Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Bãi thị” bằng loạt bảng đỏ phản đối chủ chợ ở Đại Quang Minh

Long Đức

(VNTB) – Ngay từ lối vào cổng chợ Đại Quang Minh có hàng loạt biển đỏ với nội dung “phản đối tăng giá thuê trên 200%”, một số sạp còn nghỉ bán để phản đối Satraseco tăng giá cho thuê.

Người Sài Gòn cố cựu vẫn quen gọi đây là thương xá Đại Quang Minh – chợ nguyên phụ liệu ngành dệt may lớn nhất miền Nam, với gần đó là thương xá Đồng Khánh, nơi có khu đèn năm ngọn nổi tiếng của Chợ Lớn.

Tính đến trung tuần tháng 6 này đã có 138/150 tiểu thương tại chợ Đại Quang Minh đã xin ngừng kinh doanh vì cho rằng giá thuê sạp tăng 50-130% sau dịch Covid-19 là bất hợp lý.

“Sạp của tôi rộng có 2,95 m2, giá thuê hiện tại là 3.534.000 đồng/tháng. Ngày 1-7 tới đây thông báo giá sẽ tăng lên 5,85 triệu đồng, đến năm 2023 tăng lên 7,8 triệu đồng, tức là tăng hơn 120% sau một năm. Tăng khủng khiếp như vậy thì tiểu thương buôn bán kiểu gì để mà trả?” – bà Lưu Hữu Trân, tiểu thương tại chợ Đại Quang Minh, nói.

Bà Thức Minh, thuê sạp D1 cho biết 32 năm kinh doanh nguyên phụ liệu ngành may mặc tại chợ Đại Quang Minh, với mức tăng giá thuê sạp này, tiểu thương không thể chịu nổi.

Sạp của bà có diện tích hơn 8m2, hiện tiền thuê sạp mỗi tháng phải trả là 8,03 triệu đồng. Theo lộ trình tăng giá mà công ty Satraseco – đơn vị quản lý chợ Đại Quang Minh đưa ra, từ ngày 1-7, bà phải đóng 14,74 triệu đồng/tháng, tức tăng hơn 80%; giai đoạn hai từ ngày 1-1-2023 là 19,65 triệu đồng/tháng, tức tăng gấp 2,4 lần so với giá thuê hiện nay. “Mức giá mới quá cao, tăng gấp hơn 2 lần trong một năm thì tôi không thể đóng nổi. Giá thuê khiến tôi rất áp lực. Bán lại sau Covid-19, sức mua chưa hồi phục, bữa nào đắt thì được vài ba triệu, bữa nào ế chỉ vài trăm nghìn”, bà Minh cho hay như vậy.

Theo bà Minh, chợ Đại Quang Minh đang xuống cấp. Mùa mưa, nhiều khu vực bị dột. Cả chợ chỉ có một nhà vệ sinh. Khu vực trong chợ sóng điện thoại khá yếu gây khó khăn cho mua bán. Bà nói mức tăng giá hiện không tương xứng với cơ sở vật chất.

“Vào năm 2018 – 2020, giá thuê từng tăng 30%. Tuy nhiên, hợp đồng được ký trong 3 năm cùng cam kết không tăng giá nên chúng tôi đồng ý. Bây giờ tăng tới 120%, làm sao chúng tôi trả nổi trong khi tình hình kinh doanh ế ẩm sau dịch Covid-19?” – tiểu thương Lưu Hữu Trân, kể.

Tiểu thương Lê Văn Cường cho biết giai đoạn năm 1990, để có sạp buôn bán nơi đây, họ phải đóng góp 12 cây vàng, tương đương với một căn nhà ở thời điểm đó. “Khi công ty cổ phần hoá vào năm 2003, chúng tôi đã bị gạt ra ngoài. Là những người đồng sở hữu, chúng tôi phải được chia quyền cổ đông, có cổ phần và được hưởng cổ tức”, ông Cường lập luận.

Công ty cổ phần Thương Mại Dịch vụ Sài Gòn (Satraseco) đã đơn phương gửi thông báo tăng 50 – 130% giá thuê sạp. Việc tăng giá chia thành 2 giai đoạn là 6 tháng cuối năm và đầu năm 2023. Ngoài ra, công ty còn yêu cầu tiểu thương đặt cọc 3 tháng tiền ký quỹ (tiền cọc). Nếu không thực hiện theo thông báo trên, sau ngày 31-5, công ty sẽ tiến hành thu lại mặt bằng.

Các tiểu thương viết đơn và treo bảng ở nơi kinh doanh yêu cầu Satraseco không tăng tiền thuê sạp. Ngoài ra, họ cũng mong muốn được ký hợp đồng 2 năm, tiền thuê tăng từng năm phải phù hợp với điều kiện kinh doanh.

Ông Phạm Thế Hanh, Tổng giám đốc Satraseco cho biết trước khi cổ phần hoá, đây là tài sản của nhà nước. Nếu tiểu thương có giấy tờ chứng minh mình có quyền sở hữu, công ty sẵn sàng hỗ trợ giải quyết các vấn đề khúc mắc.

“Tăng 100% nghe có vẻ lớn nhưng con số chỉ khoảng một vài triệu đồng. Số tiền này không lớn so với doanh thu hàng tháng vài trăm triệu của tiểu thương. Đây chính là những người được hưởng lợi nhiều nhất trong suốt thời gian qua nên họ là những người chống đối quyết liệt nhất và lôi kéo, ngăn cản các tiểu thương khác tiếp xúc, tái ký hợp đồng với công ty” – trích băng trả lời với giới truyền thông của ông Phạm Thế Hanh.

Ông Hanh nhấn mạnh rằng “Satraseco là chủ sở hữu hợp pháp đối với Trung tâm thương mại dịch vụ Đại Quang Minh, bao gồm quyền sở hữu đất đai và các tài sản trên đất. Do vậy, công ty có quyền quyết định đối với việc cho thuê mặt bằng tại đây”.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – “Cấm” hay “hạn chế”?

Trương Thế Tử

VNTB – Niềm tin về ‘gói hỗ trợ an sinh’ giờ đã phôi phai…

Phan Thanh Hung

VNTB – Phóng sự ảnh: cá lóc nướng ngày vía Thần Tài ở Sài Gòn

Phan Thanh Hung

1 comment

Minh 12.06.2022 11:14 at 11:14

Hỏng bét,vài triệu không lơn,bà mẹ chắc tiền mọc trên cây,ứa gan.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.