Hồng Hà
(VNTB) – Giang hồ mạng vẫn quen gọi ông Tổng là bác cả, giờ bác cả lại tiếp tục làm ông Tổng…
Những ngày qua, trên các tờ báo điện tử, bên cạnh các vấn đề về dịch Covid, tin tức về đại hội đảng luôn là vấn đề được quan tâm đến.
Nếu dịch ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thì đại hội đảng lại ảnh hưởng đến tinh thần của người dân. Những tin chính thống được đăng trên báo, trên trang thông tin chính phủ, những tin đồn hành lang…, dù có thể không được sôi nổi, người dân bàn tán tự do rôm rả như bầu cử Mỹ, thích ông này, không thích ông kia, chẳng sợ bị ghép vào hai chữ “phản động”, nhưng cơ bản là cũng thú vị.
Thú vị ở chỗ nào? Là ở những lời đồn đoán, có người tiên đoán ông này làm cái này ông kia cái kia. Có người thì thắc mắc, liệu rằng Việt Nam có như Nga, sửa hiến pháp để ông Putin tiếp tục làm tổng thống, Việt Nam sẽ sửa điều lệ Đảng để có thể tiếp tục Tổng bí thư?
Mọi cái thắc mắc, mọi lời đồn đoán đều được giải đáp khi Tổng bí thư hiện tại được nhiều người tín nhiệm, tiếp tục ngồi tiếp ở nhiệm kỳ mới. Có thể nói đây là một tin đem lại nhiều cảm xúc: tự hào có, vui có, buồn có, lo lắng cũng có luôn.
Cái cảm xúc đầu tiên là tự hào. Theo thông tin trên nhiều báo, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tốt nghiệp cử nhân văn chương ra, mấy chục năm sau, tôi cũng vậy – cũng cử nhân văn chương. Không tự hào sao được khi thế hệ cha chú mình học cùng ngành với mình, mà được làm đến cái ghế Tổng bí thư.
Sau đó là những cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Vui vì chắc là lò sẽ tiếp tục được thổi lửa, những cây củi sẽ tiếp tục được đốt, những người làm cho đời sống của người dân bị thiệt hại, khó khăn sẽ bị đem ra trừng trị (có lẽ vậy). Tuy nhiên, cũng buồn vì trên thực tế, trong năm vừa rồi, từ câu chuyện của Đồng Tâm cho đến câu chuyện cuối năm của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
Trong một bài viết đăng trên báo công an nhân dân năm 2016 về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dưới góc nhìn của phóng viên quốc tế, xin được dẫn một đoạn trong bài viết: “Syvanh Homsayddesh nói: Ở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng toát lên sự thân thiện, chân thành. Chúng tôi đã rất xúc động khi Tổng Bí thư gửi lời cảm ơn báo chí và có nhắc đến thời kỳ ông từng làm báo nên thấu hiểu nỗi vất vả, khó nhọc của người làm báo”.
Tôi không phải là phóng viên quốc tế, càng không phải người viết báo (chẳng có người viết báo nào lại viết lung tung, đầy yếu tố cảm xúc như tôi cả) nhưng thiết nghĩ một điều rằng, trong chương trình học văn chương, có học dòng văn học hiện thực phê phán, văn học thời kỳ 1930 – 1932…, đọc các tác phẩm của nhà văn thời đó như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Hồ Biểu Chánh… cũng phần nào thấu hiểu được nỗi vất vả của người dân; thì việc ông Trọng hiểu cũng là lẽ thường tình.
Tuy nhiên, hình như học không đi đôi với hành hay sao mà hiểu những nỗi vất vả, khó nhọc như vậy mà lại có thể chấp nhận cho việc đóng cửa một số tờ báo, quy hoạch báo chí, phạt vạ báo chí, bắt nhà báo bỏ tù…. Có thể nói, một tờ báo không chỉ là đưa thông tin đến cho các độc giả mà còn là sân chơi của những người mê viết lách – như Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, hay đơn giản hơn, đó là “chén cơm” của nhiều người.
Cái cảm xúc cuối cùng là lo lắng. Không lo sao được, bác cả tuổi tác đã lớn, có thể nói là nhỏ hơn ông anh hai của… ba tôi tí xíu à (tức người tôi gọi là bác hai).
Người già sao có thể tránh khỏi suy giảm sức khỏe do tuổi tác? Ở cái độ tuổi này, thay vì sống vui vẻ, chan hòa bên con cháu, ông phải dốc sức gánh vác việc đất nước, thương lắm chứ bộ. Thay vì bộ não được nghỉ ngơi, ông phải ráng nhớ cái này, ráng làm cái kia. Có thể nói, ông là người rất chịu hy sinh vì đất nước, được nhiều người tín nhiệm, mặc kệ sức khỏe có ổn hay không, vẫn vui vẻ chấp nhận tái nhiệm cái chức Tổng bí thư, quyết không để cho người khác phải “lao tâm khổ trí” vì công việc khó khăn này.
Tất cả những cái đó cũng chỉ là cảm xúc mà thôi. Về phương diện nhậm chức, như ở tận Mỹ quốc xa xôi, Biden nhậm chức, ký nhiều văn bản. Liệu rằng với tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhất là cái Tết sắp đến, chính phủ đang tích cực chống dịch, quan cũ nhậm chức liệu sẽ có những biện pháp gì để cùng với chính phủ và người dân chung tay vượt qua những khó khăn này?
Liệu rằng tình hình báo chí, nhân quyền của năm 2021 ra sao? Liệu rằng đời sống người dân có được cải thiện hay cày như trâu mà khó vẫn hoàn khó?
Chợt nhớ lại bài học của vị giáo sư trên giảng đường: “Lo trước cái lo của thiên hạ…”, với một người tốt nghiệp văn chương ra, tin rằng sẽ không vô tâm đến mức làm ngơ đâu hén…
Mong một tương lai sáng sủa cho tình hình tự do báo chí, ngôn luận hơn…