VNTB – Sẽ sửa đổi Luật Công đoàn

VNTB – Sẽ sửa đổi Luật Công đoàn

Thới Bình

 

(VNTB) – Chính phủ nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Công đoàn sửa đổi để thay thế Luật Công đoàn năm 2012.

 

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết như vậy khi nhận được một công văn liên quan từ chính phủ.

Chính phủ cho rằng Luật Công đoàn (sửa đổi) là dự án Luật quan trọng, phức tạp, các chính sách được đề xuất chứa đựng nhiều nội dung mới, lớn, chưa có tiền lệ, có liên quan mật thiết đến các vấn đề an sinh – xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.

Theo dự thảo Tờ trình, một trong những lý giải cho sự cần thiết, đồng thời là mục đích, quan điểm chỉ đạo của việc ban hành Luật Công đoàn (sửa đổi) là thể chế hóa Hiến pháp, các chủ trương, nghị quyết của Đảng liên đến một loạt vấn đề như vấn đề tổ chức, bộ máy, cán bộ, tài chính, tài quan sản của công đoàn và khuyến khích xã hội hoá nguồn lực để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao (Nghị quyết số 02, Nghị quyết số 18- NQ/TW); vấn đề hội nhập quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (Nghị quyết số 06-NQ/TW); vấn đề vai trò của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ người lao động về tiền lương trong quan hệ lao động (Nghị quyết số 27-NQ/TW); vấn đề vai trò của công đoàn trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ (Chỉ thị số 37- CT/TW).

Như vậy, để thể chế hóa các chủ trương, định hướng nêu trên của Đảng, Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cần rà soát tổng thể Luật Công đoàn hiện hành.

Dự kiến sẽ có các nội dung sửa đổi là rất lớn, chẳng hạn như nội dung về thực hiện quyền giám sát (khoản 1 Điều 14); về tổ chức, bộ máy, cán bộ được sửa đổi (Điều 6 và Điều 23); những nội dung về tài chính, tài sản công đoàn được sửa đổi, bổ sung (Điều 26), việc tham gia Công đoàn của người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam (Điều 5); hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9); quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (Điều 170); về bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn (Điều 24)…

Một vấn đề rất đáng quan tâm đối với các tổ chức xã hội dân sự từ việc sẽ sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn sắp tới đây, đó là việc năm 2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động với nội dung mới về “Tổ chức đại diện người lao động”.

Theo đó, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở gồm: Công đoàn cơ sở (thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam) và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Các tổ chức đại diện người lao động bình đẳng về quyền, nghĩa vụ trong đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.

Theo Bộ luật Lao động 2019, người lao động có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định của pháp luật: người lao động ở doanh nghiệp có quyền thành lập công đoàn cơ sở thuộc hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam theo quy định của Luật Công đoàn; hoặc thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động và Nghị định của Chính phủ.

Sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có quyền gia nhập hoặc không gia nhập hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trường hợp gia nhập Công đoàn Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn.

Như vậy, Luật Công đoàn được Bộ luật Lao động 2019 dẫn chiếu để cùng điều chỉnh các vấn đề liên quan đến vấn đề gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp vào hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đây là những vấn đề chưa có tiền lệ.

“Địa vị pháp lý – quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các cấp công đoàn”, là những vấn đề đang cần ghi nhận ý kiến đa chiều từ các hội đoàn xã hội dân sự, trong việc lâu nay vẫn được cho là nhạy cảm chính trị của cụm từ “Công đoàn độc lập”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)