Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ai được quyền định giá cho thuê sạp chợ?

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Đại diện Phòng kinh tế quận 5, TP.HCM cho biết đây là giao dịch dân sự giữa bên cho thuê và bên đi thuê, nên địa phương không thể can thiệp sâu vào phương án giá.

Tuy nhiên, chính quyền quận 5 cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị công ty xem xét tính toán lại đơn giá cho thuê cũng như có phương án đảm bảo an ninh trật tự, tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại và giải thích cho tiểu thương hiểu để đồng ý các điều khoản trong hợp đồng.

Tóm tắt vụ việc: Giới tiểu thương tại chợ Đại Quang Minh (quận 5) – chợ nguyên phụ liệu may mặc lớn nhất miền Nam – cho rằng việc tăng giá cho thuê sạp đến 200% là quá cao, còn phía “chủ chợ” cho biết chỉ tăng giá 100 – 120%, và “dọa” sẽ nhờ cơ quan chức năng can thiệp.

“Satraseco là chủ sở hữu hợp pháp đối với Đại Quang Minh nên toàn quyền định đoạt đối với việc cho thuê mặt bằng tại đây, các tiểu thương chỉ có quyền sử dụng quầy sạp theo hợp đồng cho thuê. Đơn vị giữ quan điểm việc tăng giá thuê như trên, nếu hết hạn hợp đồng mà tiểu thương không ký mới và có hành động tiêu cực thì chúng tôi sẽ nhờ pháp luật can thiệp” – trích văn bản của “chủ chợ” gửi UBND quận 5.

Đây không phải là chợ dân lập mà là khu thương xá có từ trước năm 1975. Chính quyền mới “tiếp quản” và hiện nay là “giao” chuyện khai thác ngôi chợ này cho Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Sài Gòn (Satraseco).

Như vậy về nguyên tắc thì giá cho thuê sạp ở chợ Đại Quang Minh phải tuân thủ theo các văn bản quy phạm pháp luật chung và chuyên ngành như sau: Luật giá, hiệu lực thi hành từ 01-01-2013; Nghị định số 11/VBHN-BCT quy định về phát triển và quản lý chợ, hiệu lực thi hành từ 15-02-2010; Nghị định số 04/VBHN-BTC quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá, hiệu lực thi hành từ 25-9-2013.

Theo đó, trong chuyện định giá cho thuê sạp ở chợ Đại Quang Minh, theo quy định về quản lý Nhà nước thì không hề có chuyện Satraseco “toàn quyền định đoạt đối với việc cho thuê mặt bằng tại đây”, mà việc ban hành các mức giá thuê sạp trước tiên phải được trình cấp quản lý Nhà nước về giá để nơi này xem xét vì “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động thẩm định giá” – trích Điều 5, Nghị định 04/VBHN-BTC.

Cụ thể với chợ Đại Quang Minh thì chịu trách nhiệm quản lý giá về mặt Nhà nước là Sở Tài chính TP.HCM.

Có ý kiến rằng vì Công ty Satraseco đã cổ phần hóa, nên mọi hoạt động được điều chỉnh theo Luật doanh nghiệp. Như vậy phải chăng Satraseco được quyền ra giá cho thuê sạp cao hay thấp sao cũng được? Lưu ý, ở đây quyền về đất đai vẫn thuộc Nhà nước, và quyền của Satraseco là khai thác để phát triển dịch vụ chợ theo quy hoạch phát triển chung của Nhà nước, chứ không phải để nhằm các mục đích khác ngoài cách hiểu thông thường của chợ.

Vậy thì tại sao không cùng ngồi lại để hiệp thương giá thuê sạp?

Ngày 1-6-2022, trong công văn gửi Công ty Satraseco, ông Nguyễn Hoàng Tấn, lãnh đạo Công ty TNHH thương mại và sản xuất Tuấn Hiền, chủ quầy sạp A10, khẩn khoản đề xuất một cuộc đối thoại tập thể với sự có mặt của lãnh đạo các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương để giải quyết vụ việc.

Ông Tấn cho biết: “Là một trong những tiểu thương đã có mặt tại trung tâm này kể từ những ngày đầu thành lập, điều này có nghĩa là trước khi công ty tiếp nhận và quản lý, chúng tôi đã đóng góp rất nhiều cho sự hoạt động và uy tín của chợ đầu mối truyền thống này.

Chúng tôi nhận mặt bằng trống và tự thiết kế, xây dựng quầy sạp. Do vậy, chúng tôi không biết phải bồi thường thiệt hại như thế nào đối với tài sản thuê trong thời gian chậm trả mặt bằng. Tiền đặt cọc 3 tháng là khá cao và là một hình thức mới. Bởi lẽ, các chợ và trung tâm thương mại khác đang hoạt động trên địa bàn quận 5 đều không có quy định này”.

Sự đồng thuận giữa các bên là mục tiêu hướng đến tại thời điểm này để duy trì hoạt động của một chợ truyền thống chuyên ngành. Muốn vậy, các bên liên quan cần thiết phải tổ chức đối thoại, bày tỏ tận tường mọi lẽ để giải quyết vấn đề. Chỉ có vậy mới có thể xoa dịu được tình hình đang rất căng thẳng ở chợ truyền thống phụ kiện may lớn nhất nhì cả nước.

Tuy nhiên theo các tiểu thương nơi đây thì phía “chủ chợ” một mực từ chối đề xuất một cuộc đối thoại tập thể với sự có mặt của lãnh đạo các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương.

Liệu có ẩn tình nào ở đằng sau việc đẩy giá thuê sạp lên rất cao trong bối cảnh nền kinh tế đang dần hồi phục sau hai năm trời dịch giã?


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Đã bị bắt là có tội!?

Phan Thanh Hung

VNTB – Ở Việt Nam có tham nhũng chính trị không?

Phan Thanh Hung

VNTB – Cá nhân hay pháp nhân phải chịu trách nhiệm thuế trong vụ bà Hoàng Thị Minh Hồng?

Do Van Tien

1 comment

Minh 12.06.2022 11:26 at 11:26

Liệu có ẩn tình gì…….?nghi ngờ há,chắc phải xem lại về phần tài chính của công ty,có thể bị xục giảm bởi một lý do nào đó chẳng hạn mùa dịch(covid).

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo