Đông Đô
(VNTB) – Chính phủ yêu cầu người dân “ai nơi nào, ở yên chỗ đó”để nâng cao ý thức hạn chế ra ngoài trong thời điểm hiện tại.
Hiện nay, một cuộc “sống chậm” lại đang tái diễn ra bên trong những khu cách ly và kể cả bên ngoài, khi mà Chính phủ yêu cầu người dân “ai nơi nào, ở yên chỗ đó”, và đây cũng đang là khẩu hiệu được chia sẻ rộng rãi để nâng cao ý thức người dân hạn chế ra ngoài trong thời điểm hiện tại.
Ngày 5-5, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh đã ký lệnh hỏa tốc yêu cầu người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết. Người đứng đầu cơ quan hành chính Hà Nội cho rằng cần huy động cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, bất ngờ vào cuối giờ chiều ngày 5-5, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản yêu cầu các trường học cần kết thúc sớm niên khóa 2020/2021 vào ngày 9-5 tới đây, có nghĩa năm nay học trò sẽ nghỉ hè rất sớm, từ ngày 10-5 và cũng không phải đi học hè vì yêu cầu ‘tránh tụ tập’ để phòng dịch.
Với việc phát hiện ít nhứt 14 ca dương tính tại bệnh viện Nhiệt đới trung ương khu vực Đông Anh Hà Nội, và nhiều ca lây nhiễm từ các điểm ăn chơi tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng… với các ca mang biến chủng B.1.617.2 lây ra cộng đồng, cho thấy đợt lây nhiễm cộng đồng lần thứ tư đã đến và rất nguy cấp.
Dự đoán nó sẽ bùng lên tại các tỉnh biên giới phía Nam hoặc Sài Gòn đã sai, dù tình hình Campuchia phức tạp. Do các tỉnh phía Nam phòng dịch tốt hơn hay vì sao?
Tình hình này cho thấy Sài Gòn cần siết chặt quản lý các đường bay từ Đà Nẵng trở ra phía Bắc, cũng như các phương tiện vận chuyển khác. Bởi nếu không thì một khi biến chủng lây lan diện rộng, chỉ cần 1% Ấn Độ đã là thảm họa.
Ở tầm quản lý vĩ mô, khác tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, với tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, thì theo thông tin được nêu ra trong thông cáo báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2021, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 5-5, thì Bộ Y tế được giao thực hiện chịu trách nhiệm rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định về dịch, nguy cơ lây nhiễm (như có nguy cơ, nguy cơ cao, thấp…) trong cộng đồng, đề xuất, hướng dẫn các giải pháp cụ thể và thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra.
Từ đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, quyền hạn, tình hình cụ thể, từ các tiêu chuẩn, tiêu chí của Bộ Y tế, chủ động quyết định các biện pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, vừa bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nguyên tắc quản trị quốc gia của ông là đồng ý tăng cường phân cấp, phân quyền từ trung ương tới địa phương trong công tác phòng chống dịch, song phải làm việc trên tinh thần “đúng vai, thuộc bài”, và “Chính phủ không làm thay cho tỉnh, cho huyện, cho xã”.
Trước đó, hôm 2-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu lãnh đạo Đà Nẵng, Hà Nam, Yên Bái căn cứ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Ban Chỉ đạo, của Bộ Y tế để rà soát lại và căn cứ vào hậu quả xảy ra để tập trung kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể, kể cả áp dụng biện pháp xử lý hình sự.
“Điểm mới của điều hành từ yêu cầu trên, là ông Phạm Minh Chính đã sử dụng cả quyền lực hành chính lẫn quyền lực Đảng để quản trị. Chính điều này cho thấy rất nhanh ngay sau đó một số lãnh đạo chính quyền lẫn cấp Tỉnh ủy, Thành ủy đều tự nhận kỷ luật dù còn ở mức tượng trưng là… phê bình.
Thế nhưng đó là điều mà ở ba lần bùng dịch trước dưới thời ông Nguyễn Xuân Phúc, tất cả đều bình chân như vại” – biên tập viên Nguyễn Nam của trang Việt Nam Thời Báo, nhận xét như vậy.