VNTB – Quản trị web/ blog: nghề dễ đi tù

VNTB – Quản trị web/ blog: nghề dễ đi tù

Thới Bình

 

(VNTB) –  Nhà chức trách Việt Nam luôn ‘canh me’ để bỏ tù liên quan ‘quyền mở miệng’?!

 

“Với người đọc, nếu muốn trao đổi quan điểm về bài viết hoặc nhận xét, đánh giá… thì hãy để lại lời bình luận có tâm, thiện chí với tác giả. Với người viết, hãy thận trọng với những lời bình luận của công chúng trong bài viết của bạn. Hãy xử lý trước khi chúng kịp mang đến tai họa”.

Luật sư Đặng Đình Mạnh đã đưa ra nhắc nhở như trên sau đúng 1 ngày kết thúc phiên hình sự sơ thẩm vụ án bà Cấn Thị Thêu “Tên tôi là Nạn Nhân Cộng Sản”.

Trở lại với tựa bài viết: vì sao nghề quản trị web ở Việt Nam dễ bị đi tù?

Thuật ngữ “Admin – Administrator” là người quản trị, hay là quản trị viên. Đây là quyền cao nhất đối với quản lý viên. Với các nền tảng trực tuyến website, facebook, diễn đàn… thì admin là người điều hành.

Có lẽ việc ‘dễ bị đi tù’ ở đây chủ yếu ‘rơi’ vào “Admin Facebook”, tức là quản trị viên các fanpage, groups và người này có tất cả quyền hạn đối với một cái group, fanpage đó. Thường các fanpage, group được tạo ra nhằm hướng nhiều đối tượng khác nhau, nhằm thu hút lượng tiếp cận, tương tác và cũng để giải trí hay mua bán kinh doanh tùy theo mục đích của admin tạo ra.

Cũng vòng nguy hiểm đe dọa tù tội tương tự, đó là “Admin diễn đàn”, tức là người quản lý một cái diễn đàn, blog và có quyền hạn cao nhất trên đó, họ sẽ kiểm duyệt nội dung mà các thành viên đăng tải trên trang của họ. Ở các diễn đàn, forum hay các blog cộng đồng là nơi người ta có thể thấy admin nhiều nhất.

Admin diễn đàn là người tương tác mạnh với cộng đồng trong diễn đàn đó, luôn xuất hiện với danh nghĩa admin. Khác với admin website – đôi khi cộng đồng không hề biết đến thương hiệu cá nhân cả admin website.

Người làm Admin Facebook sẽ quản lý các group, fanpage của doanh nghiệp, bao gồm việc đăng bài, kiểm duyệt các bình luận hay bài đăng tải, cảnh cáo và xóa các nội dung bình luận xấu nhằm bảo vệ trang của mình trước những thành phần xấu, đồng thời tương tác với các thành viên trong nhóm.

Thường thì để an toàn trong hạn mức nào đó, phía quản trị thường sử dụng mẫu câu như trên VOA: “Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ”.

Một vấn đề đặt ra là vì sao nhà chức trách Việt Nam luôn ‘canh me’ để bỏ tù liên quan ‘quyền mở miệng’ như nhắc nhở ở phần đầu bài viết này từ luật sư Đặng Đình Mạnh?

Có phải không, tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác. Và đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi – mà dễ thấy nhất là các mục “Bình luận” nằm dưới các bài viết trên báo điện tử luôn là nội dung thu hút độc giả nhất cho sự tương tác.

Đơn cử, bài báo Dân kiện chủ tịch tỉnh, chủ tịch tỉnh không dự tòa ‘vì lý do công tác’ trên tờ Tuổi Trẻ, phần “bình luận” được kiểm duyệt, đã xuất hiện 2 nội dung nhẹ nhàng như sau: “Bạn đọc thấy nội dung của bài viết rất hay, để rộng đường dư luận biết. Tòa án cũng đau đầu cách né tránh của chủ tịch ủy ban Khánh Hòa. Không mang tính thuyết phục” – “Chủ tịch làm đúng thì nên thu xếp công việc để có mặt tại toà làm rõ cho bên nguyên đơn”.

Sự dè dặt của báo chí ở đây trong phần xét duyện bình luận của độc giả, có căn cứ từ một quy định được thể hiện qua hình thức ‘tự nguyện’. Vào ngày 25-12-2018, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019; trong đó, các khoản 02, 03, 04, 06 tại Điều 4 “Những việc/điều người làm báo không được làm khi tham gia mạng xã hội”.

Cụ thể, người làm báo Việt Nam tuyệt đối không được có những hành vi như: “Đăng tải các tin, bài, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội, đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân người làm báo đó đã viết và đăng tải, trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác”;

“Bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… có yếu tố phức tạp, nhạy cảm đang cần tạo cách nhìn, thái độ tích cực mang tính xây dựng của cộng đồng và sự đồng thuận xã hội”;

“Thông tin vụ việc chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ; gây tổn hại về thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân; tuyên truyền, kích động bạo lực, cổ xúy lối sống đồi trụy, hủ tục mê tín dị đoan, các hành vi tiêu cực, phân biệt đối xử về giới, vùng miền, dân tộc, chủng tộc”…

Nếu người làm báo vi phạm các quy định nêu trên sẽ không chỉ vi phạm Luật Báo chí, mà còn vi phạm Bộ luật Hình sự, và Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh rằng sở dĩ họ đưa ra các quy định này là trực tiếp xác định tiêu chí đạo đức nghề nghiệp có tính chất răn đe, để hội viên không vi phạm.

“Khi một bài viết được đăng công khai, thì người đăng không chỉ chịu trách nhiệm về nội dung bài viết của mình trước pháp luật, mà còn phải chịu trách nhiệm về những lời bình luận của công chúng trong bài viết ấy!? Rủi thay, nếu lời bình luận ấy mang nội dung chống, phá chính quyền, thì danh tính tác giả bài viết sẽ được đưa vào tầm ngắm của các cơ quan bảo vệ pháp luật và kéo theo sự chế tài là khả năng không hề nhỏ” – luật sư Đặng Đình Mạnh, nhận xét.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)