Hàn Lam
(VNTB) – Giá đất khu công nghiệp tại Việt Nam tăng từ 8-9% tại miền Nam và 6-7% tại miền Bắc vào năm 2022.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, xu hướng dịch chuyển sản xuất, đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều khiến nhu cầu thuê mặt bằng xây dựng nhà xưởng tăng cao. Đây là lý do khiến bất động sản công nghiệp hút khách. Chưa dừng lại, sự phát triển này đã khiến nhiều nhà đầu tư tăng cường mở rộng mặt bằng khu công nghiệp…
Những con số đất đai được công nghiệp hóa
Ông Trịnh Văn Quang, Giám đốc Phát triển dự án Công ty cổ phần Vina CPK – nhà đầu tư đến từ Singapore đang đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Bá Thiện II (Vĩnh Phúc) cho biết, sau giai đoạn “tạm dừng” vì Covid-19, Vina CPK đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác đền bù giải phóng mặt bằng để đạt mục tiêu đưa vào xây dựng 60 ha đất công nghiệp vào cuối năm 2022.
“Phần diện tích 204 ha đất khu công nghiệp mà Vina CPK đang khai thác đã được lấp đầy với sự hiện diện của 67 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Mỹ và Thụy Điển… Vì vậy, Vina CPK đang lên kế hoạch triển khai đầu tư 104ha đất còn lại để đáp ứng nhu cầu thuê mặt bằng xây dựng nhà máy từ nhà đầu tư nước ngoài”, ông Quang cho biết.
Một báo cáo vừa công bố của Savills đánh giá, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2022. Công nghiệp và chế tạo vẫn là ngành chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. Nếu so sánh với con số của năm 2021, thị phần vốn FDI của ngành giữ ở mức ổn định, đạt 60% trong 3 tháng đầu năm. Xét theo nguồn vốn, Singapore và Đài Loan tiếp tục là hai quốc gia và vùng lãnh thổ có tổng mức đầu tư đứng đầu thị trường, lần lượt chiếm 18% và 6% thị phần.
Điểm nghẽn hạ tầng?
Vẫn theo Savills, một trong những “điểm nghẽn” đối với phát triển bất động sản khu công nghiệp và thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay, đó là vấn đề hạ tầng.
Hiện tại Việt Nam dành 5,8% GDP mỗi năm để đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Trên thực tế, chính sách phát triển về cơ sở hạ tầng của Việt Nam được quyết định rất nhanh, nhưng quá trình thực hiện lại chậm.
Chưa kể, hạ tầng hiện nay mới chỉ tập trung ở một số tỉnh, thành, trong khi đó, có một số địa phương có tiềm năng phát triển bất động sản công nghiệp, nhưng cơ sở hạ tầng lại chưa phát triển. Điển hình như Tây Ninh – đây là địa phương có lợi thế phát triển, nhưng cơ sở hạ tầng kém phát triển, làm hạn chế cơ hội thu hút đầu tư của địa phương này.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng: “Thị trường Việt Nam chứa đựng sẵn nhiều yếu tố đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh cao để tìm kiếm địa điểm phù hợp. Bất động sản công nghiệp vẫn còn tập trung nhiều tại các địa bàn lân cận khu đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và có kết nối thuận tiện với sân bay, bến cảng. Điều này đã khiến nguồn cung tại các khu vực này trở nên khan hiếm và đồng thời đẩy giá đất tăng cao”.
Một thống kê khác của Cushman & Wakefield, thì từ đầu năm đến nay thị trường bất động sản ghi nhận 14 vụ mua bán, sáp nhập (M&A) ở các lĩnh vực khu công nghiệp, văn phòng, đất dự án. Trong đó, lĩnh vực bất động sản văn phòng chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 39%; tiếp đến là công nghiệp với 35%, còn lại là các khu đất phát triển với 26%.
Nhờ tỷ lệ lấp đầy khả quan, giá thuê đất trung bình ghi nhận mức tăng trưởng tại các thành phố công nghiệp chính, 5-12% tại phía Bắc, và 8-13% tại phía Nam so với cùng kỳ năm trước.
Giá thuê sẽ còn tăng cao?
Một số khu công nghiệp tiêu biểu trong từng khu vực, mức giá chào thuê thậm chí có thể tăng tới 20% tại một vài dự án ở khu vực phía Bắc và khoảng 26% ở khu vực phía Nam. Giá đất công nghiệp dự kiến sẽ duy trì ở mức cao, trong khi giá thuê nhà kho và xưởng dự kiến biến động nhẹ ở mức 0-3%/năm.
Trong vòng ba năm tới, nguồn cung đất công nghiệp sẽ tăng thêm hơn 14.000 ha cho cả hai thị trường. Trong đó, các tỉnh công nghiệp cấp 2 sẽ lần lượt chiếm khoảng 21% đến 42% nguồn cung miền Nam và miền Bắc.
Mức giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ có mức tăng khả quan là khoảng 5-10%/năm trong ba năm tới tại thị trường phía Bắc và 8-13%/năm tại khu vực phía Nam. Chính việc tăng giá thuê bất động sản công nghiệp đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại, cùng với đó còn là hệ lụy về khả năng phát sinh các ô nhiễm từ sản xuất tập trung ở những khu công nghiệp đang được mở rộng trên nhiều vùng miền của cả nước.