VNTB – Ai lại chẳng muốn mau hết bệnh?

VNTB – Ai lại chẳng muốn mau hết bệnh?

Diệp Chi

 

(VNTB) – Ai ham mê chi cái chuyện nhập viện, nằm viện lâu ngày

 

Câu chuyện những vật tư, thiết bị y tế dường chừng như đang ‘chìm vào quên lãng’ trước dồn dập những tin tức khác; những tin tưởng chừng như rất bình thường, mang tính cá nhân của chuyện vợ – chồng, vấn đề ly hôn, người thứ ba lại có vẻ như được đẩy lên nhiều trên các trang mạng xã hội.

Trong câu chuyện của những ngày cuối tháng 8, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đặt câu hỏi với Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy: “Xin hỏi anh Thức, những nội dung đề xuất thì đứng ở góc độ bệnh viện, còn đối với nhà quản lý, Chính phủ thì đứng trên góc độ cả bệnh viện và người dân.

Như vậy bài toán làm thế nào mà bệnh viện vẫn tính đúng, tính đủ, đảm bảo những cơ cấu giá như đề xuất? Ngoài ra, khi cung cấp dịch vụ tốt, hài lòng người bệnh thì về phía người dân, những chi phí chi thêm có cách nào giảm đi được không?”.

TS-BS Nguyễn Tri Thức trả lời: “Tính đúng, tính đủ không phải là lạm dụng người bệnh. Đây là thu vừa đủ để tồn tại và có tích lũy vừa phải để phát triển, chứ không phải theo kiểu lạm thu. Mặt khác, y tế công cũng phải có giá trần chứ không phải muốn tính bao nhiêu thì tính là chết người bệnh”.

“Đi chữa bệnh thì ai lại chẳng muốn được về sớm? Ham mê chi cái chuyện nhập viện, nằm viện lâu ngày. Đã không làm việc kiếm tiền được, lo đủ thứ, còn tốn thêm viện phí rồi sinh hoạt phí ở bệnh viện rồi người nhà phải chăm sóc.

Có trải qua mới biết như thế nào, mình bệnh, cho thuốc uống, thuốc hoài nó không hết. Đến khi bác sỹ cho toa ngoài, tự đi ra ngoài mua thuốc, uống cái hết liền, hết chảy máu liền”, một bệnh nhân từng “ra, vô” phòng mổ 5 lần trong một năm chia sẻ.

“Nói thiệt là nhiều khi mình mua bảo hiểm chỉ để cho có, đúng nghĩa với hai từ bảo hiểm, phòng có nhập viện thì đỡ chi phí thôi. Chứ đi khám bảo hiểm rồi lấy thuốc bảo hiểm, chờ đợi nó đông. Đó là chưa kể đến cái việc thuốc bảo hiểm lâu hết bệnh hơn nữa.

Đợt đó mình có đi khám, lỡ lần đầu khám bảo hiểm. Đến lúc tái khám, mình nói với bác sỹ thôi cho em thuốc ngoài bảo hiểm cũng được, em có thể chi trả được. Thì bác sỹ ái ngại, họ kêu thông cảm, tại lần đầu khám bảo hiểm nên giờ cũng phải như vậy, không thay đổi được. Họ đảm bảo sẽ cho thuốc bảo hiểm tốt nhất. Thôi thì chịu”, anh Minh, bệnh nhân từng đi khám ở một bệnh viện trong Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

“Lúc trước nhắn đến bệnh viện tư là ái ngại vụ tiền dữ lắm. Nói vui, có trải nghiệm rồi mới thấy, xứng đáng với đồng tiền bát gạo từ nhập viện cho đến thuốc thang. Mình từng từ chăm người bệnh ở bệnh viện công sang bệnh viện tư, nên thói quen vẫn như cũ.

Cần gì qua phòng điều dưỡng liên hệ, sang đây họ kêu mình đi chi mắc công, bấm nút, nói vào thiết bị là họ qua, mình khỏi đi. Rồi còn có giường nằm riêng cho người nuôi bệnh. Dĩ nhiên, nói vậy không phải chê bệnh viện công. Nhưng thiết nghĩ nhà quản lý y tế phải có chính sách cải thiện phối hợp với bệnh viện sao cho bệnh nhân được thoải mái nhất có thể chứ. Đứng trên góc độ người dân là phải thực tế, trải nghiệm chứ”, một thân nhân nuôi bệnh chia sẻ.

“Xem tin tức, báo đài, được biết, bà Đào Hồng Lan không phải xuất thân từ y tế, càng chưa bao giờ là bác sỹ, điều dưỡng. Vậy liệu bà có hình dung, hiểu ra hết tình hình của người bệnh cũng như chia sẻ được nỗi niềm của y bác sỹ hay không? Có những cái phải “trải nghiệm” mới biết, chứ ngồi bàn giấy thì…”, ông Hai nói trong nỗi niềm lấp lửng.

Nếu đúng như bà Lan nói, nhà quản lý, Chính phủ đứng trên góc độ bệnh viện lẫn người dân, điều đó thật đáng mừng. Vậy thì vấn đề về thiết bị y tế, thuốc men… có lẽ, cũng sắp sửa được giải quyết một cách thoả đáng, đúng tâm tư nguyện vọng là mau hết bệnh của đại đa số người dân.

Hơn hết, nó còn là câu chuyện xa của “do dân, vì dân”…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)