Anh Văn (VNTB) Khác với điểm nóng BOT Cai Lậy, tăng thuế VAT dường như trầm hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nó lại trùng về mặt bản chất – khi mà cả hai đang tiếp tục tìm cách móc túi dân tăng 33%.
Thu để “phi phát triển”
Theo ước tính của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, 33% tương đương với 59.000 tỷ đồng, và nó cũng đồng nghĩa là “đảm bảo an toàn tài chính quốc gia”. Điều này cũng phù hợp nhận định của Bộ Tài Chính Việt Nam. Thậm chí, ông PGS.TS Lê Xuân Trường, người thẳng thắn chia sẻ rằng, “tăng thuế VAT là để bù đắp nguồn thu và không lý gì Việt Nam không nghiên cứu, sửa đổi theo hướng này”.
Trong khi đó, Văn phòng Chính Phủ có công văn gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2017, trong đó có việc “tiếp tục tập trung nghiên cứu, có giải pháp phù hợp huy động các nguồn ngoại tệ, vàng trong dân phục vụ cho đầu tư phát triển”.
Giữa VAT, BOT Cai Lậy, hay thậm lời nhắc lại của Thủ tướng Phúc cho thấy, tính chất “móc túi dân” đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, khía cạnh khác nhau, mà sức nặng của thuế phí đang khiến người dân phải cong lưng gánh chịu.
Đặt trong câu hỏi: nguồn tiền thu được để làm gì, thì có lẽ cả 3 tính chất sự vụ đều hướng về “sự phát triển”, với BOT là phát triển cơ sở hạ tầng, VAT là bổ sung nguồn ngân sách để chi cho đầu tư phát triển, và việc huy động vốn cũng sẽ có câu trả lời tương tự như vậy.
Nhưng rõ ràng, không ai kiểm định được nguồn tiền mà nhà nước tìm cách truy thu (tận thu) sẽ đi đâu và về đâu, bởi sự thiếu minh bạch trong kế toán, kiểm toán nguồn tiền trong hệ thống nhà nước. Bởi từng có thời điểm, nhà nước sử dụng đồng tiền vay mượn trong dân để cho các tập đoàn nhà nước “thử nghiệm” kinh doanh, kết quả trả lại là thua lỗ, phá sản.
Và nay, nguồn tiền mà tự cho nó là dùng để “phát triển” thực chất chỉ là nguồn bổ sung ngân sách để… trả nợ. Mới nhất đây (08/2017), báo cáo của Bộ Tài chính mới công bố đã cho thấy Việt Nam lại bội chi ngân sách nửa đầu năm 2017, trong bối cảnh chi thường xuyên chiếm đến 71% tổng số chi ngân sách, chi trả nợ thì chiếm đến 24,5%. Như vậy không còn khả năng chi cho đầu tư.
Thâm hụt ngân sách và gia tăng thu giờ đây chính xác nằm trong cụm từ “phi phát triển”.
Minh bạch chính sách và móc túi dân
BOT Cai Lậy thiếu minh bạch ttừ khi đặt bút soạn thảo hợp đồng cho đến quản lý đã gây những hệ quả bất ổn cả về mặt chính trị – xã hội như hiện nay, thì việc tăng thuế VAT hay tìm cách huy động nguồn vàng, USD trong dân sẽ để lại những “hệ luỵ khó lường” (như cách mà báo NLĐ số ra ngày 17/08 sử dụng), bởi thiếu minh bạch là một trong những căn nguyên khiến cho Việt Nam liên tục đội sổ về tham nhũng trong các thập niên gần đây, mà mới nhất là báo cáo của tổ chức Minh bạch Quốc tế về tham nhũng toàn cầu năm 2016 công bố hôm 25/01/2017, đã xếp Việt Nam vào danh sách những nước có tham nhũng nghiêm trọng khi điểm số mà Việt Nam nhận được là 33/100.
Và giờ người dân có quyền dựa trên sự thiếu minh bạch đó để tin tưởng rằng, nguồn tiền thu được sẽ tiếp tục được dùng cho những vấn đề phi phát triển.
Thiếu minh bạch cũng là tình trạng đặt người dân vào thế đã rồi, BOT Cai Lậy đã không lấy ý kiến dân nên giờ đây trách nhiệm đùn đẩy giữa chính quyền tỉnh Tiền Giang với Bộ GTVT; tăng thuế VAT cũng không lấy ý kiến người dân; đến cả huy động vàng/ USD cũng chưa đặt một câu hỏi cho dân. Nhưng khi hậu quả xảy ra, thì dân lại là nhóm chủ thể hoàn toàn phải gánh chịu (giá nhà tăng, phí dịch vụ công tăng).
Nếu ai đó bảo, đó là do nước ta chưa có phương thức để hỏi ý kiến người dân, thì có lẽ họ đã bỏ quên Luật Trưng cầu ý dân, một văn bản luật giúp người dân tham gia chủ động, tích cực vào việc quyết định các công việc của Nhà nước và xã hội, đồng thời phản ảnh giá trị tư tưởng trọng dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc; mà các vấn đề được trưng cầu dân ý là những vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước.
BOT có quan trọng không? Có! Huy động vàng/ USD trong dân có quan trọng không? Có! Tăng thuế VAT lên 12% ảnh hưởng hàng triệu người có quan trọng không? Có! Vậy mà ý kiến dân chưa được đoái hoài đến.
Do đó, bản chất của VAT, BOT Cai Lậy hay huy động vàng/ USD trong dân – như đã nói, là một việc làm “móc túi dân” không hơn không kém, dù nó cố tình núp dưới mỹ từ nào đi chăng nữa!