Nguyễn Hoàng Hải
(VNTB) – Ngăn chặn một công dân và hai trẻ nhỏ diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật như vậy, cho thấy cách hành xử để đi đến hành động của những nhân viên an ninh quả thật rất xấu xa, khác nào bôi tro trát trấu lên bề mặt xã hội.
Nghĩ cũng lạ! Một chính quyền của dân và vì dân lại luôn né tránh những điều sai trái, xấu xa, đang phơi bày hàng ngày, hàng giờ lên bề mặt của xã hội.
Bề mặt của xã hội, có phải là bề mặt của chính quyền hay không? Bề mặt của chính quyền có phải để cho người ta nhìn vào hay không? Xa hơn, có phải là bề mặt của đất nước đối với cộng đồng thế giới hay không?
Chắc chắn, ai cũng hiểu được điều đó. Nhưng, một bộ phận không hề nhỏ từ những quan chức chính quyền mà hàng ngày đang được nuôi dưỡng từ mồ hôi và nước mắt của người dân qua từng đồng thuế, lại trở thành những người vong ơn bội nghĩa. Dường như, họ là những người không được học hành tử tế nên mới có những hành xử phải gọi là rất xấu xa và phi nhân đến như vậy.
Hình ảnh, giọng nói, của một người phụ nữ đơn thân đầy bức xúc với câu hỏi tại sao lại cấm hai đứa con của chị lên ba, lên bốn tuổi, mà chị đã nhờ người hàng xóm chở đi mua hamburger dùm lại bị những người được gọi là an ninh ngăn chặn lại không cho đi. Đó là hai cháu Phú và Tài con của chị Trần Thị Nga, thường được gọi là Thúy Nga mà trên cộng đồng ai cũng biết đến hoàn cảnh thực tại của chị.
Việc, ngăn chặn một công dân và hai trẻ nhỏ diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật như vậy, cho thấy cách hành xử để đi đến hành động của những nhân viên an ninh quả thật rất xấu xa, khác nào bôi tro trát trấu lên bề mặt xã hội, khác nào muốn cho thiên hạ biết rằng ta đây là luật pháp, luật pháp là ta đây hay sao?
Mơ về một hành động nhân văn mà lẽ ra nó phải có như một chuyện bình thường trong xã hội, đó là gì? Thay một hành động ngăn chặn vô cớ, bằng cách có thể song hành cùng người phụ nữ háng xóm kia để bảo vệ cho sự an toàn của hai cháu, có thể dành một chút ít tiền thuế mà người dân nuôi mình để mua cho hai đứa nhỏ miếng hamburger, từ đó có thể giãi bày sự việc mâu thuẫn còn đang vướng vấp chưa giải quyết được giữa mẹ chúng và cơ quan an ninh, có thể vui đùa để hướng các cháu không để ý đến những chuyện không hay hay không, thì có phải đã thể hiện một hành động nhân văn hơn hay không? Có phải như vậy, sẽ làm cho các cháu không hoang mang, không lo sợ, cho các cháu sự an toàn cần thiết để phát triển tâm sinh lý hay không?
Cách ứng xử cần phải có trong những chuyện bình thường nhất đối với trẻ em, đối với một công dân lại trở nên tồi tệ như vậy, thử hỏi đất nước này còn bao ngày nữa sẽ rơi vào mức lạc hậu về văn hóa, băng hoại về đạo đức đây?
Đây nào phải là chuyện lần đầu ảnh hưởng đến những đứa trẻ như Phú, Tài con của chị Thúy Nga. Không lâu trước đó là Nấm và Gấu con của bloger Như Quỳnh, xa hơn nữa là con của nhà báo Phạm Chí Dũng, lại xảy ra ngay tại trường học nơi mà các em bị buộc phải thấy cách hành xử như vậy hay sao?.v.v.v.
Một xã hội, khi một người bị cho là có tội, thì lại có một người tình nguyện xin được đi tù thay, thì thử hỏi luật pháp của xã hội đó có đè đầu cưỡi cổ người dân hay không mà lại xảy ra tình trạng như vậy?.
Cách đây hơn ba tháng là đơn xin đi tù của công dân Nguyễn Khương Duy, sống tại Nghệ An gởi công an tỉnh Khánh Hòa xin đi tù thay cho bloger Như Quỳnh.
Giờ đây, đến lược công dân bloger Hoàng Văn Dũng, sống tại Phú Nhuận Sài Gòn, cũng muốn xin đi tù thay cho chị Trần Thị Nga, và cũng lại là điều 88 mà tính chính danh trong điều luật đó được cho là áp dụng một cách mơ hồ và quy chụp.
Và những điều này có phải vống lên hay không để phản biện lại những điều sai trái của chính quyền? Chắc chắn là không. Bởi những điều xấu xa hơn nữa, tệ hại hơn nữa, đã làm cho đất nước này đang bên bờ vực thẳm, không thể nào do người dân gây ra mà chính là những người đại diện cho đất nước này đã không đủ dũng khí làm người chính nhân quân tử để nhận lấy lỗi lầm của chính mình.
Đắng lòng khi nghĩ tới những đứa trẻ hoang mang, lo sợ cho cha mẹ của chúng, khi mà tuổi của những đứa trẻ rất cần những tiếng cười hồn nhiên, rất cần sự bảo bọc của cha mẹ thì giờ đây lại bị tước đoạt một cách thiếu nhân văn như vậy.
Nếu như có một cách lý giải nào đó để thuyết phục được sự việc mà chính quyền đã làm, từ ứng xử cho đến hành động là chuẩn mực thì có lẽ xã hội này cũng không bỗng dưng lại có những công dân vì quá uất ức mà phải xin đi tù thay cho những người bị ghép tội, và chắc chắn cũng không có làn sóng phẫn nộ từ cộng đồng xã hội dành cho chính quyền như vậy được.