Ngay sau tết nguyên đán 2016, chính trường Việt Nam đã phát tín hiệu bốc hỏa.
Hình Internet
BBC trở thành hãng tin nhanh nhạy nhất về sự kiện này khi trong cùng một ngày đã liên tiếp đưa ra hai tin tức trái ngược về việc thủ tướng vừa ra khỏi Bộ chính trị Việt Nam sau đại hội 12 của đảng cầm quyền – ông Nguyễn Tấn Dũng – sẽ không thể dự hội nghị thượng đỉnh Asean do Tổng thống Mỹ Barack Obama tổ chức tại Sunnylands, California ngày 15 và 16/2/2016 với lý do “bận việc”; nhưng sau đó lại “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dự hội nghị thượng đỉnh Asean ở California, sau nỗ lực ngoại giao của Mỹ”.
Mặc dù về danh nghĩa, Thủ tướng Dũng vẫn còn đương chức đến ngày 22/5/2016 là thời điểm Quốc hội Việt Nam tổ chức bầu cử khóa 14, nhưng trên thực tế ai cũng hiểu là tất cả những nhân vật đã ra khỏi Bộ chính trị không còn giữ được thực quyền, và thời gian từ sau đại hội 12 đến bầu cử quốc hội chỉ mang tính “chuyển giao quyền lực”.
Đại hội 12 là một cuộc đấu cực kỳ gay go về quyền lực. Trước đại hội này, Thủ tướng Dũng bất ngờ “xin rút”. Ngay cả vòng giới thiệu ứng cử viên cho Ban chấp hành trung ương của hơn 1,500 đại biểu dự đại hội cũng chỉ xác nhận 41% ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng “đi tiếp”. Không đủ số, ông Dũng đã bị loại.
Tuy nhiên mọi sự vẫn chưa yên ấm. Dù bị loại khỏi Bộ chính trị, ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn phải đối mặt với một nguy cơ “hồi tố” nào đó từ phía những người đồng chí không đồng lòng. Ngay sau đại hội 12, dường như đang xuất hiện một cuộc “thanh lý” mới nhằm vào ông và có thể cả với những nhân sự dưới quyền đã từng ủng hộ ông trong suốt nhiều năm trước.
Cùng với việc ông Đinh La Thăng – tân ủy viên bộ chính trị và là một nhân vật người Bắc – được bổ nhiệm vào giữ chức bí thư thành ủy Sài Gòn, thế cục đang trở nên bất lợi hẳn cho những người có gốc gác Nam Bộ. Trong số 19 ủy viên bộ chính trị hiện nay, chỉ có 5 người Nam. Trong khi ở khóa trước, tỷ lệ Nam Bộ cao hơn khi có 7 người Nam trong số 16 ủy viên bộ chính trị.
Vậy ông Nguyễn Tấn Dũng đang nghĩ gì và có thể làm gì?
Một dấu hiệu đáng chú ý là sát giờ giao thừa tết nguyên đán 2016, một tác giả ẩn danh là “Người cấp tiến” đã gửi đến trang mạng Ba Sàm hai tài liệu thanh minh cho ông Nguyễn Tấn Dũng – một của Ủy ban kiểm tra trung ương đảng, và một của ông Lê Hồng Anh – ký với tư cách Thường trực Bộ chính trị. Hai tài liệu này giải thích cô Nguyễn Thanh Phượng – con gái của ông Dũng – “không có quốc tịch Mỹ”, cùng một số nội dung khác.
“Người cấp tiến” cũng là tác giả đã cung cấp bức thư chấn động dài đến 9 trang đánh máy trước đại hội 12, được cho là của Thủ tướng Dũng gửi cho Bộ chính trị, thanh minh về 12 điểm mà ông Dũng bị cáo buộc.
Có một khả năng là hai tài liệu mà “Người cấp tiến” gửi cho trang Ba Sàm vào thời điểm cận tết liên quan trực tiếp đến chuyến đi của ông Nguyễn Tấn Dũng đến California.
Cũng có một khả năng một lực lượng chính trị trong đảng không muốn cho ông Dũng xuất hiện trong cuộc gặp sắp tới với tổng thống Mỹ. Thay vào đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh được cử tham dự hội nghị này.
“Nhưng đến cuối ngày thứ Sáu 12/2, các nguồn tin tiết lộ Việt Nam thông báo với phía Mỹ rằng Thủ tướng Việt Nam sẽ dẫn đầu đoàn. Được biết một quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ đã điện đàm với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hôm 12/2. Trước đó, Đại sứ Mỹ Ted Osius cũng xin gặp phía Việt Nam để thuyết phục” – BBC đưa bản tin có lẽ chưa phải cuối cùng.
Hậu đại hội 12, cuộc chiến quyền lực có lẽ vẫn chưa kết thúc.
Lê Dung / SBTN