Việt Nam Thời Báo

VNTB – 90% phụ nữ Việt Nam cam chịu khi bị bạo lực

Cát Tường

(VNTB) – Bạo lực giới gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam khi làm giảm 1,8% GDP.

Theo số liệu từ điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam, có tới 2/3 phụ nữ phải chịu ít nhất 1 hình thức bạo lực trong đời, 90% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự trợ giúp và 50% phụ nữ bị bạo lực chưa từng kể với ai việc mình bị bạo lực. Bạo lực giới gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam khi làm giảm 1,8% GDP.

Con số thống kê trên được nêu tại hội thảo “Phòng ngừa và ứng phó bạo lực với phụ nữ và mua bán người”, do Cục Đối ngoại Bộ Công an đã phối hợp với Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức hôm 31-7-2023.

Thiệt hại được tính gồm có chi phí phụ nữ phải gánh chịu khi bị bạo lực như phí chữa trị thương tật, thuốc men, chi phí thiệt hại khi phải nghỉ việc làm có nhận lương hoặc không lương, và cả chi phí bù đắp vào tài sản bị phá hoại trong quá trình phụ nữ bị bạo lực. Ngoài ra chất lượng cuộc sống gia đình cũng bị ảnh hưởng do phụ nữ bị bạo hành.

Tình hình mua bán người cũng đang diễn biến rất phức tạp. Theo thông tin từ cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, trong năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 90 vụ/247 đối tượng phạm tội mua bán người. Mua bán người có mối liên hệ chặt chẽ với di cư lao động và được tuyển mộ dưới nhiều hình thức nhất là thông qua mạng xã hội.

Bên lề hội thảo, theo một đại biểu khách mời, với sự giúp đỡ của UN Women Việt Nam, bệnh viện Hùng Vương tại TP.HCM có mô hình một cửa thực hiện chức năng tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị, tư vấn và cung cấp dịch vụ tại chỗ cho bệnh nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Đồng thời, mô hình một cửa sẽ trợ giúp về việc chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và pháp lý.

Đặc biệt, trong trường hợp cần nơi tạm lánh khẩn cấp, nhân viên công tác xã hội bệnh viện Hùng Vương sẽ chuyển gửi nạn nhân tới Trung tâm Công tác xã hội – Giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố, tại số 14 Nguyễn Văn Bảo, phường 4, quận Gò Vấp để chăm sóc và nuôi dưỡng, can thiệp trị liệu và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu khác theo nhu cầu.

Bà Caroline T.Nyamayemombe, quyền Trưởng Đại diện UN Women cho rằng, lực lượng an ninh tuyến đầu có vai trò quan trong việc hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, mua bán. “Việc cung cấp thông tin đầy đủ và hỗ trợ phù hợp, bao gồm cả việc chuyển tuyến nạn nhân tới các dịch vụ khác sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể trong việc đảm bảo phẩm giá và sự phục hồi của những phụ nữ sống sót sau bạo lực. Chúng tôi cam kết chung tay với Bộ Công an trong các hoạt động này”,  bà nói.

Một tham luận tại hội thảo cho biết trên thực tế mua bán người thường là hành vi “trá hình”, thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp. Các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi nhiều hình thức khác nhau như: tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi, bắt cóc, chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em…

Chủ thể thực hiện mua bán người cũng rất đa dạng, có thể là bất kỳ ai không phân biệt quốc tịch, dân tộc, giới tính, tuổi tác, trình độ, nơi sinh sống, nghề nghiệp. Các đối tượng phạm tội thường lừa phụ nữ, trẻ em dưới dạng đưa đi làm việc ở nước ngoài, nuôi con nuôi, kết hôn người nước ngoài rồi đưa ra nước ngoài bán….

Nạn nhân là đối tượng của hành vi mua bán người và có thể là bất kỳ ai, đàn ông hoặc phụ nữ, người lớn hoặc trẻ em, người dân tộc thiểu số hoặc người Kinh, người có quốc tịch Việt Nam, người có quốc tịch nước  ngoài và người không có quốc tịch…

Nạn nhân có điều kiện kinh tế, địa vị xã hội, trình độ học vấn khác nhau. Một số trường hợp, thanh thiếu niên bỏ trốn khỏi gia đình, vô gia cư có thể trở thành nạn nhân của các đối tượng mua bán người.

Ngoài ra, những cá nhân đã từng có quá khứ bị bạo hành về thể xác hoặc tình dục cũng có xu hướng trở thành nạn nhân bởi những ảnh hưởng tâm lý để lại trong họ sẽ bị những kẻ buôn người lợi dụng. Việc xác định sớm nạn nhân bị mua bán là điều kiện tiên quyết để họ có thể được hỗ trợ và trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc xác định nạn nhân bị mua bán là một trong những thách thức đối với các cơ quan hữu quan, bởi lẽ, không phải nạn nhân nào cũng có đủ tự tin để trình báo, chia sẻ câu chuyện của mình và có đủ giấy tờ chứng minh.


Tin bài liên quan:

VNTB – Tổ chức công đoàn tham gia tố tụng ra sao?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Cần khởi tố hình sự vụ án phá rối và xúc phạm Thánh Lễ tại Nhà thờ Vụ Bản, tỉnh Hoà Bình

Phan Thanh Hung

VNTB – Ý kiến: Cần chích ngừa bằng vắc-xin thích hợp

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.