Việt Nam Thời Báo

VNTB- An giấc nghìn thu người Bôn-sê-vích cuối cùng

Anh Văn

(VNTB) – “Lũng đoạn quyền lực, độc quyền chân lý” thời hòa bình đã thay thế dần “nhân phẩm và sự nhiệt huyết” thời cách mạng.



Fidel Castro – người cha của cách mạng cộng sản Cuba, hay “kẻ bạo chúa” (theo cách gọi của giới phương Tây) ở pháo đài Cộng sản vùng Tây Bán cầu đã trút những hơi thở cuối cùng, sau khi toại nguyện gặp được những người cộng sản anh em Việt Nam sang thăm.

Cũng như nhiều lãnh tụ cộng sản khác, Fidel Castro là người bước lên địa vị quyền lực từ cuộc chiến tranh nhân dân chống lại áp bức, bóc lột gắn liền với chủ nghĩa đế quốc – thực dân. 

Năm 1953, khi đứng trước tòa, ông đã tự bảo vệ mình và với câu nói nổi tiếng: “Lên án tôi. Nó không quan trọng. Lịch sử sẽ xóa án cho tôi.”

Và cũng như nhiều vị lãnh tụ cộng sản khác, sau chiến thắng 1/1959 – ông nắm quyền thủ tướng trong 32 năm liền (1976-2008); 50 năm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Cuba (1961-2011) để tiếp tục xây dựng CNXH và chống lại đế quốc.

Ông ra đi, để lại một di sản lịch sử và đất nước hiện tại. Cuba vẫn nổi bật với giáo dục miễn phí từ 5 tuổi cho đến khi tiến sĩ; y tế miễn phí và phát triển nằm trong tọp 20 của thế giới. Và 20% GDP từ khai thác du lịch.

Sức mạnh đó là sức mạnh đến từ nỗ lực của sự bao vây, cấm vận. Vào tháng 10/2016, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã tiếp tục thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba, được áp đặt từ năm 1962. Biểu hiện đậm nét là nhà lãnh đạo Cuba đã từng tuyên bố Cuba “là nước duy nhất trên thế giới mà không cần đến thương mại với Mỹ.” Không có thương mại với đế quốc Mỹ, nhưng Cuba vẫn đảm bảo sữa-giáo dục – và y tế cho người dân; không khiến cho người dân phải xếp hàng mua giấy vệ sinh như bên Venezuela hay ngày ngày đối diện với tiếng gào thét hạt nhân như Bắc Triều Tiên, thậm chí không có nạn quá tải bệnh viện hay giáo dục mục nát như Việt Nam. Đó hẳn vẫn là một thành tựu đáng ghi nhận khi nhìn quanh các khối nước theo CNXH, hay nhìn về những nước thần quyền ở châu Phi.

Fildel Castro vẫn luôn bày tỏ sự tin tưởng vào mô hình XHCN – nó vẫn đẹp trong mắt ông. Và chỉ thực sự đẹp khi và chỉ khi những người thực hiện nó (cộng sản) là những người xây dựng với sự nhiệt huyết và nhân phẩm như ông từng thừa nhận. Và chỉ có như thế, thì mới “có thể sản xuất vật chất và tinh thần mà con người cần”. Đáng tiếc, điều này không phải lúc nào cũng được những người cộng sản thực hiện tốt, nên “lũng đoạn quyền lực, độc quyền chân lý” thời hòa bình đã thay thế dần “nhân phẩm và sự nhiệt huyết” thời cách mạng.

Do đó, sự đặc trưng cách mạng Cuba không thoát ra khỏi đặc trưng của thể chế cộng sản và đám mây CNXH khi nó biến một con người lý tưởng nhất – dấn thân nhất cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thành một lực cản – đánh phá sự phát triển xã hội – ở đây là Cuba. Lý tưởng XHCN dù cao đẹp đến bao nhiêu, thì nó cũng không ngăn cản những yếu tố Cộng sản xuất hiện trong xã hội, trong đó bao gồm: bắt giam nhà bất đồng chính kiến, ngăn cản quyền tự do lập hội và một nền kinh tế phi thị trường,…

Theo báo Tuổi Trẻ cho biết, vào tháng 8/2016, chỉ tính riêng 2 năm trở lại – “hàng chục ngàn người Cuba đã vượt qua biên giới Mexico – Mỹ và vượt biển với hy vọng đến được Florida do lo ngại chính sách nhập cư giữa hai nước sớm thay đổi trong bối cảnh quan hệ ngoại giao ấm dần lên (sự thay đổi này được hiểu là người Cuba vượt biên sẽ không được hưởng quyền không cần thị thực khi đặt chân tới Mỹ).”

Dòng người trốn chạy ra khỏi đất nước không phản ánh hết được bản chất của thể chế, nhưng nó cũng cho thấy thể chế đó thực sự có vấn đề – mà vấn đề lớn nhất là sự đảm bảo quyền con người không được thực hiện theo hệ thống phổ quát mà thế giới đề ra.

Trở về với cái chết, không ai rõ khi ông ra đi, ông đã có dặn dò gì cho Chủ tịch nước Việt Nam, nhưng nếu đó là lời “hãy hỏa táng tôi” và việc hỏa táng được nhà nước Cuba thực hiện một cách nghiêm túc, thì hẳn đó là một lời nói sáng suốt sau cùng của một nhà độc tài cộng sản nhân dân, và lời nói chân thực nhất của một Bôn-sê-vích thời sơ khai.

Người Bôn-sê-vích với tinh thần cách mạng triệt để (làm cách mạng với 82 đồng chí của mình) đã ra đi. Dù còn nhiều bàn cãi với di sản để lại, bên cạnh cảnh ăn mừng, cũng không ít quốc gia và cá thể, tổ chức đã lên tiếng chia sẻ với sự ra đi này bằng cụm từ “R.I.P Fidel Castro” (Requiescat In Pace – yên giấc ngàn thu). Ít nhất là chia sẻ quan điểm không quá “tham quyền cố vị” của ông như ông đã từng tuyên bố từ chức Chủ tịch Hội đồng nhà nước Cuba vào năm 2008, vì nó đòi hỏi trách nhiệm cao hơn khả năng và sự cống hiến mà ông có thể làm được.

Blogger Quyền Cao Xuân trong một chia sẻ cho biết, ông khâm phục khả năng chịu đựng, sự quả cảm, sự kiên cường của Fidel và các đồng chí của ông. Các phẩm chất hàng đầu của những nguời đấu tranh. Nhưng đồng thời, ông cũng “kinh tởm sự độc tài và tàn bạo của ông đã nhấn chìm đất nước Cuba giàu đẹp vào địa ngục của nghèo đói.”

Với đất nước và người dân Cuba, cái chết của người lãnh tụ cách mạng đưa đất nước này chuyển biến sang một trang mới. Lựa chọn tương lai như thế nào sẽ hoàn toàn nằm trong tay họ. Bởi nếu tiếp tục dựa trên một quan điểm nổi tiếng của Fidel Castro vào năm 1959 thì, “Một cuộc cách mạng không phải là một luống hoa hồng. Cách mạng là cuộc đấu tranh giữa tương lai và quá khứ”.

Tin bài liên quan:

VNTB – Kinh tế XHCN: Thành tựu là bề mặt, bản chất là khủng hoảng

Phan Thanh Hung

VNTB -Xu hướng của nhà nước kiến tạo Việt Nam: ưu tiên tăng trưởng kinh tế?

Phan Thanh Hung

VNTB- Cánh Buồm khai phóng tự giáo dục ở trẻ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.