các trái phiếu của các doanh nghiệp đại chúng được phát hành nhiều nhất, với hơn 55 ngàn tỷ đồng. Giá trị trái phiếu của doanh nghiệp chưa đại chúng đạt gần 25,5 ngàn tỷ đồng, trong khi các công ty trách nhiệm hữu hạn là gần 42 ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2023 giảm sâu 60% so với cùng kỳ. Giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp đại chúng và chưa đại chúng đồng loạt giảm mạnh. Chỉ nhóm công ty trách nhiệm hữu hạn là tăng mạnh tới 70%.
Về tài sản đảm bảo, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm trên tổng giá trị phát hành chiếm gần 54% tính đến thời điểm ngày 8-9-2023. Cùng kỳ, tỷ lệ này chỉ đạt gần 46.7%. Lãi suất bình quân của các đợt phát hành năm nay cũng tăng thêm, đạt 8,17%/năm (cùng kỳ là 7.83%/năm). Kỳ hạn bình quân có sự thay đổi nhẹ từ 3.67 năm lên 3.76 năm.
Ngân hàng vẫn là đối tượng nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường sơ cấp. Song, trong kỳ năm nay, tỷ lệ của ngân hàng lên tới 61% (cùng kỳ chỉ 48%). Nhóm công ty chứng khoán sụt giảm từ 23% còn 12%.
Trước đó, hiệp hội này cũng có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét gia hạn thông tư 08 thêm một năm (áp dụng từ 1-10-2024) áp dụng quy định các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng được sử dụng hợp lý nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn.
Theo HoREA, bối cảnh hiện tại đã có những doanh nghiệp thuộc nhiều ngành kinh tế thu hẹp sản xuất kinh doanh nên giảm hoặc thậm chí không có nhu cầu vay tín dụng.
Riêng đối với nhiều doanh nghiệp bất động sản thì vẫn có nhu cầu vay tín dụng nhưng lại khó tiếp cận tín dụng, mà nguyên nhân chủ yếu là do các dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị “vướng pháp lý”, mặc dù các chủ đầu tư đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đã tạo lập được quỹ đất dự án phù hợp với quy hoạch, nhưng lại chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư”, nên chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chưa được giao đất, chưa được cấp phép xây dựng.
Trong lúc các ngân hàng thương mại thì yêu cầu doanh nghiệp phải có “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư”, phải có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, phải có Giấy phép xây dựng, dự án phải có tính khả thi thì mới được vay tín dụng.