VNTB – Bản Lên Tiếng Của Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại-Quốc Nội Ngày Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng 12 năm 2022

VNTB – Bản Lên Tiếng Của Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại-Quốc Nội Ngày Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng 12 năm 2022

 

Ngày 10 tháng 12 năm nay đánh dấu kỷ niệm thứ 74 Ngày Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. Ý nghĩa Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời vào năm 1948 là nhằm khẳng định tính phổ quát của quyền làm người, tức là nhìn nhận trách nhiệm chung của tất cả thành viên Liên Hiệp Quốc phải tôn trọng và phát huy những nhân quyền căn bản.

Mỗi năm vào dịp này, tình hình nhân quyền trên toàn thế giới và tại mỗi quốc gia cũng cần đem ra duyệt xét. Riêng tại Việt Nam, chính quyền cộng sản đang triệt để khai thác việc quốc gia này mới đắc cử vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên hiệp quốc để tuyên truyền về những cái gọi là thành quả và uy tín của Việt Nam trong lãnh vực nhân quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, theo các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, tình hình nhân quyền tại Việt Nam vẫn tiếp tục tồi tệ.

Về mặt chính trị, quốc gia này vẫn theo thể chế độc đảng dưới sự cai trị của đảng cộng sản, và giới lãnh đạo Việt Nam không có dự tính thúc đẩy hay chấp nhận bất cứ thay đổi nào đối với mô hình độc đoán họ theo đuổi . Tình trạng này đưa đến những hậu quả rõ ràng và cụ thể cho người dân, điển hình là hiện tượng giam cầm tùy tiện, tuyên và xử án tử hình không minh bạch và tùy tiện, và những biện pháp cản trở sinh hoạt của xã hội dân sự.

Việt Nam tiếp tục vi phạm một cách có cơ chế và hệ thống quyền tự do biểu đạt bằng cách giam cầm những công dân khi họ bày tỏ quan điểm dù là qua những hình thức bất bạo động. Theo tổ chức Human Rights Watch, quốc gia này hiện có trên 150 tù chính trị. Theo tổ chức Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia trên thế giới giam giữ nhiều nhà báo nhất trong năm 2021, với 23 nhà báo bị giam giữ. Theo Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, cho đến tháng 5 năm 2022, số người bị kết án tù nhiều năm vì lý do chính trị hay tôn giáo là 290.

Phúc trình ngày 11/11/2022 của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về quyền dân sự và chính trị (Covenant on Civil and Political Rights – CCPR) đánh giá Việt Nam thuộc nhóm E, thấp nhất trong thang từ A xuống, về việc thực thi khuyến nghị của cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong lĩnh vực tự do ngôn luận và án tử hình. CCPR bày tỏ quan ngại về những nghị định nhằm hạn chế thêm nữa quyền tự do ngôn luận. CCPR cũng nêu rõ chính phủ Việt Nam không tôn trọng qui trình xét xử công bằng đối với những trường hợp bị tuyên án tử hình, không cung cấp thông tin về việc giảm án cho tử tù, và không công khai dữ liệu về án tử hình.

Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) cũng đưa ra báo cáo cho rằng Việt Nam là nước ban hành và thực thi án tử hình nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á, và thuộc nhóm nước nhiều nhất trên thế giới. Trong năm 2021, chính quyền Việt Nam đã ban hành ít nhất 119 án tử hình, đứng thứ bảy trên thế giới. Tuy nhiên con số thật có thể còn cao hơn.

Về xã hội dân sự, Việt Nam tự hào là trong nước có 70 ngàn tổ chức quần chúng trong mọi lãnh vực, và điều đó thể hiện người dân có quyền tự do liên kết. Trên thực tế, tất cả các tổ chức quần chúng đều phải chịu sự chi phối và chỉ đạo của Đảng Cộng Sản, và những tổ chức đúng nghĩa xã hội dân sự độc lập đều nằm ngoài vòng pháp luật. Vào tháng 9 năm nay, Liên Minh Châu Âu đã bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam đe dọa, giam giữ và kết án một số thành viên xã hội dân sự bảo vệ môi trường trong nước. Đặc biệt, Nhóm Tư Vấn Trong Nước (DAG) của Liên Âu kêu gọi Việt Nam tôn trọng vai trò giám sát của các tổ chức xã hội dân sự hầu thực thi đúng quy định những điều khoản của Hiệp Định Thương Mại Tự Do Liên Âu-Việt Nam (EVFTA).

Trên khía cạnh quyền lao động của Hiệp Định Thương Mại Tự Do Liên Âu- Việt Nam, Việt Nam cũng tỏ ra rất miễn cưỡng tạo điều kiện cho việc thành lập một nghiệp đoàn độc lập. Mặc dù năm 2019, Việt Nam đã phê chuẩn công ước 98 của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế về quyền thương lượng tập thể , thế nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn công ước 87 về quyền Tự Do Hiệp Hội và Bảo Vệ Quyền Tổ Chức.

Ngoài ra, để được thông qua việc ký kết Hiệp Định Thương Mại Tự Do với Liên Âu ( EVFTA), ngày 20/11/2019, Quốc Hội Việt Nam đã bắt buộc phải thông qua luật lao động mới, cho phép thành lập “Tổ chức Đại Diện Người Lao Động”, thế nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa ban hành các nghị định cụ thể để người lao động có thể áp dụng luật này mặc dù nhiều cá nhân, tổ chức đã lên tiếng nhắc nhở.

Trước những sự kiện trên, các tổ chức đại diện cộng đồng người Việt hải ngoại và các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam, trong cương vị một thành viên Liên Hiệp Quốc, và thành viên Hội Đồng Nhân Quyền:

– Tuyệt đối tôn trọng và thực thi Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, và hai Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị, và Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa.

– Trả tự do lập tức và vô điều kiện cho tất cả những tù nhân bị giam giữ hay kết án chỉ vì đã bày tỏ quan điểm và lập trường một cách ôn hòa; chấm dứt ngay lập tức tất cả những biện pháp đàn áp đối với những cá nhân và tổ chức thực thi và bảo vệ quyền tự do căn bản như ngôn luận, hội họp, tín ngưỡng, lập hội, v.v.

– Chấp nhận vai trò thiết yếu của các tổ chức xã hội dân sự độc lập trong những lãnh vực như tôn giáo, môi trường – biến đổi khí hậu, sinh hoạt nghiệp đoàn, và truyền thông; tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội dân sự đóng góp vào tiến trình phát triển đất nước mà không bị cản trở hay đàn áp.


Các tổ chức ký tên:


Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam
MS Nguyễn Hoàng Hoa : Hội Trưởng Giáo Hội Cộng Đồng Tin Lành Lutheran VN – HK
LM Nguyễn Văn Lý
Lê Quang Hiển, Chánh Thư Ký Ban Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy
Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Chính Trị tại Âu Châu Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ
Cộng Đồng Người Việt Tự Do/Queensland/Úc
Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu/Thủ Đô Canberra Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu / Nam Úc
Liên Hội Người Việt Canada


Địa chỉ liên lạc về Bản Lên Tiếng: vcfottawa@gmail.com


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)