Nguyễn Việt Nam
(VNTB) – Một số học giả có bằng cấp tiến sĩ, giáo sư ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn cho rằng giáo sĩ Alexandre de Rhodes “không phải là ông tổ và cũng không phải là ông tổ duy nhất của chữ quốc ngữ”.
Thử đặt câu hỏi: Ai là ông tổ của Nho giáo?
Rõ ràng là để trả lời thắc mắc đó vừa dễ dàng như nói rằng Karl Marx là ông tổ của chủ nghĩa cộng sản; vừa như gà mắc tóc, hệt như nhận xét ‘không phải là ông tổ và cũng không phải là ông tổ duy nhất của Nho giáo’ giống như đang xảy ra trong vụ đặt tên đường ở Đà Nẵng.
Nho giáo đã hình thành và phát triển trước Khổng tử rất lâu. Đến thời Khổng tử, Ngài chỉ là người “tập đại thành” (*) các tư tưởng Nho giáo cho có hệ thống và Ngài chỉ là người “thuật nhi bất tác”. Với công lao “tập đại thành” như vậy, nên hậu thế suy tôn Khổng tử là “Đại thành chí thánh Văn Tuyên vương”, là ông tổ của Nho giáo, là vị “vạn thế sư biểu”.
Tương tự, nếu nói giáo sĩ Alexandre de Rhodes “không phải là ông tổ và cũng không phải là ông tổ duy nhất của chữ quốc ngữ” là hoàn toàn chính xác, không ai phản đối cả. Nhưng nếu nói giáo sĩ Alexandre de Rhodes là ông tổ của chữ quốc ngữ cũng không có gì là sai.
Đối với chữ quốc ngữ, trước giáo sĩ Alexandre de Rhodes, cũng có nhiều giáo sĩ khác quan tâm đến vấn đề dùng chữ La tinh để sáng chế ra chữ quốc ngữ để phục vụ công việc truyền giáo. Việc làm của các vị giáo sĩ ấy còn rời rạc chưa có hệ thống.
Đến năm 1651 giáo sĩ Alexandre de Rhodes mới “tập đại thành” và cho ra đời cuốn tự điển mang tên: Việt- Bồ- La (Dictonarium Annamiticum Lusitanum et Latinum- Tự điển An Nam- Bồ Đào Nha- La Tinh). Với công lao “tập đại thành” ấy nên hậu thế suy tôn giáo sĩ Alexandre de Rhodes là ông tổ của chữ quốc ngữ.
Nếu mọi chuyện chỉ dừng ở đây thì không gì đáng bận tâm bàn luận tiếp. Với đề xuất có 2 con đường ở Đà Nẵng sẽ mang tên vị giáo sĩ Francisco de Pina và giáo sĩ Alexandre de Rhodes, để rồi có một nhóm người học vị giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam đẩy lên theo hướng áp đặt chính trị hóa, đã khiến dư luận hoài nghi rằng phải chăng đang có một kịch bản của thuyết âm mưu nào đó đang dàn dựng để tạo làn sóng thu hút công luận, nhằm ‘pha loãng’ nhiều tin tức thời sự khác?
Từ Sài Gòn, nhà giáo Phạm Hồng Phước nói rằng việc chụp cho ngài Francisco de Pina và ngài Alexandre de Rhodes cái mũ đa dụng là mở đường cho thực dân Pháp xâm lược Việt Nam là điều ngớ ngẩn.
“Các ngài sáng tạo chữ viết Latinh cho người Việt hồi thế kỷ 17 và mãi tới thế kỷ 19, thực dân Pháp mới đánh chiếm Việt Nam. Nếu như ai đó thì quả là thực dân Pháp quá nhìn xa trông rộng, đầu tư dài lâu tới 2 thế kỷ nằm vùng. Hai ngài một là người Bồ Đào Nha và một là người thuộc lãnh địa Giáo hoàng Avignon. Nếu như ai đó thì họ lại đi làm tay sai cho thực dân Pháp.
Chữ quốc ngữ không phải là chữ Pháp. Chữ Việt là duy nhất, không có nước nào khác sử dụng, nói nôm na là không đụng hàng. Các ngài dùng mẫu tự Latinh để ký âm tiếng Việt thay vì viết theo chữ Nôm tượng hình. Và không phải chỉ có Pháp là nước duy nhất dùng mẫu tự La tinh. May cho các ngài là họ không truyền bá tiếng Pháp, nếu như bây giờ mà người Việt dùng tiếng Pháp làm quốc ngữ, ‘tội’ các ngài không biết xử sao cho hả dạ ai đó”. Nhà giáo Phạm Hồng Phước nhận xét.
Hai người có công sáng tạo chữ Việt cho người Việt đã mất từ lâu: ông De Pina mất năm 1625 và ông De Rhodes mất năm 1660. Họ chẳng được lợi gì từ việc hậu thế vinh danh mình. Nhưng những người tử tế, có ý thức biết ơn không phân biệt chính kiến và tôn giáo, ắt đều tôn kính và biết ơn 2 ngài.
Các ngài chẳng quan tâm chuyện tên mình được dùng để đặt cho cái gì đâu. Chuyện tri ân đó là của hậu thế biết điều và tử tế.
+ Chú thích:
(*) “Góp hết lại, thu góp các ý kiến, tài liệu, sách vở để dựng nên một học thuyết lớn, một tác phẩm lớn”, Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh, Nxb Trẻ, trang 2136.