Việt Nam Thời Báo

VNTB – Báo tường ở Bố Lá

Ghi chép của Phạm Đoàn

 

(VNTB) – Nhà tù, hay còn gọi là trại giam, đóng tại ấp Bố Lá, xã Phước Hòa, Huyện Phú Giáo, Bình Dương nên người ta gọi đây là Trại giam Bố Lá. Người ta còn gọi nơi đây bằng con số T40.

 

Nhà báo Hoàng Linh kể, “có lần, tôi nửa đùa nửa thật với một vị lãnh đạo ngành an ninh: “Cứ thêm một nhà báo hay thêm một nhà văn bị bắt, thì tôi thêm một lần bị đẩy ra khỏi danh sách những người cầm bút có tên tuổi tại Việt Nam!” Không ngoa chút nào, chỉ cần các anh chị Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất, Hoàng Khương, Lê Nguyễn Hương Trà… viết về những ngày tháng tăm tối của họ thì tôi chỉ có nước chạy theo xách dép. Dù bất đắc dĩ, nhưng trải nghiệm mất tự do luôn vượt xa tưởng tượng của bất kỳ ai!

Hoàng Linh bị kêu án 12 năm tù trong vụ án ông trùm Năm Cam – vụ án này mang dáng dấp của phe nhóm trị nhau, mà đích nhắm là ông Bùi Quốc Huy, tướng Công an, đồng hương với nhà báo Phạm Chí Dũng; phía ông Phan Văn Khải thì về sau chỉ… rời ghế thủ tướng sớm hơn chút thôi.

Sau 5 năm tù, nhà báo Hoàng Linh được Chủ tịch nước đặc xá.

Từ những câu chuyện kể đó, nên khi biết bên Thành Hội Phụ nữ TP.HCM sắp có chuyến đến trại giam Bố Lá, tôi xin được tháp tùng. Đó là thời gian của giữa năm ngoái, tháng 6-2020. Đoàn của Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM đến trại giam Bố Lá trong chương trình mang tên “Sống đẹp”, được tổ chức nhằm giúp các nữ phạm nhân tự tin hơn trong cuộc sống, khơi dậy trách nhiệm của từng cá nhân, tích cực cải tạo tiến bộ, tái hòa nhập cộng đồng.

Chương trình còn có buổi nói chuyện cùng tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A về chuyện về chủ đề “Sống đẹp” với những lời khuyên, lời chia sẻ chân thành để động viên các phạm nhân học tập cải tạo tốt.

Ở trại giam Bố Lá có lập một hội đoàn xã hội dân sự mang tên “Ban liên lạc gia đình phạm nhân”.

Theo như những gì mà các quản giáo ở trại Bố Lá kể, thì trong những dịp Tết Nguyên Đán, nơi đây tổ chức các hoạt động văn hoá như cuộc thi làm báo tường với chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân”, và các cuộc thi vẽ tranh “Ngày mai tươi sáng”, “Khát vọng hoàn lương”. Cùng với đó là các phong trào văn nghệ, thể thao kết hợp nhằm nâng cao chất lượng trong công tác cải tạo, giáo dục cho phạm nhân.

Một vài người tù – nơi đây gọi họ là ‘phạm’, kể họ từng hào hứng tham gia cuộc thi viết gọi là “tìm hiểu về tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Người”, do Cục Quản lý trại giam phát động.

Khi ấy, tôi từng chợt nghĩ nếu như ông bạn của tôi là nhà báo Phạm Chí Dũng (thời điểm đó ông vẫn chưa ra tòa) thi hành án ở nơi này, chắc chắn ông bạn sẽ viết nhiều bài báo lý thú lắm để góp mặt vào báo tường ở Bố Lá. Hơn thế, nhà báo Phạm Chí Dũng từng phát hành tiểu thuyết, tập thơ, và ông còn là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM nữa kia mà, nên chuyện làm báo tường là trúng nghề với vị chủ tịch Hội Nhà báo độc lập này rồi.

Lúc về lại Sài Gòn, kể đôi ba câu chuyện trại Bố Lá trong dịp cà phê với bè bạn từng được phân công mảng nội chính, khi nhắc đến nhà báo Phạm Chí Dũng, một người bạn đã tuyên bố chắc nịch: “Ổng mà vô Bố Lá, chắc chắn sẽ được chăm sóc kỹ càng…”. Theo lời người bạn, thì với trí thức bị đi tù vì bất đồng chính kiến, thường các quản giáo xem trọng, và ‘chăm sóc kỹ càng’ ở đây là từ sự nể trọng, chứ không hiểu theo nghĩa ‘tù con so’ lúc nhập trại.

Tạm kết ở đây bằng lời nhắc của vị quản giáo Bố Lá: tránh gọi ‘đi tù’, dân ở đây gọi là ‘đi trường’, nơi mà về nguyên tắc người tù sẽ được cải tạo lao động, học nghề trong cộng đồng tù nhân rộng lớn…


Tin bài liên quan:

VNTB – Covid trong trại giam: quy tắc 1K?!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo