Phạm Lê Đoan
(VNTB) – Hà Nội cần trả lời là vì sao đã ‘từ chối’ mua vắc xin AstraZeneca mà Ba Lan nhượng lại cho Việt Nam?
Tin tức cho biết, Chính phủ Ba Lan sẽ bán 6 triệu vắc xin từ nguồn thặng dư của mình cho Việt Nam trên cơ sở phi lợi nhuận. Quyết định của chính phủ đã được Bộ trưởng Michał Dworczyk xác nhận vào thứ Ba, ngày 10 tháng 8, 2021 trong cuộc họp quốc hội với Ngài Đại sứ Việt Nam Nguyễn Hùng, nhóm nghị sĩ Ba Lan-Việt Nam và ban lãnh đạo Hội Hữu nghị Ba Lan-Việt Nam “Tương lai”. (Nguồn: https://trybuna.info/polska/szesc-milionow-szczepionek/)
Ngày 17-8-2021, trên báo Thanh Niên đưa tin, Ba Lan tặng Việt Nam 501.000 liều vắc xin AstraZeneca và sẵn sàng nhượng lại thêm 3 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 cho Việt Nam. (https://thanhnien.vn/thoi-su/ba-lan-tang-va-nhuong-lai-cho-viet-nam-hon-35-trieu-lieu-vac-xin-ngua-covid-19-1432074.html)
Có thắc mắc: Cớ sao Ba Lan thừa vắc xin, họ muốn bán rẻ giá gốc cho Việt Nam, cho máy bay quân sự chở đến miễn phí. Nhưng rồi Hà Nội đã hứa mua chỉ 3 triệu liều mà vẫn không mua, cuối cùng cũng chỉ nhận nửa triệu liều họ cho không cùng với trang thiết bị y tế. Trong khi đó có vẻ Hà Nội lại vội vàng mua vắc xin của Trung Quốc?
Trong bản tin ghi ngày 30-7-2021 trên Trybuna, có kể rằng Hội Hữu nghị Việt Nam – Ba Lan và Hội Hữu nghị Ba Lan – Việt Nam đã có những bàn bạc thỏa thuận mua lại với giá ‘phi lợi nhuận’ và được phía Bộ Y tế Ba Lan thông báo với bước đầu là ít nhất 1 triệu liều vắc xin sẽ được ‘nhượng’ lại cho Việt Nam. (https://trybuna.info/polska/milion-szczepionek-dla-wietnamu/).
Tuy nhiên ghi nhận trên Cổng thông tin về tiêm chủng Covid-19 của Việt Nam, không ghi nhận số lượng vắc xin mua từ Ba Lan – https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal.
Có ý kiến dường như ở góc độ khác, Việt Nam khi mang danh thành công trong công việc chống dịch như rất nhiều lần được thể hiện trong các diễn văn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì trong các cuộc mặc cả mua vắc xin cũng cần “nhường” cho những quốc gia cần hơn, chắc là tâm lý của người mua cũng như người bán vào thời điểm cuối 2020.
Trước đó, trong lá thư kêu gọi được đăng ngày 30-3-2020, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đầy phấn khích:
“Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, thống nhất triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội; bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực, thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc chiến đấu chống đại dịch, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao”.
Thật ra thì ngay cả mấy tháng trước đây thôi, người đứng đầu Bộ Chính trị vẫn tự tin khi tiếp tục nhắc lại quyết tâm “Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch Covid-19, phải chiến thắng bằng được”.
Dẫn chứng, ngày 29-7-2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.
Đọc phần kết của lời kêu gọi này, qua đó có thể nhận ra tầm nhìn của người đứng đầu hệ thống chính trị trong đánh giá về dịch bệnh Covid-19:
“Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của đất nước ta, dân tộc ta!”.
Liệu có nên tiếp tục tin tưởng vào tài “lãnh đạo toàn diện” của Tổng bí thư Đảng như quy định tại Điều 4, Hiến pháp 2013?