​VNTB – Ai có thể “gánh 2 thùng nước đầy đi nhanh mà không bị sánh”?

​VNTB – Ai có thể “gánh 2 thùng nước đầy đi nhanh mà không bị sánh”?

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Đó là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người vừa đưa ra yêu cầu, “phát triển nhanh nhưng phải bền vững giống như gánh hai thùng nước đầy mà vẫn đi rất nhanh, không để sánh nước ra ngoài”.

 

Ngày 23-12-2022, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cả nước đã hoàn thành xử lý triệt để 372/ 435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 91% số khu công nghiệp đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường.

Số vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm môi trường giảm hơn 65% so với năm 2021. Tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm mạnh, các ngành công nghiệp tái chế phát triển đạt mức tăng hơn 11% so với năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, “ngành đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách có tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với mục tiêu thúc đẩy phục hồi xanh, tạo dựng nền tảng để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Tường thuật của báo chí cho biết, phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định ngành tài nguyên và môi trường có vai trò, vị trí rất quan trọng, không chỉ quản lý các nguồn lực, tài nguyên là đầu vào của nền kinh tế mà còn liên quan nhiều mặt đến đời sống của từng người dân, từng gia đình.

“Phát triển nhanh nhưng phải bền vững giống như gánh hai thùng nước đầy mà vẫn đi rất nhanh, không để sánh nước ra ngoài” Phó Thủ tướng ví von và nêu rõ yêu cầu phải khơi dậy khát vọng, quán triệt mục tiêu phát triển bền vững, đúng xu thế, tăng cường đổi mới sáng tạo.

Ví von của ông Phó Thủ tướng là một điều bất khả thi, vì đi bình thường thôi cũng đã có thể sánh nước ra ngoài, huống hồ yêu cầu phải đi “rất nhanh”.

Về vật lý, vốn là khi gánh nước trên đường người và đòn gánh đều dao động, nước trong thùng cũng theo đó mà dao động, lúc đầu mức độ dao động của nước còn nhỏ, nên mặt nước chỉ sóng sánh một chút, nhưng sau đó sự sóng sánh của nước sẽ dao động rất mạnh rồi tràn ra ngoài thùng. Đó cũng là hiện tượng cộng hưởng.

Có lẽ ông Phó Thủ tướng được Đảng phân công chuyên trách y tế – văn hóa – giáo dục này đã quên bài học vật lý trên, hoặc giả ông chưa nghe câu chuyện đậm chất thiền dưới đây cho chuyện ứng dụng trong “trị quốc” để mong “bình thiên hạ”; chuyện kể đại khái vầy:

Có hai hòa thượng nọ sống trong hai ngôi chùa trên hai ngọn núi sát cạnh nhau, một người tên “Nhất Hưu”, một người tên “Nhị Hưu”. Trên cả hai ngọn núi này đều không có nước, do vậy mỗi ngày hai hòa thượng này đều phải đi xuống khe suối nhỏ gánh nước về mới có nước để dùng.

Bởi thời gian đi gánh nước thường trùng nhau lại thường xuyên gặp mặt nên lâu dần hai hòa thượng trở thành bạn bè. Cứ như vậy thời gian đi gánh nước dần trôi thấm thoắt đã năm năm. Một ngày nọ Nhị Hưu lại đi ra suối gánh nước như mọi khi thì bỗng phát hiện Nhất Hưu không xuất hiện. Trong lòng Nhị Hưu thầm nghĩ chắc hòa thượng Nhất Hưu ngủ quên mất rồi.

Cứ thế trôi qua đến ngày thứ hai, thứ ba đều không thấy Nhị Hưu đi gánh nước. Tới cả một tuần rồi qua 1 tháng đều không thấy Nhất Hưu xuất hiện. Nhị Hưu rất lo lắng liền nghĩ: “Chắc bạn mình mắc bệnh rồi, mình phải đi hỏi thăm anh ấy một chút, xem có thể giúp gì được không”.

Khi Nhị Hưu lên núi tìm tới ngôi chùa của Nhất Hưu, thì phát hiện Nhất Hưu đang tập Thái cực quyền trước cổng chùa, nhìn không giống như ốm đau bệnh tật gì cả. Ông ngạc nhiên hỏi Nhất Hưu hòa thượng: “Nhất Hưu đã một tháng rồi không thấy ông xuống núi lấy nước, sao ông không đi gánh nước mà vẫn có nước dùng?”.

Nhất Hưu hòa thượng nói: “Lại đây lại đây, tôi đưa ông đi xem”.

Nhất Hưu cười và đưa Nhị Hưu hòa thượng ra hoa viên sau chùa, chỉ vào giếng nước và nói: “Năm năm qua mỗi ngày gánh nước xong, tụng kinh xong, tôi đều dùng thời gian rảnh còn lại để đào cái giếng nước này. Mặc dù có những lúc rất bận rộn không đào được nhiều, nhưng tôi luôn tự nhủ đào được bao nhiêu thì cứ cố gắng làm.

Bây giờ giếng đã đào xong, mạch nước cũng đã được khai thông nên giếng đầy nước rồi, từ nay về sau tôi không phải đi xuống núi gánh nước nữa! Do vậy tôi có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian làm những việc mình thích, ví dụ như tập Thái cực quyền đây này!” …

Từ đó, Nhất Hưu không phải cực nhọc vất vả dành thời gian đi gánh nước, còn Nhị Hưu thì vẫn vậy hằng ngày đều phải xuống núi, không được nghỉ ngơi. Đây chính là nguồn gốc câu nói “Nhất bất làm, nhị bất hưu”, tức là, một là chẳng làm, hai là không nghỉ, nếu đã làm thì làm đến cùng mới thôi.  

Bài học rút ra: Gánh nước có thể bảo đảm nhu cầu có nước sinh hoạt trong hiện tại. Nhưng kiên trì đào giếng, đến một ngày, bạn vẫn có nước để uống mà không phải gánh nước nữa.

Gánh nước rất vất vả. Đào giếng không chỉ vất vả mà còn cần tầm nhìn bao quát, sự kiên trì, quyết tâm cao độ. Người vừa gánh nước, vừa đào giếng thì thách thức còn tăng lên gấp nhiều lần. Chọn là người đào giếng hay người gánh nước để đại diện cho mình trong điều hành đất nước, tiếc thay đó là không phải là quyền được lựa chọn của lá phiếu để người dân tự quyết định.

Bởi vậy nên xem ra ngoài ông Vũ Đức Đam, sẽ hiếm chính khách đương thời nào đủ sức khỏe và khả năng khéo léo để “gánh hai thùng nước đầy mà vẫn đi rất nhanh, không để sánh nước ra ngoài” … 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)