Nhiều năm trước, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra vô cùng ậm ạch với đủ thứ lý do. Nhưng chỉ mới từ cuối năm 2015 sau phát pháo hiệu của thủ tướng lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng cho đến nay, tốc độ bán vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn bất thần tăng vọt.
(Ảnh minh họa: thoibaotaichinhvietnam.vn)
Nếu thời điểm cuối năm 2015 chứng kiến Thủ tướng Dũng báo cáo sẽ bán cổ phần tại những doanh nghiệp nhà nước, kể cả “con bò sữa” như Vinamilk như một cách lấy thành tích và phần nào để “bù đắp khó khăn ngân sách”, trong bối cảnh “ngân sách trung ương chỉ còn 45,000 tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì”, nay Thủ tướng Phúc đang tiếp tục “kiến tạo” những gì mà ông Nguyễn Tấn Dũng làm trước đó.
Ngân sách không chỉ “khó khăn”, mà là nguy ngập!
Tại cuộc họp với các bộ ngành về chủ trương bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Chính phủ tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tiếp tục bán vốn tại Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) và bán cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại 10 doanh nghiệp như Công ty CP Sữa VN (Vinamilk), Tổng công ty CP Bảo Minh, Tổng công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia VN, Công ty CP nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty CP FPT, Công ty CP viễn thông FPT…
Theo một chuyên gia ngành tài chính, nếu bán hết vốn nhà nước tại 10 công ty thuộc SCIC cùng Habeco, Sabeco, Nhà nước có thể thu được tới 7 tỉ USD (khoảng 150,000 tỉ đồng).
Con số 150,000 tỷ đồng trên, bằng khoảng 13% chi ngân sách năm 2016, là một số tiền lớn và đáng kể trong bối cảnh đảng không biết lấy tiền đâu để chi xài.
Thực ra, cuộc cách mạng bán tháo vốn nhà nước đã diễn ra ngay vào đầu năm 2016, để đến giữa năm phía chính phủ “xông xênh” bước ra trước Quốc hội với món tiền bán vốn được 10,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chừng đó vẫn là quá ít.
Trong khi kế hoạch bán đường, bán cảng, bán sân bay… mà Thủ tướng Dũng chỉ đạo các bộ ngành “nghiên cứu thực hiện” vẫn chưa đâu vào đâu, đơn giản là vì chưa có ai mua, thì việc rút tiền của nhà nước từ các doanh nghiệp có sẵn vốn nhà nước là chóng vánh và thuận lợi nhất.
Số tiền 150,000 tỷ đồng trên, ngay trước mắt sẽ bù đắp cho khoản bội chi ngân sách năm 2016 có thể lên đến 150,000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sau khi bán những cổ phần ngon ăn và màu mỡ nhất tại các doanh nghiệp, chính quyền Việt Nam còn gì để bán?
Mới đây, một chuyên gia kinh tế là bà Phạm Chi Lan đã phải thốt lên rằng các nguồn lực đã cạn kiệt. Vậy lấy gì để bảo đảm cho “kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2016 – 2020”?
Cũng trong thời gian gần đây, Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính một lần nữa “nhìn trộm túi quần dân chúng”: 500 tấn vàng vẫn còn rải rác trong dân, làm thế nào tung “chứng chỉ vàng” để thu gom tất cả, lấy vàng chi xài cho ngân sách và đổi sang ngoại tệ để trả nợ nước ngoài, còn phần trả vàng cho dân chúng thì để các chế độ sau gánh!
Lê Dung / SBTN