Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Khi báo chí trở thành công cụ tuyên truyền, ấy là khi báo chí mất đi tính chính danh và uy tín của báo chí.
Ở Việt Nam có trường đại học mang tên Học viện Báo chí và Tuyên truyền (tên tiếng Anh: Academy of Journalism and Communication). Sự nhập nhằng giữa báo chí và tuyên truyền đưa đến hệ lụy báo chí mất đi tính chính danh và uy tín của báo chí.
Vì sao lại như vậy?
Rất đơn giản, tuyên truyền là cố đưa thông tin có tính chủ quan, có tính định hướng tới người đọc, còn báo chí phải phản ánh trung thực với sự thật – điều này tương tự như ảnh báo chí phải là cách kể chuyện trung thực bằng hình ảnh, chứ không phải loại ảnh của cổ đọng chính trị.
Tuy nhiên cách hiểu thuần về nghiệp vụ báo chí trên toàn cầu như trên, lại không như vậy ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền – mà nơi đây khẳng định sứ mệnh của họ như sau: “Là trường Đảng, trường đại học trọng điểm quốc gia, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có sứ mệnh nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực lý luận chính trị, tư tưởng – văn hóa, báo chí, truyền thông và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn khác”.
Như vậy, tự do báo chí ở đây chịu sự giới hạn mang tính bắt buộc của lý luận chính trị thay đổi tùy theo nhiệm kỳ của Tổng bí thư, và phải trong khuôn phép hoạch định của Đảng, không phải lúc nào cũng là ‘sự thật khách quan’ mà báo chí có bổn phận phải thực thi với tất cả sự trung thực, bất chấp mọi cường quyền.
Trước tháng tư năm 1975, báo chí ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa được thực thi theo đúng như những gì mà ông Hồ Chí Minh đã đưa ra, đó là “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng” (1); “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” (2).
Ông Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”.
Nói về trách nhiệm của báo chí, ông Hồ Chí Minh dẫn câu nói của V.I. Lênin: “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình” (3).
Ông Hồ Chí Minh hoàn toàn có lý, vì đây là báo chí cách mạng, báo chí của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và cũng bởi điều này đã giải thích vì sao một khi báo chí có những bài viết đi chệch quỹ đạo ấy, thì phóng viên đó sẽ đối mặt với các bản án hình sự, còn tòa soạn thì có thể phải đình bản, đóng cửa – tờ Sài Gòn Tiếp Thị trước đây là một dẫn chứng.
Thế nhưng xem ra ở một góc nhìn đa chiều khác lại cho thấy dường như khi đã trở thành miền Bắc xã hội chủ nghĩa, người ta lại cố tình lãng quên rằng người khai sinh ra Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng có thời kêu gọi cho quyền tự do báo chí của người dân Việt.
Nói có sách. Luật sư Trần Hồng Phong, kể:
Trên tay người viết là cuốn sách “Đây công lý của thực dân Pháp ở Đông Dương” do NXB Sự thật xuất bản năm 1962, tái bản tại báo Sài Gòn Giải Phóng, tháng 8/1975. gồm các bài viết của tác giả Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) trong những năm 1921-1926.
Trong Lời giới thiệu của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng cộng sản Việt Nam) ghi rõ như sau: ”Đây là những tài liệu lịch sử vô cùng quý báu đã được Đảng cộng sản Liên Xô giữ gìn chu đáo mấy chục năm nay với tinh thần quốc tế vô sản cao cả và gần đây đã gửi cho Đảng ta”.
Năm 1962 này, ông Hồ Chí Minh đang là nhà lãnh đạo cao nhất ở miền Bắc. Như vậy, có thể khẳng định những bài viết của ông được giới thiệu trong cuốn sách là có thật, khách quan.
Trong cuốn sách này có 19 bài viết của Nguyễn Ái Quốc, nội dung đề cập nhiều vấn đề về đời sống xã hội tại Đông Dương trong thời kỳ thuộc Pháp. Như các bài: “Đời sống kinh tế”, “Độc quyền ăn cướp”, “Thuế khóa”, “Chính sách ngu dân”, “Chế độ báo chí”, “Công lý” … Ở đây, người viết muốn nói về bài “Chế độ báo chí”.
Trong bài viết này, tác giả Nguyễn Ái Quốc viết: “Mãi đến bây giờ, chưa có người Việt Nam nào được phép xuất bản một tờ báo cả. Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở các nước châu Âu hay châu Á khác, chứ không phải là một tờ báo do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy”.
Qua đoạn viết trên, không cần đến bằng giáo sư tiến sỹ về chủ nghĩa Mác Lê, ai cũng có thể thấy rất rõ quan điểm của Nguyễn Ái Quốc về báo chí như sau: Báo chí phải bao gồm báo do cá nhân thành lập (báo chí tư nhân).
Nền báo chí của một quốc gia phải có các tờ báo thuộc nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn học … như ở các nước châu Âu, châu Á khác, “chứ không phải là một tờ báo do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng”.
Loại “báo do chính quyền thành lập do bọn tay chân điều khiển, chỉ nói chuyện nắng mưa, tán đương những kẻ quyền thế đương thời…vv” là loại báo chí “đầu độc người ta”.
Tuy nhiên, khi Nguyễn Ái Quốc là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếc thay, ông đã quên mất rằng chính ông từng đòi hỏi báo chí phải bao gồm báo do cá nhân thành lập, tức báo chí tư nhân.
_____________
Chú thích:
(1), (2): Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật, năm 2011, trang 463, trang 466.
(3) Sách đã dẫn, tập 12, trang 167.