S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
(VNTB) – “Cấm báo chí tư nhân là tội ác.”
Bác sỹ Tom Dooley qua đời năm 1961. Mãi đến vài chục năm sau, tôi mới biết đến tác phẩm đầu tay của ông (Deliver Us from Evil) do Farrar, Straus & Cudahy xuất bản từ 1956. Đây là một tập bút ký, có hình ảnh minh hoạ đính kèm, về cuộc di cư ồ ạt (vào giữa thế kỷ trước) của hằng triệu người dân Việt. Họ ra đi chỉ với hành trang duy nhất là niềm tin vào tình người, và không khí tự do, ở bên kia vỹ tuyến.
Rồi họ đã được tiếp đón, hoà nhập và sinh sống ra sao nơi miền đất mới? Câu trả lời có thể tìm được – phần nào – qua một tác phẩm khác (Sài Gòn – Chuyện Đời Của Phố) của Phạm Công Luận, do Hội Nhà Văn xuất bản năm 2013. Xin trích dẫn đôi ba đoạn ngắn :
“Những người trong giới trí thức, nghệ sĩ miền Bắc chuyển vào Sài Gòn ấp ủ bao nhiêu hoài bão để thực hiện ở quê hương mới. Tuy nhiên, dù có nổi tiếng thì họ cũng phải đối diện với bao khó khăn để hòa nhập vào đô thị mà họ sẽ sống lâu dài này. Báo Đời Mới năm 1954 đã làm một chuỗi phóng sự hồi mới vào của các văn nghệ sĩ, có nhiều chuyện cảm động đáng suy gẫm về những gì họ đã gặp.
Nhà văn Thượng Sỹ, một nhà văn nổi danh từ thời tiền chiến mà trong cuốn Bốn mươi năm nói láo, nhà văn Vũ Bằng thường nhắc tới. Gia đình ông vào Sài Gòn định cư chỉ có bốn người, gồm hai vợ chồng, đứa con nhỏ và chị giữ em. Tuy nhẹ gánh gia đình, tên tuổi từng nổi tiếng là nhà phê bình văn chương, cả nhà ông cũng gặp những khó khăn ban đầu…
Một bữa, ra chợ mua đồ, bà vợ ông gặp một chị không quen, hỏi thăm qua lại thế nào mà chị nói ngay : ‘Thôi, chị cứ theo tôi về nhà ba má tôi. Chị nhận là bạn cũ của tôi, thế nào ông bà cũng cho ở đậu’. Cả nhà lại đến đó ở, một căn nhà lá rộng rãi ở đường Quang Trung, Gò Vấp. Ông bà chủ nhà đã lớn tuổi, còn làm việc được, chuyên nghề đúc ống cống xi măng.
Ông bà nói ngay với khách lạ :‘Thầy cô cứ ở đây với tôi, khỏi phải mua giường chiếu, mùng mền, đồ bếp, tôi có sẵn cả. Tôi để thầy cô dùng chung. Gạo củi, mắm muối, cứ tự nhiên nấu cơm mà ăn!’ Bà chủ còn nói là bà không lấy một xu nhỏ.
Gia đình Thượng Sỹ ở đó, không muốn lạm dụng lòng tốt của ông bà chủ nhà nên bà Thượng Sỹ xin tự lo ăn uống, chỉ ở nhờ thôi. Ông chủ nhà nói lên điều xuất phát từ đáy lòng : ‘Cô Hai chớ nề hà. Con gái tôi nói cho tôi hay thầy Hai làm báo, nên tôi quý thầy lắm. Vì bấy lâu nay đọc báo, tôi thấy các ông nhà báo luôn bênh vực anh em lao động chúng tôi. Tôi có phải nhịn ăn mà giúp thầy cô, tôi cũng vui lòng!”
Sau này, nhà văn Thượng Sỹ nói với tác giả bài tường thuật thượng dẫn : ‘Tôi cứ tưởng sảy nhà ra thất nghiệp… nào ngờ tôi lại hai lần ‘sa’ vào hai cảnh gia đình lao động. Ấy cũng là tôi hái quả của một cây mà các anh vun bón cho tươi tốt…”
“Các anh” trong câu văn thượng dẫn – tất nhiên – là những nhà báo miền Nam, những người mà độc giả dù có phải “nhịn ăn mà giúp” vẫn cảm thấy “vui lòng” vì họ luôn đứng về phía những người cô thế. Miền Bắc cũng không thiếu những người cầm bút với quan niệm tương tự :
Tam Lang viết Tôi Kéo Xe năm 1932, Ngô Tất Tố sáng tác Tắt Đèn năm 1937, Nguyên Hồng xuất bản Bỉ Vỏ năm1938. Tác phẩm Con Trâu của Trần Tiêu đăng từng kỳ trên báo “Ngày Nay” từ số 140 (ra ngày 10/12/1938) trước khi được in thành sách, vào năm 1940.
