Việt Nam Thời Báo

VNTB – 62 người tham gia vụ ‘tấn công’ 2 trụ sở ở Đắk Lắk

Trường Sơn

 

(VNTB) – Thông tin vụ việc tính đến hiện tại là chỉ qua một kênh truyền thông duy nhất là Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an.

 

Tấn công 2 trụ sở công quyền với ‘quân số’ 62 người

Chiều 17-6, nguồn tin được cho là từ một lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk xác nhận sau 6 ngày truy quét đã bắt và tạm giữ hình sự 62 người tấn công trụ sở UBND xã tại Đắk Lắk, trong đó có nhiều người có vai trò cầm đầu. Theo vị lãnh đạo này, hiện đơn vị chưa có quyết định khởi tố bị can nào, vì đang trong quá trình củng cố hồ sơ.

Trong vụ án này, công an đã thu giữ 4 khẩu súng quân dụng, 4 súng tự chế, 2 quả lựu đạn, 192 viên đạn các loại, 30 con dao, 9 ná cao su. Công an cũng thu 21 chiếc điện thoại di động, nhiều thẻ nhớ các loại. Đặc biệt công an thu nhiều tài liệu chứng minh rõ ràng đây là một nhóm tội phạm có tổ chức.

Đến nay, lực lượng chức năng xác định nghi can Y Thô Ayun (tức Ama Kzruh, 35 tuổi, trú huyện Krông Búk, Đắk Lắk) là một trong những kẻ chủ mưu cầm đầu vụ tấn công, giết người.

Phía người phát ngôn của Bộ Công an, tính đến tối ngày 17-6, vẫn chưa đưa ra thông tin nào về nghi vấn tổ chức đứng sau lưng nhóm 62 người đang bị tạm giữ hình sự kể trên.

Nhiều khả năng đây là nhóm sắc tộc Ê-đê, vì ghi nhận lời khai được phía Bộ Công an cung cấp cho báo chí, thì người dân tộc khác lúc bị nhóm này bắt giữ, khi dùng tiếng nói của dân tộc họ để cầu xin thì nhóm người có hung khí không hiểu được ngôn ngữ đó, khi nói bằng tiếng Ê-đê thì mọi việc mới được ‘can thiệp’.

Ai là thủ lĩnh trong vai trò ‘nhà tổ chức’?

Nhìn dưới giác độ pháp luật hình sự thì vụ ‘tấn công’ hôm rạng sáng ngày 11-6-2023 đang được cơ quan công an đánh giá là “phạm tội có tổ chức”.

Về nguyên tắc chung, “phạm tội có tổ chức” là hình thức đồng phạm có sự kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Đây là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, câu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển của người đứng đầu.

Tuy nhiên, không có sự lượng hóa cụ thể đối với sự câu kết, bàn bạc của những người phạm tội trong phạm tội có tổ chức, sự phân công nhiệm vụ, vai trò của những người đồng phạm. Trong đó, mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu.

Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào vai trò của từng người tham gia vào tội phạm và quy mô của vụ án. Vì vậy, khi quyết định hình phạt thì mức hình phạt của người tổ chức sẽ khác với những đồng phạm khác nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là tại Khoản 2 Điều 17 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, thể hiện quy định của pháp luật về khái niệm phạm tội có tổ chức, hiểu đơn giản là một hình thức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật bởi một nhóm người, có sự liên kết, cấu kết chặt chẽ giữa nhiều người để thực hiện trót lọt một hành vi phạm tội, mang bản chất của hình thức đồng phạm.

Lưu ý là hai khái niệm tổ chức tội phạm, tội phạm có tổ chức chưa được chính thức ghi nhận về mặt pháp lý. Sự không thống nhất về nhận thức này gây nên những khó khăn trở ngại cho việc  nghiên cứu phục vụ phòng chống tội phạm như vụ việc hôm 11-6 vừa qua.

Cần làm rõ tâm lý học tội phạm ở vụ việc Đắk Lắk 11-6-2023

Trên cơ sở các khái niệm công cụ của tâm lý học, trong đó có khái niệm nhóm của tâm lý học xã  hội, tâm lý học tội phạm xác định với sự phân biệt như sau: Nhóm phạm tội là nhóm hình thành bất hợp pháp và nguy hiểm cho xã hội giữa các thành viên có sự liên kết với nhau trong hoạt động phạm tội. Nhóm phạm tội là tập hợp từ hai người trở lên liên kết với nhau để hoạt động phạm tội.

Nhóm phạm tội được hình thành, đó là một sự chuyển dịch nguy hiểm trong hoạt động phạm tội.

Khi tham gia nhóm phạm tội, cá nhân thành viên sẽ thực hiện được những “kế hoạch hành động” với những phương thức thủ đoạn mà từng cá nhân khi hoạt động đơn lẻ không thể nào thực hiện được; họ sẽ tiến hành nhiều hoạt động phạm tội nguy hiểm và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài hậu quả trên, hàng loạt những vấn đề tiêu cực đã xuất hiện đi kèm theo sự phát sinh, phát triển của các nhóm phạm tội, trước hết đó là tình trạng mất ổn định trong sinh hoạt hàng ngày của quần chúng trước các hiện tượng tiêu cực, tình trạng hoang mang và thái độ thờ ơ trước hành vi phạm tội, không còn tin vào sự công minh và hiệu quả của pháp luật.

Hiện trạng tiêu cực của xã hội được nhân thêm bởi những nhóm phạm tội đủ các kiểu loại.

Nhóm tội phạm này dùng mọi thủ đoạn để mua chuộc, lôi kéo cán bộ trong hệ thống công quyền bao che cho hoạt động phạm tội của họ. Nó làm đảo lộn nhiều giá trị truyền thống, thậm trí đảo lộn cả chân lý thông thường; tình trạng trật tự, kỷ cương xã hội có sự nhũng nhiễu và mối quan hệ người – người nhiều  khi trở nên dè dặt.

Nhóm phạm tội và đồng phạm là hai khái niệm khác nhau, vì trong đồng phạm có thể có người không phải là thành viên của nhóm; tất cả các thành viên của nhóm có thể không cùng tham gia tất cả các vụ việc phạm tội, nên có người đồng phạm về 1 tội, nhưng có người thì đồng phạm về 2 tội…

Từ hàng loạt vấn đề như trên quanh cáo buộc “phạm tội có tổ chức” đối với vụ việc hôm 11-6-2023, cho thấy đặt ra nhiều vấn để như hướng giải quyết mang tính căn cơ ra sao, khi sự ám thị của thủ lĩnh với các thành viên trong nhóm, sự ám thị lẫn nhau giữa các thành viên làm giảm trạng thái hồi hộp lo lắng, căng thẳng khi cá nhân tiến hành hoạt động phạm tội, làm tăng tính quyết đoán của những phần tử hay dao động, chần chừ.

Chính loạt tâm lý trên khiến hành vi phạm tội của các thành viên trở nên dã man, tàn bạo, nguy hiểm như những gì mà Bộ Công an Việt Nam đang cáo buộc với nhóm 62 người tham gia vào vụ ‘tấn công’ hai trụ sở công quyền ở tỉnh Đắk Lắk vừa rồi.


Tin bài liên quan:

(VNTB)-Nguyên cớ nào khiến giá xăng dầu Việt Nam giảm?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tổng Công ty Chè Việt Nam “góp củi cũ”

Do Van Tien

VNTB – “Cổ suý chiến tranh” dễ đối mặt điều luật hình sự số 421

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo