Việt Nam Thời Báo

VNTB- Agribank lại ‘ghi điểm’: GĐ Phòng giao dịch “biến mất” cùng 17 tỷ

VNTB: Ngân hàng tai tiếng nhất Việt Nam – Agribank – lại vừa “ghi điểm” khi Tết 2015 chỉ còn ít ngày nữa.

Trong những năm qua, Agribak đã trở thành quán quân về số vụ vi phạm và tội phạm kinh tế. Tính sơ bộ đến nay, ngân hàng này đã có ít nhất vài ba chục nhân sự phải ra trước vành móng ngựa.


Vào năm ngoái, Ngân hàng nhà nước đã tiến hành ‘thay máu” ban lãnh đạo của Agribank. Tuy nhiên, hành động muộn màng này không thể cứu vãn “đứa con hoang đàng” khỏi cảnh “bụi đời”.Với doanh số thuộc loại lớn nhất VN, Agribank nếu có “mệnh hệ” gì sẽ làm ảnh hưởng trầm trọng đến toàn bộ khu vực tín dụng.

———————————–

Kẽ hở chết người vụ GĐ PGD Agribank “biến mất” cùng 17 tỷ

“Nghi ngờ có sự móc nối giữa những người tham gia vận chuyển tiền, tài sản mới dẫn tới việc một số tiền lớn bị “bốc hơi” quá dễ dàng”.




TS. Cao Sĩ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ quan điểm với Infonet xung quanh vụ việc trưởng phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Agribank) biến mất cùng 17 tỷ đồng trong quá trình áp tải tiền từ chi nhánh về phòng giao dịch.

Theo TS. Cao Sĩ Kiêm, thông thường một “kíp” tiếp quỹ vận chuyển tiền từ hội sở/chi nhánh xuống các phòng giao dịch của ngân hàng gồm 3 người: bảo vệ/công an – người điều chuyển- lái xe.

“Đây là nghiệp vụ diễn ra thường xuyên trong hoạt động của ngân hàng, nhưng không vì thế mà nó bị coi nhẹ. Ngược lại, trên cơ sở quy trình chung mỗi nhà băng đều đưa ra một quy trình riêng để đảm bảo an toàn tài sản cao nhất”- ông nói.

Theo ông Kiêm, các ngân hàng đều quy định hạn thời gian cụ thể trong quá trình tiếp quỹ và vận chuyển tiền từ hội sở/chi nhánh xuống các phòng giao dịch.

Ví dụ, nếu khoảng cách giữa hội sở/chi nhánh xuống phòng giao dịch là 5km thì thời gian tối đa để áp tải tiền từ chi nhánh về phòng giao dịch là 30 phút. Trừ tình huống phát sinh như khoảng cách xa, tắc đường … thời gian có thể dao động từ 2-3 giờ. Nếu quá thời hạn nêu trên chắc chắn đã phát sinh vấn đề.

Trong tình huống này ngay lập tức những người có trách nhiệm sẽ phải báo ngay với cơ quan có thẩm quyền để vào cuộc làm rõ. Song, trong vụ việc này một dấu hỏi đặt ra là, việc áp tải tiền diễn ra từ sáng, mà tới tận chiều lãnh đạo Agribank mới phát hiện là quá muộn và mọi chuyện đã rồi.

Một lần nữa trong vụ việc trưởng phòng giao dịch Agribank tại TP.HCM dễ dàng “cuỗm” 17 tỷ đồng của ngân hàng trong quá trình áp tải tiền tiếp quỹ từ chi nhánh về phòng giao dịch, ông Kiêm khẳng định, ở đây ngoài việc nghi ngờ đã có sự móc nối, câu kết giữa những người thuộc tổ áp tải tiền của phòng giao dịch, việc tuân thủ các quy định đã bị coi thường. Chưa kể, xét ở yếu tố con người, đạo đức cán bộ ngân hàng đã xuống cấp.

“Người ta vẫn nói đồng tiền đi liền khúc ruột. Khi đã có sự móc nối nhằm chiếm đoạt số tiền trên thì khi tiền trong tay, ngay trước mặt họ chẳng ngại ngần gì mà không ra tay”- nguyên Thống đốc bình luận và coi sự xuống cấp đạo đức cán bộ ngân hàng này là “kẽ hở” chết người.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đồng thời cũng là Chủ tịch NHTMCP Đông Á (DongABank) cũng cho biết thêm, ngoài việc đưa vào quy định thì định kỹ hàng tháng, quý các ngân hàng như DongABank đều tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, nhận thức và trách nhiệm của các cán bộ ngân hàng, từ kế toán – phụ trách tiền ra, tới cán bộ trực tiếp tham gia quá trình tiếp quỹ và thủ quỹ – phụ trách tiếp nhận tiền vào….

Sau vụ trưởng phòng giao dịch Mạc Thị Bưởi – Agribank biến mất với 17 tỷ đồng, nguyên nhân vụ việc được xác định là do các cá nhân trong thành phần tổ điều hành chuyển không thực hiện đúng quy định về vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá quy định tại văn bản số 7088-NHNo- TCKT của Agribank

Theo đó, Chi nhánh đã thành lập tổ chuyển tiền gồm 3 người: 1 người áp tải, 1 bảo vệ chuyên trách hoặc công an, 1 lái xe. Tuy nhiên, ông Phú Minh Hòa – nhân viên Phòng giao dịch Hòa Hưng, tổ trưởng tổ điều chuyển đã không hoàn thành đúng chức trách.

Cụ thể, những người trên không tham gia áp tải tiền theo đúng quy định của tổ áp tải và tố này có trách nhiệm áp tải số tiền này từ khi bắt đầu nhận tiền (tại Hội sở chi nhánh Mạc Thị Bưởi) về đến trụ sở cơ quan (ở đây là trụ sở phòng giao dịch Hòa Hưng) mà lại giao tiền cho ông Nguyễn Lê Kiều Quang (người không thuộc tổ điều chuyển tiền) ngay sau khi nhận tiền, tạo kẽ hở để ông Quang thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền 17 tỷ đồng.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban lãnh đạo Agribank đã yêu cầu Chi nhánh Mạc Thị Bưởi tiến hành làm việc và báo cáo vụ việc với cơ quan Công an thành phố Hồ Chí Minh, Cục An ninh Tài chính Tiền tệ và Đầu tư (A84) – Bộ Công an. Đề nghị cơ quan Công an phối hợp, thực hiện ngay các biện pháp truy tìm ông Nguyễn Lê Kiều Quang và thu hồi số tiền bị chiếm đoạt.

                                                                                               (Theo Nguyễn Hoài – Infonet)

* Tựa đề do VNTB đặt
* Tựa đề gốc: Kẽ hở chết người vụ GĐ PGD Agribank “biến mất” cùng 17 tỷ

Tin bài liên quan:

Dân chủ, nhân quyền và các vấn đề khác đều không hề quan trọng trong chính sách về châu Á của Hoa Kỳ

Phan Thanh Hung

TPP: ‘Tất cả những vấn đề còn tồn tại lại là những vấn đề khó nhất’

Phan Thanh Hung

TBT Trọng sẽ công du Hoa Kỳ vào đầu tháng 7/2015 *

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.