VNTB – Hạnh phúc là gì?

VNTB – Hạnh phúc là gì?

Hồng Dân

 

(VNTB) – “Anh giàu nhưng anh không hạnh phúc thì cũng vứt đi, tóm lại là như vậy”

 

Ghi nhận tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, GS-TS Trần Văn Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng “hệ giá trị quốc gia Việt Nam phải thống nhất với hệ giá trị của chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn xây dựng, đó là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ông Phòng đề xuất thêm thành tố “hạnh phúc” vào hệ giá trị quốc gia thành: “Dân giàu, hạnh phúc, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

“Anh giàu nhưng anh không hạnh phúc thì cũng vứt đi, tóm lại là như vậy”, ông Phòng lập luận. Ông Phòng cũng đề xuất, cần phải dựa vào nhân dân để xây dựng hệ giá trị quốc gia gắn với xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam. Bởi lẽ, 4 hệ giá trị này tự thân đã gắn bó chặt chẽ với nhau.

Theo ông Trần Văn Phòng, “cần quán triệt tốt quan điểm của Đảng về vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước nói chung, trong xây dựng hệ giá trị quốc gia nói riêng”.

Từ góc nhìn của một luật gia, có ý kiến rằng tại sao hạnh phúc phải cần đến “quán triệt quan điểm của Đảng” như trình bày tham luận tại hội thảo của ông Trần Văn Phòng?

“Nếu ông ấy nói về hạnh phúc của Đảng thì chấp nhận, bởi tôi không là đảng viên nên hạnh phúc với tôi là trên con đường công danh của mình, tôi mong muốn cạnh tranh sòng phẳng, với việc chấm dứt chủ nghĩa lý lịch, bãi bỏ tiêu chuẩn chính trị phải là đảng viên thì mới được cất nhắc bổ nhiệm vào các chức vụ quản lý.

Tôi hạnh phúc khi tôi không buộc phải tuân răm rắp lời ông bí thư ở cơ quan, cho đến ông bí thư Đảng Đoàn của ngành, và cả ông tổng bí thư cao chót vót ở trung ương” – vị luật gia này nói.

Bà Huỳnh Thị Thu Hà – người có học vị tiến sĩ tâm lý học, nói rằng hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc được biểu thị bởi cảm giác vui vẻ, thỏa mãn, hài lòng, và sự đủ đầy. Khi mà hạnh phúc mang lại nhiều ý nghĩa khác nhau, nó thường được mô tả với sự liên quan về cảm xúc tích cực và sự thỏa mãn trong cuộc sống.

“Khi mọi người nói về sự hạnh phúc, họ có thể nói về cảm nhận của bản thân trong thời điểm hiện tại, hoặc sự đề cập chung hơn về cách họ cảm nhận về cuộc sống nói chung.

Vì hạnh phúc thường là một thuật ngữ được định nghĩa rộng rãi, các nhà tâm lý học và các nhà xã hội học khác thường sử dụng thuật ngữ “hạnh phúc chủ quan”, subjective well-being khi nói về cảm xúc này. Đúng như cách gọi, hạnh phúc chủ quan có xu hướng tập trung vào cảm xúc cá nhân nói chung về cuộc sống của họ vào thời điểm hiện tại” – bà Huỳnh Thị Thu Hà diễn giải.

Như vậy, cách hiểu và đề xuất “hạnh phúc” vào hệ giá trị quốc gia mà ông Trần Văn Phòng nêu, đó là cảm xúc của hạnh phúc chủ quan từ trạng thái tâm lý của một đảng viên cộng sản. Mà đã gọi là “hệ giá trị quốc gia” thì rất không nên lại tiếp tục chịu sự phụ thuộc vào định hướng chính trị nhiệm kỳ của đảng phái độc quyền – một đảng vốn không phải chịu bất kỳ sự cạnh tranh nào để có thể làm động lực cho chuyện tránh các cực đoan, duy ý chí chính trị.

Ghi nhận quanh chuyện “hạnh phúc” trong “hệ giá trị quốc gia”, theo ý kiến của một nhà hoạt động xã hội, thì người dân sẽ “hạnh phúc” khi họ được quyền “mở miệng” mà không sợ bị chụp mũ phản động.

Nhắc lại một câu chuyện cũ nhưng vẫn rất thời sự: Tháng 2-2016, thảo luận về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có những ý kiến đúng đến tận hôm nay:

“Bác Hồ dạy rằng: Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra. Hiến pháp nói về quyền tự do và chỉ hạn chế bằng luật, thế thì bây giờ các đồng chí định hạn chế cái gì, cấm cái gì phải đưa vào đây chứ để nghị định là không được đâu.

Trào lưu của xã hội là người ta ít mua báo, thậm chí sách cũng ít mua, người ta cứ mở điện thoại ra đọc. Các đồng chí lại bảo cái này không phải báo nên không quản lý mà quản lý bằng nghị định. Quản lý bằng nghị định cũng được, nhưng nghị định mà đụng đến quyền tự do dân chủ thì không được.

Quyền của người ta được mở mồm ra tức là được nói. Nói ở đây tức là nói bằng báo cũng là quyền của người ta, chứ không phải nói bằng miệng đâu” …


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)