“Ngày 14-12-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ‘Sắc lệnh về chế độ báo chí’, buộc người dân ra báo phải xin phép, chấm dứt trên miền Bắc thời kỳ ai muốn làm báo chỉ cần đăng ký mà người dân An Nam được hưởng gần một thế kỷ dưới thời thực dân Pháp.” (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, Westminster, CA: 2013). Bắt đầu từ đây thì sách báo hoàn toàn nằm trong tay Nhà Nước, và những người cầm bút buộc phải đứng cùng phe với những kẻ cầm quyền.
Ngày 21 tháng 1 năm 1960, hai công dân Việt Nam (Nguyễn Hữu Đang và Thụy An) bị kết án 15 năm tù vì tội “phá hoại chính trị” và “làm gián điệp” bởi Toà Án Nhân Dân Hà Nội. Vì đây là một phiên “toà kín” nên không ai biết hai nhân vật này đã “phá hoại chính trị” ra sao, và đã “làm gián điệp” cho “thế lực thù địch” nào – ngoài những người làm báo :
– Báo Thời Mới (21/01/1960): Năm tên gián điệp phản cách mạng, phá hoại hiện hành cúi đầu nhận tội …Nguyễn Hữu Đang và Thụy An, đầu sỏ chủ mưu, bị phạt giam 15 năm và mất quyền công dân 5 năm sau khi hết hạn giam”.
– Báo Nhân dân (21/01/1960): Trước tòa án, với những bằng chứng đầy đủ, bọn gián điệp nói trên đã nhận hết tội lỗi của chúng.
– Báo Thủ đô Hà Nội ( 21/01/1960): Tên Nguyễn Hữu Đang thú nhận: “Báo Nhân văn có tính chất chính trị ngay từ số 1. Mục đích của tờ báo là khích động quần chúng cùng với chúng tôi chống lại lãnh đạo”.
– Báo Văn học (05/02/1960): Nguyễn Hữu Đang thú nhận: “Tư tưởng của chúng tôi là phản động nên chúng tôi ra tờ báo Nhân văn để chống đối lãnh đạo, kích động quần chúng làm áp lực đấu tranh”. Ngoài báo Nhân văn, Nguyễn Hữu Đang còn dùng nhà xuất bản Minh Đức làm một công cụ để chống cách mạng. Y cung khai:“Tôi đã biến nhà xuất bản Minh Đức thành một công cụ chống lãnh đạo.”
Không phải là vô cớ mà nhà văn Võ Thị Hảo kết luận : “Cấm báo chí tư nhân là tội ác.” Sự “ác độc” này được duy trì và nuôi dưỡng xuyên suốt gần hai phần ba thế kỷ qua :
– Ngày 29/11/2006, T.T. Nguyễn Tấn Dũng ban hành chỉ thị 37/2006 kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức.
– Ngày 3/4/2019, T.T. Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 362/QĐ quy định báo chí là phương tiện thông tin, quan trọng đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Cái cách mà Đảng và Nhà Nước xử dụng “công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng” từ hơn nửa thế kỷ qua, xem ra, đã trở thành thảm họa :
– N.S Tuấn Khanh: “Cũng cần có lúc, các nhà nghiên cứu về lịch sử nên đặt lại câu hỏi, vì sao ngày 21-6 hàng năm, được gọi là ngày Báo chí Việt Nam, chứ không phải gọi đúng tên là ngày báo chí của đảng Cộng sản Việt Nam?
– FB Huynh Ngoc Chenh: “Người cộng sản rất tự hào mình là cộng sản tại sao nền báo chí của đảng không mang đúng tên lại phải lấp liếm qua thành báo chí cách mạng?”
– Nhà báo Phan Anh: “Báo chí nước ta nó đã băng hoại tới mức độ không thể cứu vãn nổi, và nhiều kẻ điều hành nó cũng như những kẻ tham gia đóng góp cho nó đa phần là một lũ vừa ngu dốt vừa vô liêm sỉ đến cùng cực…”
Ông có nói quá chăng?
Câu trả ‘lời’ có thể tìm được qua tiêu đề của dăm/bẩy bản tin, xuất hiện trên “làng báo cách mạng” vào những ngày tháng gần đây :
– Tiền Phong (30/05/2020): Bị kích động, hơn 8.000 công nhân đình công ở Bình Dương
– VTC News (30/05/2020): Bị kích động, 8.000 công nhân kéo xuống đường phản đối ở Bình Dương
– Dân Trí (12/06/2020): Công an Hà Nội: Nổ súng tiêu diệt Lê Đình Kình là đúng pháp luật!
– Tuổi Trẻ (12/06/2020): Vụ án Đồng Tâm: Các bị can nhiều lần đổ xăng thiêu chết 3 chiến sĩ công an
– Soha (13/06/2020): Việc cảnh sát nổ súng tiêu diệt Lê Đình Kình là cần thiết, đúng quy định
– Thanh Niên (13/06/2020): Đề nghị truy tố 29 người trong vụ tẩm xăng thiêu chết 3 chiến sĩ ở Đồng Tâm
Tuổi Trẻ & Thanh Niên sa đọa tới cỡ đó lận sao? Cái được mệnh danh là những “nhà báo cách mạng”, hiện nay, chả lẽ chỉ rặt là một phường vô lại?