Hoài Nguyễn
(VNTB) – Hầu hết các sai phạm về đất đai lâu nay đều có chung một nguyên nhân là “Nhà nước”.
Ở Việt Nam, nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu chung của toàn dân và được sử dụng phục vụ cho mục đích chung của toàn dân tộc, của nhân dân. Pháp luật ghi nhận nguyên tắc này là một trong những nguyên tắc hiến định.
‘Tàn tích’ của Xô-viết?
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lênin luôn khẳng định: Trong chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất thì chế độ tư hữu về ruộng đất là vô lý nhất và quyền tư hữu về ruộng đất là hoàn toàn vô lý.
Lập luận đó cho rằng, loài người không tạo ra đất đai, nó rõ ràng là có trước con người. Vì thế không một ai có quyền sở hữu đất đai.
Tiếp tục kế thừa và phát triển những nhận định trên của C.Mac, V.I.Lênin đã đi đến kết luận rất khoa học về sự cần thiết phải quốc hữu hóa đất đai để xóa bỏ địa tô tuyệt đối nhằm mở đường cho sự phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp.
Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, hai ngày sau, chính V.I. Lênin đã soạn thảo và ban hành hai Sắc lệnh đầu tiên của Chính quyền Xô-viết là Sắc lệnh về hòa bình và Sắc lệnh về ruộng đất. Trong Sắc lệnh về ruộng đất đó, phạm trù “sở hữu toàn dân về đất đai” ở nước Nga xô-viết đã được luật hóa.
Bắt đầu từ 1980, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định trong Hiến pháp: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Phải chăng trăm sự đều tại “Nhà nước”?
Với tư cách là người đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, Nhà nước thực hiện các quyền năng sau: Thứ nhất, quyền định đoạt đối với đất đai, gồm có: Quyết định mục đích sử dụng đất (thông qua việc quyết định, xét duyệt quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất); Quy định về hạn mức giao đất và thời hạn sử dụng đất; Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Định giá đất.
Thứ hai, Nhà nước thực hiện quyền điều tiết các nguồn lợi từ đất đai thông qua các chính sách tài chính về đất đai, như: Thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Thu thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; Điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại.
Thứ ba, Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất và quy định quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất. Các cá nhân, tổ chức không có quyền sở hữu đất mà chỉ có quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất của các chủ thể này được xác lập do được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng.
Như vậy có thể nhận rõ một điều là hầu hết các sai phạm về đất đai lâu nay đều có chung một nguyên nhân là “Nhà nước”.
Cần chỉ thẳng địa chỉ chịu trách nhiệm: Đảng ủy các cấp
Dẫn chứng luôn, ngày 9-3-2022, chính quyền tỉnh Kon Tum vẫn đang chờ kết quả làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Chính để có kế hoạch xử lý những sai phạm về đất đai mà Thanh tra Chính phủ vừa kết luận.
Theo Thanh tra Chính phủ, các sai phạm về sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng tại Công viên Tượng đài (thường gọi là Công viên Đắk Hà) và Vườn hoa trung tâm hành chính huyện Đắk Hà (thường gọi là Công viên 24-3) đã gây bức xúc trong dư luận.
Cụ thể, các công viên này đã bị chính quyền huyện Đắk Hà cho các cá nhân thuê đất dài hạn, chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất công viên sang đất thương mại dịch vụ.
Mặc dù các sai phạm trên đã được Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Kon Tum phát hiện, kết luận nhưng việc kiểm điểm của các cá nhân có vi phạm chưa tương xứng với hành vi vi phạm. Trong đó, người chịu trách nhiệm chính là ông Hoàng Nghĩa Trí, Uỷ viên Ban thường vụ Huyện uỷ, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Hà (hiện đã nghỉ hưu) chỉ bị kỷ luật khiển trách về mặt Đảng, kỷ luật cảnh cáo về mặt chính quyền.
Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra thực tế hiện trạng thấy một số vi phạm chưa được khắc phục về nguyên trạng, như: cửa hàng Viettel được xây kiên cố 2 tầng trong khuôn viên công viên, các công trình phụ trợ, quán cà phê vẫn chưa được dỡ bỏ… cần phải rà soát, xử lý dứt điểm những vi phạm đã được chỉ ra, nhất là việc xử lý kỷ luật công chức phải được tiến hành nghiêm túc, đặc biệt việc cưỡng chế phá dỡ các công trình xây dựng không phép, sai phép để trả lại nguyên trạng của 2 công viên.
Trường hợp các đơn vị, cá nhân không tổ chức thực hiện hoặc không thể khắc phục được sai phạm thì UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại huyện Đắk Hà, có 85 trường hợp giao đất không thông qua đấu giá là vi phạm. Trong đó, có một số công chức thuộc huyện được giao diện tích lớn như ông Nguyễn Thanh Dương, nguyên Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Đắk Hà được giao thửa đất số 28 tờ bản đồ M, diện tích 651 m2; ông Phan Văn Cường, nguyên Phó Ban kinh tế HĐND huyện Đắ Hà ( hiện là Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch) được giao thửa 29 (A20), diện tích 180 m2.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp được giao đất để ở, nhưng thực tế không có nhu cầu nên để đất hoang hóa hoặc chuyển nhượng đất để kiếm lời. Trong số này có ông Phan Đức Toàn, (con của ông Phan Đức Thuyên, nguyên Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Hà) được giao 480 m2 đất, hiện đã bán một phần diện tích là 200 m2 cho người khác.
Còn rất nhiều trường hợp là lãnh đạo hoặc người nhà lãnh đạo các cơ quan thuộc Huyện ủy, UBND huyện… được giao đất nhưng để trống không sử dụng hoặc chuyển nhượng thu chênh lệch.
Trong số những trường hợp được giao đất, chỉ tạm tính tiền sử dụng đất của 13 trường hợp thì thấy giá giao đất thấp hơn giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước tối thiểu là trên 885 triệu đồng.
Với những ghi nhận như trên cho thấy “Nhà nước” trong cách hiểu “là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” đất đai, thực ra đầu dây mối nhợ đều quy về một điểm của vai trò “đại diện” là cơ quan Đảng – một pháp nhân không thuộc sự điều chỉnh của pháp luật dân sự lẫn hình sự.